Trong chương trình Ai là triệu phú tối 1/3, nhiều khán giả cho rằng người chơi đã "thua oan" với câu hỏi "Nhà Rông thể hiện nét đặc sắc trong kiến trúc của đồng bào dân tộc nào".
Đáp án được MC Lại Văn Sâm đưa ra là A (Gia Rai) trong khi các đồng bào dân tộc Cơ Tu, Ba Na... cũng có nhà Rông. Và đây không phải lần đầu tiên chương trình Ai là triệu phú gặp sự cố về đáp án.
Việt Nam có 4 hay 5 di sản văn hóa?
Năm 2010, trong chương trình Ai là triệu phú phát sóng ngày 21/12 có một câu hỏi dành cho người chơi là "Đến nay ở nước ta có bao nhiêu di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận?" Kèm theo câu hỏi có 4 phương án lựa chọn: 3, 4, 5 và 6.
Người chơi chọn phương án: 5. Ít phút sau, trên màn hình vi tính hiện đáp án: 4. Điều này đồng nghĩa người chơi phải chia tay với chương trình.
Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng người chơi đã bị loại một cách oan uổng vì tính đến thời điểm đó, Việt Nam có 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù Việt Nam và Hội Gióng.
Giải thích về sự cố này, những người trong ê-kíp chương trình cho rằng để chương trình Ai là triệu phú được lên sóng vào tối thứ ba ngày 21/12, ê-kíp phải thực hiện từ nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trước đó.
Lý do này được cho là không thuyết phục vì Hội Gióng đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trước thời điểm phát sóng chương trình này hơn một tháng (UNESCO chính thức công nhận Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 16/11/2010).
Vì Vi-et mà mất 12 triệu
Năm 2014, ở số phát sóng ngày 9/9, cô gái Trần Trúc Anh đã mất phần thưởng 12 triệu đồng và dừng lại ở câu hỏi số 9 với nội dung "Định lý Vi-et được áp dụng trong lĩnh vực nào?".
Điều gây tranh cãi là 2 trong số 3 sinh viên trả lời câu hỏi đến từ ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng... những trường đầu vào là các thí sinh học khối A, D – đều sai khi trợ giúp cho người chơi.
Bên cạnh ý kiến phê bình về trình độ của các sinh viên thuộc tổ tư vấn tại chỗ, một số khán giả lại băn khoăn, phải chăng do câu hỏi không rõ ràng nên người trả lời đã bị nhầm lẫn.
Theo một số chuyên gia ngành tự nhiên, ý nghĩa của câu hỏi nhấn mạnh vào tính ứng dụng của định lý chứ không phải xuất xứ của định lý.
Vi-et là định lý của toán học về nghiệm của phương trình bậc hai. Nó được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như vật lý - dùng để giải các bài toán công suất mạch xoay chiều - hay hoá học, địa chất...
Như vậy, câu hỏi của chương trình sẽ có hơn một đáp án đúng, vì định lý này được áp dụng trong cả ba môn toán, lý, hoá.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ câu hỏi nên được sửa lại là: "Định lý Vi-et xuất phát từ lĩnh vực nào?" hoặc "Định lý Vi-et thuộc về lĩnh vực nào?" sẽ chính xác hơn cho một chương trình truyền hình quốc gia.
Câu hỏi... chẳng đâu vào đâu!
Trong chương trình kỷ niệm sinh nhật 10 năm tối 30/12/2015 của Ai là triệu phú, liên tiếp những câu hỏi bị khán giả "ném đá" vì... chẳng đâu vào đâu!
Cụ thể, câu hỏi dành cho ca sĩ Minh Thư: Theo một câu hát thì: "Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống... ai?". 4 đáp án đưa ra là: A. Ông hàng xóm; B. Chú cạnh nhà; C. Ba; D. Bác đầu ngõ.
Vẫn biết ý đồ của VTV3 khi đưa câu hỏi này có thể chỉ mang tính chất hài hước, song ngoại trừ C (đúng) thì ba đáp án còn lại được cho là "nhạy cảm".
Xem đến đây, nhiều người liên tưởng đến lá thư tự chế gây xôn xao dư luận hồi tháng 8 vừa qua. Vì lá thư này mà các báo và trang tin điện tử bị phạt tiền.
Cũng trong chương trình này, câu hỏi chương trình đặt ra cho nghệ sĩ hài Tự Long cũng làm nhiều người bàn tán về độ "nhảm". Đó là "Vợ của nghệ sĩ hài Xuân Bắc có tên là gì?" với 4 đáp án là: A. Cẩm chướng; B.Tuylip; C. Mào gà; D. Hồng Nhung.
Bên cạnh đáp án đúng là D, nhiều người đặt câu hỏi không lẽ chương trình đã hết chuyện để hỏi mà đưa ra một câu không thể "nhảm" hơn cho người chơi.
No comments:
Post a Comment