Clip: Nhân viên làm tại nhà hỏa táng vất vả ngày cuối năm.
“Tắc đường” tại đài hóa thân trong những ngày Tết
Những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất, tại Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức (Phù Ninh – Phú Thọ), những chiếc xe tang nối dài chờ đến lượt để đưa những người qua đời vào đợt giáp Tết làm lễ và hỏa thiêu.
Trong khu vực nhà đại thể, tiếng nhạc tang lễ chưa lúc nào ngớt. Từng dòng người xếp thành hàng lần lượt đi quanh chiếc áo quan để nhìn mặt người thân lần cuối, trước khi chuyển xuống lò hóa thân.
Người thân đứng làm nghi lễ trước khi người đã mất được đưa xuống lò hỏa thiêu.
Ghi nhận trong một buổi sáng ngày cuối năm Mậu Tuất, có đến 20 ca đã đăng ký làm thủ tục hỏa táng. Trong số đó, có những trường hợp mất vì bệnh tật tuổi già nhưng cũng có không ít trường hợp bị tai nạn thương tâm qua đời khi tuổi đời còn quá trẻ.
Ông Nguyễn Nô En – Phó giám đốc Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức cho biết, đối với các cán bộ làm việc tại đây, ngày Tết vẫn làm việc như những ngày thường. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, các cán bộ phải chia nhau ra để trực. Số lượng cán bộ làm việc ít hơn ngày thường nên công việc một người phải đảm nhiệm sẽ nhiều và vất vả hơn.
Số lượng ca hỏa táng trong 4 ngày cao điểm dịp Tết luôn tăng cao.
Theo ông Nô En, những ngày nghỉ Tết các lò hỏa thiêu chỉ nghỉ duy nhất một ngày mùng 1 Tết, còn lại vẫn hoạt động bình thường. “Ngày mùng 1 chúng tôi chỉ nghỉ không hỏa táng, nhưng nếu gia đình có người qua đời đến đăng ký vẫn có bộ phận tiếp nhận và để ngày mùng 2, mùng 3 Tết đưa đi hỏa táng”, ông Nô En nói.
Qua thực tế từ các đợt Tết Nguyên đán các năm trước, ông Nô En cho biết dịp Tết có 4 ngày là 29, 30 và mùng 2, mùng 3 Tết các cán bộ làm việc ở đài hóa thân hoàn vũ phải làm việc hết công suất. Thậm chí trong những ngày này còn xảy ra tình trạng “tắc đường” vì số lượng ca đến hỏa thiêu tăng hơn so với những ngày bình thường.
Có những ngày Tết cao điểm có tới 41 ca được đưa đến hỏa táng.
Thông thường với những gia đình có người mất trong ngày 29 hoặc 30 họ sẽ đưa đi hỏa táng ngay chứ không để qua năm mới. Còn đối với những người mất ngày mùng 1 Tết, họ sẽ không phát tang ngay mà để đến ngày mùng 2, mùng 3 Tết. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng “tắc đường”.
Hơn nữa trong số những ngày này ngoài số ca mất do già yếu, bệnh tật...thì số ca mất do tai nạn giao thông cũng sẽ tăng lên. “Cả đài hóa thân chỉ có 4 lò hỏa táng, cùng 1 thời điểm chỉ làm được 4 ca, mỗi ca 1 tiếng. Trong khi đó, có thời điểm trong 1 tiếng có đến 20 ca đưa đến cùng 1 lúc nên vấn đề “tắc đường” là không tránh khỏi”, ông Nô En chia sẻ.
Cảm thông với những nỗi đau trong ngày Tết
Có mặt lại khu vực hỏa táng những người đã mất, chúng tôi có thể cảm nhận được sức nóng không chỉ ở trong các lò, mà nó còn thể hiện qua cường độ làm việc của các nhân viên kỹ thuật đốt lò.
Những cán bộ đốt lò làm việc hết công suất trong dịp Tết.
Trong vòng 15 phút buổi sáng, liên tục các áo quan được chuyển từ trên nhà đại thể xuống khu vực nhà chờ để đưa vào hỏa táng. Anh Nguyễn Văn L. (SN 1990) - công tác tại Đài hóa thân cho biết, dù trong những ngày Tết, số ca có tăng lên, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng các cán bộ đều phải tuân thủ đủ quy trình và nguyên tắc khi hỏa táng.
Phải làm công việc đặc biệt trong những ngày Tết, anh L. chia sẻ, với nhiều người có thể họ sẽ kiêng cữ gặp người mất trong ngày Tết vì sợ vận đen, nhưng anh và các đồng nghiệp của mình lại không nghĩ vậy.
Dù làm việc hết công suất nhưng có nhiều trường hợp vẫn phải chờ vì quá tải.
“Bất kể gia đình nào có người thân qua đời họ đều đau xót. Đối với những gia đình có người thân qua đời đúng dịp Tết, nỗi đau ấy tăng lên gấp bội phần. Chứng kiến những ánh mắt, trực tiếp nghe những lời khóc than của họ chúng tôi tự hiểu với nhau rằng phải làm việc tận tâm, trách nhiệm hơn để họ cảm thấy an lòng, để những người đã mất ra đi được thanh thản và nhẹ nhàng nhất. Đặc biệt là những ca qua đời khi tuổi còn quá trẻ hoặc tai nạn giao thông”, anh L. chia sẻ.
Tết không có lời chúc, tiếng cười của những cán bộ làm hỏa táng.
Chia sẻ về việc phải xa gia đình trong những ngày Tết, anh L. trầm ngâm cho biết, bất kể ai cũng vậy, ngày Tết không ở bên gia đình đều cảm thấy chạnh lòng. Nhưng với đặc thù công việc, anh L. và các đồng nghiệp phải san sẻ công việc cho nhau. Được biết, trong dịp này anh L. không phải trực xuyên Tết mà chỉ làm 24 tiếng, xong việc, anh được nghỉ 24 tiếng về với gia đình.
“Chúng tôi đa số là những người ở địa phương nên ngày nghỉ vẫn có thể về được với gia đình. Còn khi làm việc, chúng tôi khác với những cơ quan khác, sẽ không có nhạc mừng năm mới, không có tiếng cười sảng khoái hay lời chúc rộn ràng. Vì ở quanh chúng tôi là những nỗi đau, sự mất mát của các gia đình”, anh L. chia sẻ.
No comments:
Post a Comment