Gặp NSND Lê Khanh bây giờ, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi chị thay đổi phong cách trẻ trung với mái tóc ngắn, bộ quần áo bò màu rêu, dép sandal đi lại thoăn thoắt.
Vẫn cái nết dịu dàng khiến cho nhiều trái tim tan chảy ấy, vẫn nụ cười tươi để lộ hàm răng hạt nhãn ấy, nhưng có một Lê Khanh của thời hiện tại không dành cho những vai diễn đầy ma mị trên sân khấu kịch, những nhân vật tưởng hiền lành nhưng đầy sự nổi loạn. Chị bây giờ chuyên tâm cho công việc giảng dạy, làm đạo diễn và quản lý trong vai trò Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ...
NSND Lê Khanh.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, Lê Khanh sinh ra để dành cho sân khấu kịch bởi có quá nhiều vai diễn của chị đã thành công. Một Juliet trong vở "Romeo và Juliet”; một Bà mẹ trong vở "Hồn ma bóng quỷ; Nàng Dexdemona trong vở "Otenlo"; là Tấm trong vở "Tấm Cám"; là cô giáo Thúy trong vở "Mùa hạ cuối cùng"; là Ni cô Đàm Vân trong vở "Ni Cô Đàm Vân"; Vai Quỳnh trong vở "Vườn Quỳnh"; Vai Nguyệt Cầm trong vở "Nguyệt Cầm"; vai Đan Thiềm trong vở "Vũ Như Tô"; vai Thuý trong vở "Bến bờ xa lắc"; vai bà già điếc trong vở "Chỉ tại cái tai"; vai nữ Anh hùng JanĐa trong vở "Chim sơn ca"; vai Ximma trong vở "Vào đời"; vai Erica trong vở "Ngôi nhà trên thiên đường"; vai NhiNa trong vở "Người con trai cả"...
NSND Lê Khanh cũng luôn thừa nhận vai trò của sân khấu trong cuộc đời chị, bởi vì nếu không có sân khấu với những vai diễn ngay từ những ngày bước vào thánh đường sân khấu, sẽ không có một Lê Khanh của ngày hôm nay.
NSND Lê Khanh Kể: "Thực ra, tôi biết đến nghề diễn lần đầu tiên năm tôi lên 8 tuổi. Đó là một bộ phim nửa truyền hình nửa sân khấu. Nói là nửa nọ nửa kia vì nó được diễn trực tiếp trên sân khấu 58 Quán Sứ nhưng ngoại cảnh lại được quay tại bãi tre Sông Hồng. Nghe có vẻ phức tạp, song có một dấu ấn đó là một thời khắc cuối cùng của công nghệ truyền hình thủ công. Đó là một vai diễn duy nhất tôi diễn cùng với bố tôi, NSND Trần Tiến cho đến tận bây giờ. Bố tôi đóng vai ông và tôi vào vai cháu.
Bộ phim của đạo diễn, NSND Trần Phương, nhà quay phim Khương Mễ. Bạn diễn của tôi là anh Vinh, con trai của NSND Lưu Xuân Thư.
Tác phẩm ấy tôi cũng không còn nhớ tên là gì vì quá lâu và chỉ phát một đêm duy nhất, khi đó chưa có băng nhựa để lưu giữ lại. Nhưng rõ ràng, nó đã gây ấn tượng lớn cho tôi. Một năm sau, khi lên 9 tuổi thì tôi vào vai bé Bu-Mi phim "Hai bà mẹ" (Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, một bộ phim nói về tình hữu nghị Việt Lào). Bộ phim đã làm bước đệm cho tôi thấy rằng, nghệ thuật là một điều gì đó thực sự quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp của tôi.
Bẵng đi một thời gian, sau sáu năm, một dấu ấn quan trọng vào năm 15 tuổi, cái tuổi còn chưa đủ lớn để vào vai thanh niên xung phong nhưng vì tôi đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Đức Hoàn nên để được vào vai, tôi đã phải trốn dưới gầm ghế của Đoàn làm phim để tránh phải gặp các bác lãnh đạo. Khi xe rời khỏi số 4 Thụy Khuê, bác Giám đốc vẫy tay chào đầy hân hoan thì tôi mới lóp ngóp bò lên ghế ngồi. Đó là vai Tuất, phim "Từ một cánh rừng", một cô thanh niên xung phong có tình yêu lãng mạn tay ba với những cảnh quay đẹp giữa rừng.
Bước sang tuổi 16, tôi xin tuyển sinh và đầu quân vào Nhà hát Tuổi Trẻ và chấp nhận ký vào cái đơn "chia tay điện ảnh" tròn 10 năm để chuyên tâm dành cho sân khấu. Đó là lý do vì sao ở tuổi đẹp nhất dành cho điện ảnh thì tôi lại không có một vai diễn nào. Đúng 10 năm sau, năm 1988 thì tôi quay trở lại điện ảnh với một vai diễn về đề tài cách mạng. Vai một cô gái Thái, người yêu của anh Lò Văn Muôn.
Từ đó, năm nào tôi cũng đi làm phim. Tôi được đạo diễn Đức Hoàn tiếp tục mời vào vai Hân trong bộ phim "Ám ảnh", bộ phim đã mang về cho tôi giải Nữ diễn viên xuất sắc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ X tại Hải Phòng. Trong đó tôi diễn với hai nhân vật nam rất nam tính, là anh Trần Vân (đã mất) và anh Thương Tín. Cũng từ đó, tôi nhận thức được rằng, dù đam mê sân khấu, nhưng điện ảnh là một lĩnh vực mà tôi sẽ có đất diễn để thể hiện một phần con người đa tính cách của mình".
Nói về những bộ phim đã ghi dấu ấn gương mặt Lê Khanh đối với điện ảnh, có những vai diễn đã thực sự nằm lòng trong nhiều thế hệ khán giả. Một tu sĩ Băng Thanh trong loạt phim "Săn bắt cướp" của Đạo diễn Trần Phương; ca sĩ Hoàng Điệp trong phim "Dòng sông hoa trắng"; Lan phim "Chuyện tình bên dòng sông" của đạo diễn Đức Hoàn hay như hai vai diễn trong dòng phim thị trường như Vợ Bảo trong "Chiếc mặt nạ da người" và Thoa trong "Bản tình ca cuối cùng" của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín...
Lê Khanh đã "diễn như không diễn", dung dị đời thường nhưng mỗi nhân vật là một Lê Khanh mới mẻ với những nét đẹp nội tâm phức tạp, sâu sắc, được thể hiện khá đa dạng và thuyết phục. Có những nhân vật tưởng như cùng một sự lặp lại, thế nhưng vào sự diễn xuất của chị, lại trở nên khác biệt, không có sự trùng lặp.
Trong số những bộ phim đã thể hiện, một bộ phim mà cả chị lẫn khán giả đều có những ấn tượng không thể mờ phai đó là phim truyền hình "Người Hà Nội" của đạo diễn Hoàng Tích Chỉ, bộ phim Lê Khanh được mời tham gia sau khi chị sinh con gái đầu lòng được 6 tháng.
Một cảnh trong phim “Người Hà Nội”.
Chị chia sẻ: Con thơ đầu lòng chị muốn dành thời gian chăm chút cho con, nhưng vì kịch bản quá hay, chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết "Phố" của nhà văn Chu Lai. Đây là một bộ phim đánh dấu giai đoạn chuyển từ hình thức làm điện ảnh sang dòng phim truyền hình. Dù chủ yếu là diễn viên điện ảnh chuyển sang làm và phong cách làm phim vẫn được quy chuẩn mực thước của điện ảnh, nhưng trong thâm tâm chị lúc đó có cảm giác như... tụt hạng! Phim được làm gấp gáp hơn, bởi chịu sự chi phối của kinh phí cũng như những vấn đề liên quan.
Chính bởi tâm lý đó, dù chị vẫn thích nghi và làm việc hết sức mình nhưng ngay cả khi phim được chiếu và được khán giả đón nhận, khen ngợi, chị vẫn không xem phim cho đến khi bộ phim kết thúc. Độ cực đoan và gan lì của một người nghệ sĩ trọng nghề chỉ giảm xuống khi phim được đón nhận quá lớn, được những giải thưởng, được những đồng nghiệp và báo chí khen ngợi.
Chị "trốn" mọi người, khẽ khàng bật ti vi xem khi bộ phim được chiếu lại vào những lần tiếp theo, và khi đó, chị thừa nhận rằng, bộ phim có sức lay động khán giả với những cảnh huống cuộc đời và dòng chảy nhân vật trong phim. Bộ phim là sự kết hợp hoàn hảo của những yếu tố thuận lợi, từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc...
Mặc dù thừa nhận rằng, Thảo, nhân vật chính mà chị thủ vai, một người phụ nữ không hoàn toàn giống mình, nhưng đó là sự trải nghiệm và đồng cảm sâu sắc về những thăng trầm trong cuộc đời của một người phụ nữ trước miếng cơm manh áo.
NSND Lê Khanh kể lại: "Tôi có nhiều kỷ niệm khi đóng phim "Người Hà Nội". Thời điểm con nhỏ nên còn phải cho bú, đoàn làm phim cứ ba tiếng một lần hỗ trợ người đưa tôi về nhà cho con ăn rồi lại chở đến quay tiếp. Có lần đang diễn trường đoạn ở chiến trường, tôi băng bó vết thương cho anh Hồng Sơn (vai chồng). Đang diễn, anh Hồng Sơn bảo, này Khanh ơi, có cái gì đó ở áo em? Tôi nhìn lên chiếc áo quân phục thì hóa ra đã quá giờ cho con bú… Nói có anh linh anh Hồng Sơn nơi chín suối, ngày anh ấy còn sống, thỉnh thoảng hai anh em nhắc lại vẫn cười vui vì kỷ niệm ấy. Đóng phim này tôi cũng bị trả giá đấy. Phim dài tập, con cũng thêm tháng.
Từ thu sang đông, có một cảnh quay giữa tiết trời mùa đông ở Đồ Sơn, Hải Phòng, rét cắt da thịt, tôi và anh Mạnh Cường (vai Hùng) có một tình yêu đẹp, buộc phải lựa chọn hoặc chồng hoặc người yêu, trước những giằng xé, tôi đi ra biển bởi những bấn loạn. Trời rét căm căm, các anh có kinh nghiệm khuyên tôi uống... nước mắm cất theo kiểu các anh lính đảo nhưng vừa nhấp một chút tôi đã nôn thốc nôn tháo.
Sau cảnh quay ấy trở về Hà Nội cho con bú xong mà cứ thấy con khóc mãi, thì ra mình bị mất sữa, làm mọi cách nhưng không được. Đó là một điều ân hận với con lớn nhất khi tham gia bộ phim".
Sau bộ phim "Người Hà Nội" chị có nhiều thành công ở những bộ phim khác. Trong đó có phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" của đạo diễn Trần Anh Hùng. Một bộ phim điện ảnh nhiều sắc màu và cũng là một bộ phim khiến chị cảm thấy gần mình nhất.
NSND Lê Khanh kể: "Đạo diễn Trần Anh Hùng là người thông minh vì anh luôn luôn quan sát, tìm hiểu để tìm một sự gần gũi nhất giữa con người thật của diễn viên và nhân vật. Diễn viên được tự lựa chọn tên cho nhân vật của mình. Điều này có lẽ đạo diễn muốn xóa nhòa ranh giới giữa diễn xuất và đời thực. Tôi như được "mở tấm lòng" và không ngại ngần chọn ngay tên Khanh làm tên nhân vật của mình. Điều này khiến mình phải có trách nhiệm hơn với bộ phim với nhân vật và có lẽ bộ phim, đã chạm đến trái tim của khán giả bởi cả ê kíp chúng tôi đã sống hết mình với bộ phim, chứ không phải là diễn nữa".
Ở vào tuổi 53, Lê Khanh không tham gia nhiều phim nữa mà dành trọn tâm huyết của mình với sự nghiệp sân khấu của Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi cả một thời tuổi trẻ chị đã cống hiến. Chị có lẽ cũng là một trong những người phụ nữ đẹp, thành công trong nghề nghiệp mà vẫn giữ tròn hạnh phúc gia đình.
Vợ chồng NSND Lê Khanh.
Chồng chị, đạo diễn Phạm Việt Thanh là một người đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ mọi vui buồn trong nghề cùng chị.
NSND Lê Khanh tâm sự: "Chẳng phải là chúng tôi có gì đó khác biệt, nếu có chỉ là cùng tin tưởng và hiểu nhau. Ai có công việc gì đó đã là mừng, vì chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác nếu không làm nghề. Ai có công việc thì tôn trọng, khích lệ nhau, nếu không thì làm gì có kinh tế để nuôi con... Chúng tôi làm nghệ thuật một phần vì đam mê, một phần vì mình cần nó cho sự sống. Còn trong cuộc đời, vợ chồng nào chẳng có lúc này lúc kia.
Hỏi chúng tôi có ghen không ư, yêu thì phải ghen chứ, nhưng trong gia đình chúng tôi không có những chuyện ồn ào xảy ra bởi chúng tôi nghĩ phải tôn trọng nhau, tôn trọng các con. Tôi còn nhớ có những phim chồng tôi chỉ đạo diễn xuất, vai diễn của tôi có đôi có lứa. Bạn diễn của tôi không mạnh dạn lắm anh ấy còn mắng: "Mày phải hôn người yêu mày nhiệt tình hơn chứ".
Không biết có bất bình thường không nhưng rõ ràng, trong nghệ thuật thì phải thế. Dĩ nhiên, tôi là người thực sự không mạnh dạn lắm trong việc thể hiện tình cảm trên phim, những cảnh nóng lại càng không thích. Không phải tôi nhút nhát hoặc sợ liên quan đến gia đình, mà chỉ đơn giản là tôi không thấy đẹp. Thực tình là tôi chưa thấy diễn viên Việt Nam nào diễn cảnh tình tứ đẹp, vì cái chất của người Việt quen quan niệm như vậy nên nó vụng về. Châu Á đã khác châu Âu rồi.
Tất nhiên, ngày nay thế hệ trẻ khác nhiều; họ, nói chung, bao gồm cả diễn viên và khán giả, đã tự bộc lộ mình rất nhiều. Ngày xưa bản thân sự tiếp nhận đã không thoải mái, thì làm sao diễn thoải mái được. Hiềm cái gì đã không thoải mái thì không nên cố, nó sẽ trở nên khiên cưỡng, nó sẽ không đẹp, không lãng mạn, và tôi cho rằng, mình không nên đẩy mình vào chỗ khó khăn ấy hoặc thay bằng những cảnh khác có sự hấp dẫn hơn".
NSND Lê Khanh là người thích chăm chút gia đình và vào bếp nấu những món ăn cho chồng con. Chị bảo, niềm hạnh phúc lớn nhất là các con chị trưởng thành, có những bước đi tự lập và chị, một "Người Hà Nội" ở tuổi này vẫn được làm nghề, yêu nghề và dành trọn vẹn tâm huyết của mình cho nền sân khấu nước nhà...