ThS. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc trung tâm Phân tích ADN & Công nghệ Di truyền đã được lắng nghe và sẻ chia với cả trăm nghìn câu chuyện về ADN. Đó là những câu chuyện mang dáng hình muôn màu muôn vẻ, với đủ hoàn cảnh, nhân vật khác nhau.
Bên cạnh những câu chuyện xác minh thân thế, tìm lại nguồn cội, vốn là những chuyện đời thường của ADN, phải kể đến những câu chuyện “ADN thừa kế” đầy tranh chấp cho thấy được chuyện xoay quanh ADN thực sự đa dạng và phong phú. Đầy rẫy những trường hợp, sau khi mất công che giấu bao năm, ông chồng vừa qua đời và để lại khối tài sản kếch xù, bỗng nhiên, xuất hiện những đứa con trong vòng tay “người tình thời trai trẻ” về nhận phần chia chác.
Có những cuộc xét nghiệm giúp đứa trẻ nhận lại được đầy đủ gia đình, nhưng cũng không thiếu những trường hợp, kết quả xét nghiệm “lật tẩy” những tham vọng lừa đảo, chiêu trò chiếm đoạt tài sản của người dưng.
Đứa trẻ trong những trường hợp ấy không chỉ được “thừa kế” ADN của bố mà còn có thể được thừa hưởng một gia sản đồ sộ.
Trước đó, đã có nhiều vụ, còn mua chuộc làm giả kết quả ADN để ghi tên mình vào gia phả của một gia tộc giàu có nào đó, lợi dụng để hưởng lợi từ khối tài sản thừa kế.
Chị Nguyễn Hải Yến, nhân viên thu mẫu tại trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền, đã kể lại một câu chuyện “ADN thừa kế” như thế.
Kết quả ADN trị giá hàng tỷ đồng
Nói vậy cũng không sai, khi kết quả ADN trả về là có quan hệ huyết thống, thì nhân vật ấy sẽ được hưởng quyền thừa kế với giá trị hàng tỷ đồng.
Câu chuyện từ khá nhiều năm trước, là một trường hợp xét nghiệm ADN mà chị Yến ấn tượng, với quy trình “phức tạp” nhất tại trung tâm. Nó phức tạp là bởi, phải lấy gần 10 mẫu xét nghiệm.
Một đại gia độc thân gần 50 tuổi tại Hà Nội, sau khi mất đi, để lại nhiều tài sản, đặc biệt là số đất đai ông sở hữu tại Hồ Tây. Khối tài sản ấy lên tới vài tỷ đồng.
Ba năm sau, bỗng nhiên xuất hiện một cô con gái hơn 20 tuổi về nhận bố. Cái tin ấy khiến tất cả họ hàng của ông đều cảm thấy nghi ngờ, sửng sốt. Nhiều người thì bảo ông đại gia may mắn, qua đời đột ngột cũng kịp để lại một cô con gái xinh đẹp, người lại tỏ ra nghi hoặc, chắc gì đã là con cháu nhà mình.
Vốn dĩ ông đại gia chẳng có vợ con, nên nếu cô gái trẻ kia là con ruột của ông, chắc chắn mọi tài sản sẽ về tay cô.
Chị Nguyễn Hải Yến (bên trái) đang tiến hành tư vấn một ca xét nghiệm cùng đồng nghiệp.
Mẹ cô gái cũng đã mất nên chắng có ai biết thêm thông tin cụ thể hơn. Chỉ biết, trước khi qua đời, mẹ đã nói rằng cô là đứa con chưa được công nhận với ông đại gia này. Cô gái trẻ cũng không quên “tường thuật” lại mối tình thắm thiết thời trẻ của mẹ cô với ông đại gia, nhưng tiếc là chưa đủ duyên để về chung một nhà.
Cô gái trẻ “nóng lòng” nhận người bố đã khuất, không khỏi khiến các thành viên trong đại gia đình hoài nghi. Họ cũng lo lắng, khối tài sản kia chẳng may lại thuộc về một người dưng.
Họ quyết định nhờ tới ADN giải mã. Nhưng người bố đã mất, ông bà nội cũng chẳng còn, vì vậy, trung tâm xét nghiệm được đề nghị lấy mẫu với toàn bộ cô chú, bác còn lại trong gia đình, tất cả 7 người.
Một ngày nọ, 7 người họ hàng, là anh chị em ruột của vị đại gia đã mất và cô con gái kia cùng làm thủ tục lấy mẫu xét nghiệm ADN trước sự chứng kiến của một vị luật sư.
Nếu kết quả đúng là “huyết mạch” của gia đình, vị luật sư ngay lập tức có trách nhiệm thêm tên cô vào di chúc của ông bố đại gia đã mất ba năm trước.
Sau những ngày hồi hộp chờ đợi, ai nấy trong gia đình đều “thở phào” khi nhận kết quả không có quan hệ huyết thống nào.
Thật may mắn khi họ đã không trao lại khối tài sản của ông đại gia cho cô “con gái trượt” kia.
Cô gái trạc đôi mươi sau khi nhận kết quả, vẻ mặt chẳng biểu lộ chút cảm xúc, chỉ buông một câu hỏi khe khẽ như tự vấn, vừa đủ nghe. Câu nói ấy khiến những nhân viên tại trung tâm xét nghiệm phải hồ nghi. Nội dung câu nói đại ý, khi còn sống, mẹ cô gái đã có nhiều mối quan hệ, nên chính mẹ cô cũng chưa thể xác định ai là “bố sinh học” chính xác cho con gái mình.
Ca xét nghiệm “phức tạp” nhất tiến hành so sánh với 7 mẫu ADN khác nhau. (Ảnh minh họa).
Đáng lẽ, chỉ có người mẹ biết con mình là của ai, nhưng đôi khi, thật nực cười, ngay cả người mẹ cũng không biết chính xác bố của con.
Những câu chuyện “ADN thừa kế” khi có kết quả “không có quan hệ huyết thống” có thể chỉ là do sự nhầm lẫn chưa được xác thực, nhưng đôi khi cũng có thể là những phi vụ lừa đảo với âm mưu, chủ đích ngay từ đầu. Vì thế, ADN cũng chính là một giải pháp cho những câu chuyện xoay quanh vấn đề huyết thống.
Đừng để ADN luôn phải “giải mã” cuộc sống
Cuộc sống hiện đại và điều kiện sống ngày càng được cải thiện, chỉ cần bỏ ra một số tiền vài triệu đồng, việc lấy kết quả xét nghiệm ADN không quá khó khăn.
Có những câu chuyện ADN giải tỏa được mối nghi ngờ của người chồng nhưng cũng vô tình mang đến nhiều tiêu cực trong gia đình. Chính những câu chuyện ấy tạo ra “lỗ hổng”, dẫn đến mất niềm tin và sự thấu hiểu lẫn nhau.
Mỗi câu chuyện liên quan tới ADN, nhìn theo hướng tích cực, một là giúp minh oan những nỗi oan tình cảm, hai là giúp gia đình đoàn tụ, nhưng chung nhất, vẫn là đi tìm sự thật về mối quan hệ huyết thống.
Khi mọi người đều có lòng nhân ái, bao dung, sống không chỉ bởi mình mà vì còn mọi người, thì hoàn toàn không cần đến ADN "vào cuộc".
Nhìn vào những câu chuyện ADN muôn màu muôn vẻ, điều quý giá nhất trong cuộc sống này chính là sự chân thành. Hy vọng sự chân thành sẽ giúp “thanh lọc” những “vệt đen” trong tư tưởng, để niềm tin giữa người với người được củng cố, để không bao giờ phải nhờ đến những cuộc xét nghiệm ADN.
No comments:
Post a Comment