"Ca sĩ bây giờ có người chả thèm đến chạy chương trình, bài mới thì đa số hát sai lời, đầu tư tiền bạc nhiều nhất là quần áo và nhan sắc" - tác giả "Tre xanh ru" bày tỏ quan điểm.
- Vài năm trở lại đây, anh làm tổng đạo diễn cho nhiều chương trình lớn, những lễ hội âm nhạc tầm cỡ. Nhiều người bảo Quốc Trung tiên phong cho những điều mới mẻ trong nhạc Việt, anh nghĩ sao?
- Tôi may mắn được đi nhiều, được tiếp cận với những thứ hiện đại của thế giới. Tôi đã làm những gì tôi cho là văn minh và hiện đại từ hơn 20 năm trước đây. Tôi chưa dám nhận mình là người tiên phong nhưng có lẽ sự phát triển của âm nhạc Việt còn quá chậm.
- Rõ ràng, với những chương trình như Monsoon mà anh làm tổng đạo diễn, không ít người nhận thấy khán giả Việt cũng “đói” những lễ hội âm nhạc chỉn chu. Dù nhu cầu luôn cao nhưng theo anh, đâu là nguyên nhân khiến những sự kiện như vậy vẫn còn quá hiếm?
- Nhu cầu cao là nhu cầu miễn phí chứ chưa trở thành một nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống. Thói quen chộp giật và những khó khăn trong việc xây dựng chiến lược hay dự án lâu dài đã hạn chế sự đầu tư trong mọi lĩnh vực. Nói thật là có rất ít chương trình được đầu tư và sản xuất đạt tiêu chuẩn ở Việt Nam. Nó cũng là nguyên nhân tạo nên những thói quen thưởng thức nghệ thuật dễ dãi và không đủ sức lôi cuốn và thuyết phục được khán giả.
- Nhiều nhạc sĩ như anh bây giờ hay lựa chọn công việc làm đạo diễn các chương trình âm nhạc của các nhãn hàng, mang tính chất thương mại hơn là chú tâm vào sáng tác. Anh nghĩ sao về xu thế đó?
- Tôi vẫn sáng tác, vẫn viết nhạc phim và hoà âm dàn dựng cho rất nhiều chương trình. Nếu có khác chỉ khác là tôi không viết ca khúc thôi. Tôi nghĩ sự chuyên nghiệp trong mỗi khâu sẽ góp phần tạo nên một nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến.
- Có người nhận xét nhạc sĩ bây giờ, trong đó có cả anh, cũng chạy show không kém ca sĩ. Anh có lo sợ điều đó sẽ làm nền âm nhạc thiếu đi các tác phẩm hay?
- Nhạc sĩ có chạy gấp 10 lần thì cũng chỉ bằng 1/10 của ca sĩ thôi. Nhạc sĩ mà chạy show được như ca sĩ thì tôi tin rằng sẽ còn rất ít người làm ca sĩ và tham gia các show truyền hình thực tế. Ca sĩ bây giờ có người còn chả thèm đến chạy chương trình, mang cái ipad đến cắm và bật nhạc trước khi lên hát, bài mới thì đa số là hát sai lời, đầu tư tiền bạc nhiều nhất là quần áo và nhan sắc.
Bài hát thì có tuổi thọ thường là thập kỷ trong khi nhạc sĩ thì luôn có áp lực là show nào cũng phải mới. Hơn nữa các tác phẩm dù hay của nhạc sĩ trẻ sẽ hiếm khi được trình diễn nếu bầu show không phải là một nhạc sĩ. Bạn cứ nhìn kết quả của mong muốn đổi mới âm nhạc Việt của tôi cách đây vài năm thì biết
- Là người hoạt động lâu năm trong nghề, theo anh, những năm gần đây, nhạc Việt có xu thế hoặc sự xuất hiện nào đáng chú ý?
- Ngoài xu thế tự sáng tác - tự hát thì còn xu thế lấy truyền hình thực tế là cốt lõi cho sự phát triển.
- Nhìn vào con số đầu tư 1 triệu USD của chương trình anh làm đạo diễn ở Đà Nẵng, nhiều người nghi ngờ vào khả năng có lãi của nó, bởi khán giả ở đây vốn chưa quen với những lễ hội âm nhạc lớn như vậy?
- Đây là 1 dự án xã hội hoá 100% nhằm đem đến một sản phẩm văn hoá cho thành phố. Chúng tôi có bán vé để tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật một cách văn minh và toàn bộ nguồn thu này cũng được dùng để nâng cao chất lượng cho chương trình chứ không phải là thu hồi vốn. Nếu tạo được một sản phẩm văn hoá cho cộng đồng, cho người dân thành phố thì "lãi" ở đây không phải được tính bằng tiền.
- Con số đầu tư của chương trình này không nhỏ nhưng chưa thể mời được những ngôi sao tầm cỡ thế giới. Các DJ tham dự cũng không phải là những gương mặt quá nổi bật. Anh lý giải điều này như thế nào?
- Trước tiên cần phải nói rõ nhà đầu tư có ngân sách 1 triệu USD để mong muốn mời những ngôi sao đủ sức hút công chúng từ các thành phố lớn về với chương trình nhưng do không đủ thời gian khi mà mọi ngôi sao ca nhạc đều có lịch làm việc trước một năm. Toàn bộ thiết bị âm thanh, ánh sáng đủ tiêu chuẩn quốc tế, hàng rào, các hạng mục khác đều phải vận chuyển từ Hà Nội vào nên chi phí sản xuất cũng khá cao, tuy nhiên chúng tôi chỉ sử dụng chưa đến 3/4 ngân sách đó.
Trong điều kiện như vậy thì chất lượng âm nhạc là quan trọng nhất. Tôi bảo đảm các phần biểu diễn của các nghệ sĩ sẽ rất hấp dẫn và có chất lượng rất cao. Âm nhạc thế giới rất phong phú cho nên cũng không cần phải nghe nhạc chỉ bằng danh tiếng.