(WebGiaDinh.org) Rất nhiều mẹ hiện nay thích chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy nhưng lại e ngại không biết những ngày đầu tiên khi bé làm quen với thức ăn thì sẽ chuẩn bị thực đơn ăn dặm cho con như thế nào.
Thực đơn ăn dặm chi tiết của chị Nguyễn Thùy Dương, mẹ bé Natalie Nguyen, tên gọi thân mật là Na (14 tháng tuổi), hiện đang sinh sống tại Toronto, Canada dưới đây sẽ giúp các mẹ hình dung về cấu trúc một bữa ăn dặm tự chỉ huy, độ thô của thức ăn và cách chế biến đồ ăn hợp lý cho bé trong những ngày đầu bé làm quen với kiểu ăn dặm này.
Bé Na bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy từ lúc 6 tháng tuổi. Ở những ngày đầu tiên bé tập ăn dặm, mẹ Na luôn chế biến các món thật mềm để bé có thể tự nhai và nuốt được, vì thường giai đoạn này có bé mới mọc được một vài chiếc răng, có bé chưa hề có chiếc răng nào. Để thử độ mềm của thức ăn, có một mẹo mẹ Na chia sẻ đó là khi luộc/hấp rau củ quả, dùng tay bóp mềm hoặc cho vào miệng nghiền bằng lưỡi nát là đủ độ mềm để bé thưởng thức. Tuy nhiên, không nên vì sợ con nghẹn mà luộc hoặc hấp quá nát vì như thế bé sẽ không tự bốc được thức ăn để đưa vào miệng mà chỉ bóp nát hết.
Vì giai đoạn đầu các kĩ năng cầm nắm của bé còn khá vụng về nên mẹ Na ưu tiên các món dễ cầm nắm như rau, củ luộc/hấp, trứng tráng, cá chiên miếng... Để thử phản ứng của con có yêu thích phương pháp ăn dặm này không, mẹ Na cho bé làm quen với một số loại rau củ quả như quả bơ, khoai tây, táo bỏ lò..., dần dần khi bé đã ăn dặm quen, mẹ sẽ thay đổi đa dạng thực đơn các món cho bé và cho Na làm quen với các món mới nhiều hơn. Khi bé chuyển sang giai đoạn bốc nhón, bé có thể cầm nắm được các loại thức ăn khó hơn, mẹ sẽ chế biến các món cầu kì hơn như thịt viên, thịt cuốn rau củ...
Có một điều mà không ít mẹ lăn tăn khi lựa chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy đó là sợ con hóc, con nghẹn. Về điều này, mẹ Na chia sẻ kinh nghiệm: "Phần lớn các bé mới ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy đều nghẹn nhưng bé sẽ tự ọe ra. Sau những lần như thế bé sẽ học được cách ăn, biết nhai, biết cắn miếng nhỏ. Điều quan trọng là bố mẹ cần nắm vững nguyên tắc chế biến đồ ăn cũng như nguyên tắc khi ăn theo từng giai đoạn phù hợp với từng bé, biết cách xử lý bình tĩnh khi trẻ bị hóc nghẹn. Hãy tin tưởng và trao cho trẻ cơ hội tự kiểm soát bữa ăn của mình, dần dần các bé sẽ vượt qua được khó khăn ở giai đoạn ban đầu này".
Tham khảo thực đơn ăn dặm tự chỉ huy của bé Na giai đoạn đầu:
Bữa ăn dặm đầu tiên của Na: Măng tây hấp, khoai tây và táo bỏ lò nướng, táo rắc chút bột quế và khoai tây rắc chút lá thơm.
Măng tây, cà rốt, hoa lơ hấp, chấm cùng sốt trái bơ xay trộn sữa chua.
Rau củ quả hấp đơn giản gồm bí đỏ, bí ngòi, khoai lang tím, cá tilapia bỏ lò nướng với chút lá thơm.
Cá hồi chiên, rau củ quả luộc (gồm cà rốt, khoai tây, đậu cove)
Măng tây, súp lơ luộc và trứng tráng
Táo, cà rốt, bắp cải hấp và thịt viên chiên.
Bánh korroke khoai tây bí đỏ thịt bò, bánh ngô chiên và măng tây, khoai lang nướng.
Khoai tây cuộn thịt bò rắc phô mai (chọn loại bò thăn, thát lát thật mỏng và chần ra trước khi chế biến cho mềm), bí đỏ và su su hấp
Thịt viên chiên, nui, củ cải và măng tây luộc
11.
Thịt gà viên chiên cùng mộc nhĩ, nấm hương, khoai tây và bí đỏ hấp
Chả tôm hấp, bơ chiên xù, tráng miệng quả xuân đào
Bánh ngô nướng, trứng luộc, trái bơ, bánh gạo và quả mâm xôi
Bắp cải cuộn thịt, khoai lang, bí đỏ hấp và tráng miệng quả mâm xôi.
Tôm áp chảo, khoai lang và su su luộc, cà chua bi vàng, tráng miệng đu đủ
Bánh khoai lang chiên, đậu Nhật và cà tím luộc
Chả đậu xanh, rau luộc và quýt tráng miệng
Thịt bò cuộn măng tây, bí đỏ, bánh bao chay và dâu tây
Súp lơ xanh, đậu luộc, nui luộc và trứng chiên tôm.
No comments:
Post a Comment