Xu hướng lấy chồng nhưng không sinh con ngày một phổ biến
Theo SCMP - trang nhật báo nổi tiếng của Trung Quốc, mặc dù hiện nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách sinh đẻ, cho phép các gia đình có con thứ hai nhưng nhiều phụ nữ vẫn không muốn sinh thêm con, thậm chí là không muốn có con. Những cặp đôi không muốn có con với nhau được gọi là DINK, viết tắt của cụm từ "Double incomes, no kids", tạm dịch là "Gia đình có 2 nguồn thu nhập nhưng không có con".
40% phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con.
Khảo sát do trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Zhaopin.com thực hiện năm 2016 cho thấy, 40% số lao động nữ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này không muốn sinh con, 2/3 số người đã có con không muốn sinh thêm bé thứ hai.
Huang Shuyue, một chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình tại tỉnh Quảng Đông chia sẻ rằng, trước đây chỉ có những cặp vợ chồng bị hiếm muộn mới quyết định không có con với nhau mà thôi. Nhưng hiện nay, tình trạng này lại xảy ra phổ biến đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ, nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố - mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp hoặc muốn tránh xa áp lực lẫn sức ép tiền bạc khi phải nuôi dạy 1 đứa trẻ.
Trước khi kết hôn vào năm 2014, cô Wu Qing, 33 tuổi, đã nói rõ với chồng rằng cô sẽ quyết định không sinh con. "Ban đầu anh ấy nói không sao, nhưng sau đó tôi nhận ra anh ấy đang cố gắng thay đổi suy nghĩ của tôi", cô Wu chia sẻ.
Cô Wu quyết tâm giữ vững lập trường của mình nhưng gia đình nhà chồng lại gây sức ép vì muốn có cháu đích tôn và khuyên Wu hay bắt đầu một "cuộc sống gia đình thực sự". Điều đó đã trở thành mâu thuẫn khó giải quyết trong nhà, cô nói: "Tôi đang đợi thời điểm thích hợp. Chỉ cần mẹ chồng đe dọa bắt chúng tôi ly hôn vì không muốn có con, tôi sẽ ly hôn ngay lập tức".
Ngay từ khi còn nhỏ, cô Wu đã không muốn có con sau khi kết hôn. Mẹ của cô không phải là một người mẹ tốt và luôn muốn có con trai chứ không phải con gái như cô. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ của Wu: "Tôi cứ tự hỏi tại sao bà ấy sinh tôi ra nhưng lại không yêu thương tôi?". Wu nghĩ rằng mình cũng sẽ trở thành một người mẹ tồi như thế, nên mới quyết định không sinh con.
Cô Wu không muốn sinh con vì cảm thấy cuộc sống hiện tại rất tự do và đầy đủ (Ảnh minh họa)
Một lý do khác nữa là Wu yêu cuộc sống hiện tại của mình. Cô đã đi du lịch khắp thế giới, đặt chân đến cả hai cực của Trái Đất và không hề muốn thay đổi lối sống tự do ấy. "Tôi nghĩ chúng ta nên cố gắng hoàn thiện và tận hưởng chính mình. Tôi thật sự không nghĩ rằng việc có một đứa con sẽ giúp tôi hạnh phúc hơn hoặc làm cuộc sống của tôi hoàn thiện hơn", cô nói.
Không những thế, cô Wu còn lo lắng việc có con sẽ cản trở sự nghiệp của mình. Rất ít công ty ở Trung Quốc có phòng vắt sữa riêng dành cho các bà mẹ nên họ phải chui rúc vào những nhà vệ sinh chật chội. Nhiều người mẹ sợ mất việc làm nên đã chấp nhận xin chuyển sang những công việc khác ít áp lực hơn để có thời gian dành cho con cái. "Họ luôn miệng than phiền với tôi và điều ấy chỉ khiến tôi cảm thấy tội nghiệp cho họ hơn thôi", cô Wu chia sẻ.
Trong một góc nhìn khác, bà An Ke, 53 tuổi tỏ ra đồng cảm với cô Wu khi nhớ về thời trẻ của mình. Đến bây giờ, nhiều người bạn vẫn ủng hộ quyết định không có con của bà An, bởi bà sẽ không phải vất vả chăm đứa cháu nào cả. Tuy vậy, bà An vẫn đau đáu nỗi niềm tiếc nuối vì đã quyết định không sinh con.
"Mỗi khi chạm mặt ai đó đang do dự có con, tôi đều khuyên họ nên thử, bởi không có gì trên thế giới này thật sự là của bạn ngoài những đứa con cả. Việc có sự nghiệp thành công không nên là thứ quan trọng hơn có một đứa con", bà An tâm sự.
Nhiều người bạn cảm thấy ghen tỵ với bà An vì không sinh con nên không phải vất vả chăm cháu.
Bà An lấy chồng vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà nhiều người Trung Quốc bắt đầu thay đổi quan điểm về việc nên có con hay không. Thời điểm ấy, bà An đã quyết định không sinh con theo văn hóa phương Tây nhưng theo năm tháng, bà lại dần nghiêng về quan điểm hôn nhân truyền thống. Bà nói: "Chủ nghĩa tự do và sống độc lập của phương Tây khiến họ phải đánh đổi bằng việc ngày càng trở nên xa cách với gia đình hơn. Được sống tự do thật tốt, đặc biệt là khi bạn còn trẻ. Nhưng càng về già, bạn sẽ càng có cảm giác muốn được quây quần bên con cháu và người thân hơn".
Bà An cũng từng phải rất mạnh mẽ và quyết đoán để vượt qua áp lực của xã hội. Mặc dù gia đình bà không ép bà sinh con nhưng dư luận thì không như vậy. Họ nói rằng một người mẹ không sinh con là không hoàn thành trách nhiệm với gia đình, là sợ sệt vì không nuôi được con, thậm chí có người còn nói một cách khắc nghiệt rằng bà không biết sinh con.
Theo khảo sát của Zhaopin, 33% phụ nữ Trung Quốc bị giảm lương sau sinh còn 36% bị giáng chức. Đây chính là lý do lớn nhất khiến họ không muốn sinh con. Ngoài ra, 2 lý do hàng đầu nữa là "không đủ thời gian và sức lực", "nuôi con quá tốn kém".
Ai cũng biết rằng việc nuôi một đứa trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Chưa kể người mẹ sẽ phải chịu rất nhiều áp lực trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái, áp lực từ chồng con, gia đình và xã hội. Nói chung, quyết định sinh con là xác định cuộc sống sẽ thay đổi và vất vả hơn trước rất nhiều. Nuôi dạy con cũng khiến người phụ nữ không có đủ thời gian và tâm trí cho công việc, dẫn đến nguy cơ mất việc cao.
Phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con vì sợ bị ảnh hưởng sự nghiệp, không đủ thời gian, sức lực và tiền bạc.
Tình trạng phụ nữ không chịu sinh con ở Trung Quốc đã trở thành vấn đề cấp bách với đất nước tỷ dân, bởi lẽ dân số nước này đang già đi nhanh chóng. Ngoài ra, sau hơn 30 năm duy trì chính sách một con, dân số trẻ ở Trung Quốc có xu hướng ít hơn so với dân số già đang tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh và tăng gánh nặng lên hệ thống phúc lợi xã hội.
Sau khi xóa bỏ chính sách một con vào tháng 10/2015, Trung Quốc dự tính sẽ có thêm 4 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm cho tới năm 2020, nhưng thực tế số trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm 2016 chỉ có 1,31 triệu.
Việc phụ nữ không muốn sinh con đang khiến dân số Trung Quốc già đi nhanh chóng.
Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc các biện pháp trợ cấp sinh đẻ và phúc lợi xã hội để khuyến khích phụ nữ sinh con. Tuy nhiên thực tế rằng, so với nhiều nước như Đức hay Singapore, Trung Quốc vẫn còn khá e dè trong việc hỗ trợ và giúp đỡ những gia đình không có khả năng chi trả chi phí sinh đẻ và nuôi dạy con.
No comments:
Post a Comment