Vị bác sĩ này vẫn đang công tác tại BV Bạch Mai. Theo GS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm ung bướu và xạ trị hạt nhân, BV Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ, vị bác sĩ này phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn muộn nhất, cách đây đã 5 năm. Sau khi áp dụng công nghệ chụp chiếu hiện đại nhất các bác sĩ đã phát hiện ung thư phổi đã di căn khắp cơ thể bệnh nhân “từ đầu đến chân”.
Với các bệnh nhân bị di căn như vậy, việc áp dụng phương pháp cũ thì cũng chỉ điều trị giảm nhẹ, nâng cao thể trạng và có thể nói việc kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân không đươc nhiều.
Các bác sĩ tại Trung tâm ung bướu và xạ trị hạt nhân, BV Bạch Mai quyết định sử dụng phương pháp phẫu thuật bằng dao gama quay có kết hợp với một số phương pháp khác để điều trị. Tính đến nay, sau 5 năm vị bác sĩ này được coi là đã khỏi bệnh.
Đây là trường hợp điển hình được dẫn chứng sau khi áp dụng thành công các nghiên cứu khoa học y học trong cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” của GS Mai Trọng Khoa. Công trình đã được vinh danh đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Với các bệnh nhân bị di căn như vậy, việc áp dụng phương pháp cũ thì cũng chỉ điều trị giảm nhẹ, nâng cao thể trạng và có thể nói việc kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân không đươc nhiều. (Ảnh Internet)
Là một bác sĩ trực tiếp điều trị và cũng là lãnh đạo cao nhất trung tâm ung bướu của 1 bệnh viện lớn, GS Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm ung bướu và xạ trị hạt nhân, BV Bạch Mai, luôn đau đáu phải làm sao nghiên cứu, áp dụng những phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại nhất giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả nhất căn bệnh ung thư.
“Trường hợp cụ thể trên là minh chứng hùng hồn cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ để điều trị ung thư. Tất nhiên, việc điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như trường hợp bác sĩ trên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị của bác sĩ”, GS Khoa cho biết.
Cuối cùng về kinh phí khi áp dụng những phương pháp điều trị này GS Khoa cho biết: “Khi áp dụng những phương pháp điều trị hiện đại, tất nhiên là đòi hỏi phải tốn kém chi phí. Tuy nhiên, chi phí ở Việt Nam quá rẻ so với thế giới".
Ví dụ như kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay: Một lần xạ phẫu bằng dao gamma quay tại Mỹ là 25.000 USD, tại Việt Nam là 2.000 USD. Đó là chưa kể các kỹ thuật này còn được bảo hiểm y tế chi trả. Như vậy chi phí điều trị rất thấp”, GS. Khoa nhấn mạnh.
Theo thống kê từ Trung tâm ung bướu và xạ trị hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất trên thế giới. Mỗi năm có 125.000 ca ung thư mới trong đó có 94.700 người tử vong. |
Theo GS.TS. Mai Trọng Khoa, ứng dụng các bức xạ ion hóa nói trên vào trong y học, nhất là trong lĩnh vực ung thư đã góp phần quan trọng trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ở Việt Nam một cách hiệu quả, kinh tế và an toàn. Công nghệ này hiện nay trên thế giới chỉ có 12 quốc gia áp dụng trong đó có Việt Nam và Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên và duy nhất áp dụng phương pháp này.
GS.Mai Trọng Khoa cho biết, phương pháp này nâng cao hơn chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý, làm giảm tỷ lệ tử vong, tăng tỷ lệ điều trị thành công, chữa khỏi cho các bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác ở giai đoạn phát hiện sớm.
Nhờ phương pháp này, các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện các tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh cũng như đánh giá hiệu quả quá trình điều trị cho nhiều loại bệnh ung thư khác nhau.
GS Mai Trọng Khoa, một bác sĩ trực tiếp điều trị và cũng là lãnh đạo cao nhất ở Trung tâm ung bướu và xạ trị hạt nhân
Trên cơ sở đó, bác sĩ đưa ra được phương pháp điều trị chính xác, phù hợp, hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Đặc biệt trong chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân ung thư tái phát, di căn mà các phương pháp điều trị trước đó không đáp ứng được.
Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” bao gồm 5 nhóm công trình sau: Nhóm 1. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ positron (PET/CT: Positron Emission Tomography) để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ. Nhóm 2. Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật xạ trị (Radiotherapy) tiến tiến để điều trị ung thư. Nhóm 3. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ phẫu (radiosurgery) bằng dao gamma quay (Rotating Gamma Knife) để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não. Nhóm 4. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư. Nhóm 5. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết. Tổng số sản phẩm khoa học của cụm công trình này bao gồm 154 bài báo trong nước, 13 bài báo quốc tế, 11 báo cáo tại Hội nghị quốc tế, 14 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (gồm 2 đề tài cấp Nhà nước, 7 đề tài cấp Bộ, 5 đề tài cấp cơ sở), 10 quyển sách (gồm 3 sách chuyên khảo, 2 sách tham khảo, 3 giáo trình và 2 sách hướng dẫn), đào tạo 13 tiến sỹ và 8 thạc sỹ, xác nhận chuyển giao ứng dụng tại 18 bệnh viện trong cả nước. |