Sản phẩm phấn rôm Johnson đang được bày bán tại nhiều siêu thị trong nước.
Liên quan đến bài viết “Nghi vấn phấn rôm có chất gây ung thư: Johnson Việt Nam “khất” câu trả lời” mà Infonet đã đăng tải ngày 26/2/2016, mới đây đại diện J&J của khu vực Đông Nam Á đã có hồi đáp.
Johnson & Johnson nói gì?
Bà Naomi Frances Mermod - Giám đốc Truyền thông và Quan hệ công chúng của J&J Khu vực Đông Nam Á cho biết, bột Talc sử dụng trong các sản phẩm của J&J trên toàn cầu, trong đó có cả các sản phẩm đang lưu hành tại Việt Nam, đã được lựa chọn cẩn thận và đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về tuân thủ chất lượng và độ tinh khiết của nguyên liệu.
Theo bà Naomi: "Phán quyết mới đây (ý nói vụ việc J&J tại Mỹ thua kiện một người tiêu dùng đã qua đời vì ung thư buồng trứng và công ty này bị buộc phải bồi thường 72 triệu USD - PV) đã đi ngược lại với các nguyên cứu khoa học trong nhiều thập kỷ qua chứng minh tính an toàn của bột Talc khi sử dụng như một thành phần mỹ phẩm trong nhiều loại sản phẩm. Vì vậy, dù hết sức cảm thông với gia đình của nguyên đơn, chúng tôi không đồng ý với phán quyết này".
Cần kiểm nghiệm độ an toàn của bột Talc
Tuy nhiên, theo phản biện của các chuyên gia về hóa mỹ phẩm, bột Talc được dùng trong mỹ phẩm cũng có 5,7 loại tùy theo nguồn gốc và thành phần mà loại bột này có công dụng khác nhau.
Chuyên gia Bùi Văn Cứ (Hiệp hội Tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam) cho biết, bột Talc còn được gọi là bột khoáng thạch (hay bột đá) có trong tự nhiên chứa các chất chủ yếu như muối canxi, magie, kali, silic… Ngày nay bột Talc được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp hóa mỹ phẩm, nhất là với các sản phẩm dùng ngoài da. Hợp chất này có tác dụng dưỡng da, chống nhiễm, sát khuẩn, trung hòa các a xít trên da nếu có… hay thậm chí được dùng làm thuốc.
Chuyên gia Bùi Văn Cứ cho rằng để xác định bột Talc trong phấn rôm có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng hay không thì cần phải có phân tích, kiểm nghiệm cụ thể.
Theo chuyên gia Bùi Văn Cứ, công dụng và thành phần của bột Talc phụ thuộc vào nguồn gốc lấy mẫu. Ngoài ra trong quá trình sản xuất còn có những loại bột Talc tổng hợp được pha trộn thêm nhiều chất riêng lẽ khác.
Và như đã nói, chính vì bột Talc không có một công thức hay thành phần chung nên để có thể đánh giá hợp chất này trong các sản phẩm phấn rôm đang lưu hành trên thị trường gây hại cho sức khỏe người sử dụng như thế nào thì cần phải có quá trình phân tích, kiểm nghiệm cụ thể.
Điều chuyên gia Bùi Văn Cứ lo ngại là hiện nay nhiều nhà sản xuất vì chạy theo lợi nhuận mà sử dụng bột Talc có nguồn gốc không rõ ràng, quá trình xử lý và pha trộn không theo quy trình để cho vào trong các sản phẩm hóa mỹ phẩm. Vì thế, đứng trước “ma trận” hóa mỹ phẩm ngoài thị trường, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua sản phẩm để bảo vệ sức khỏe.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều báo cáo của các trung tâm kiểm soát độc chất ở các nước phát triển cho thấy sử dụng phấn rôm cho trẻ nhỏ tiềm ẩn nguy hại. Trẻ hít phải phấn rôm có thể gây ho, suy hô hấp và di chứng phổi về lâu dài.
Ngoài ra, rất nhiều nghiên cứu nêu lên mối liên quan giữa việc sử dụng thường xuyên bột Talc trong phấn rôm ở vùng sinh dục phụ nữ với căn bệnh ung thư buồng trứng. Người ta tìm thấy những hạt Talc trong các khối u buồng trứng ở phụ nữ khỏe mạnh đã sử dụng phấn rôm thường xuyên.
Theo bác sĩ da liệu Lê Đức Thọ, việc sử dụng phấn rôm không đúng có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. Chỉ cần một lượng phấn rất nhỏ xâm nhập cũng có thể gây tổn hại cho mắt và chức năng hô hấp. Để ngăn ngừa ung thư đối, tuyệt đối không được thoa phấn rôm lên mặt, mắt của trẻ và vùng hội âm (mặt trong đùi, quanh âm hộ, bụng dưới) của bé gái.
No comments:
Post a Comment