Vào năm 608 sau Công Nguyên, trong xưởng đá gần thành phố Đại Hưng, thuộc triều đại nhà Tùy, một người thợ đã chạm khắc 4 chữ trên phiến đá rộng 1m. Và vào năm 1957, tức là 1.400 năm sau, 4 chữ này đã được phát hiện. Nếu như không xây dựng đô thị, chúng ta sẽ không biết được có một ngôi mộ đã bị ẩn sâu trong bóng tối lặng lẽ hàng nghìn năm.
Theo đó, vào năm 1957, một nhà máy bắt đầu được xây dựng ở vùng phụ cận Lương Gia Trang, thuộc thủ đô xưa Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Trong khi các công nhân đào móng đột nhiên vướng vào phiến đá nên không thể đào sâu được nữa. Để hoàn thành nhiệm vụ, công nhân đã sử dụng tất cả các vật dụng lao động để xử lý nhưng vẫn không thể phá được.
Ngay lập tức các nhà khảo cổ Tây An vội vã đến hiện trường xem xét tình hình. Họ kết luận đây là một ngôi mộ cổ hình chữ nhật dưới độ sâu 2,9m.
4 chữ khắc trên ngôi mộ cổ: "Mở ra liền chết"
Ngôi mộ này hướng về phía đông, ở giữa có một quách bằng đá với hình dáng một cung điện.
Quách tạo nên bởi 17 tấm đá với chiều dài 1,92m, rộng 0,89m và cao 1,22m, có cửa chính ở giữa, cửa sổ 2 bên, phía trên có mái vòm che.
Điều đáng nói là trên quách ghi 4 chữ Hán “Mở ra là chết”. Mặc dù các nhà khảo cổ tin rằng đây chỉ là lời đe dọa với những tên trộm nhưng với 4 chữ này họ cũng cảm thấy e sợ. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ đã quyết định mở nắp để khám phá bí mật bên trong.
Khi mở quách hiện ra lớp đầu tiên bằng vải lanh với độ dày 3cm. Bên trong lớp vải lanh là một bộ xương bé gái có rất nhiều vòng đeo, dây chuyền vàng, ngọc bích ở tay, cổ.
Rất nhiều vật tùy táng trên người Tĩnh Huấn
Chiếc quách chỉ khoảng 3m2 nhưng chứa tới hơn 200 vật tùy táng các loại quý giá như nhẫn, đá quý, ngọc, đặc biệt là một cổ vật làm từ thủy tinh Ba Tư được tạo tác tinh tế. Những đồ cổ này đều có niên đại từ thời nhà Tùy và được bảo quản nguyên vẹn.
Thực tế hầu hết các ngôi mộ triều đại nhà Tùy đều đơn giản, tiếp kiệm. Ngay cả Hoàng đế Tùy Văn Đế Dương Kiên là người lập nên nhà Tùy thịnh vượng nhưng vẫn luôn tiết kiệm. Thậm chí khi ông qua đời, nghi thức tang lễ vô cùng nghèo nàn đến mức mộ ông không phải là mục tiêu của những tên trộm mộ.
Vậy cô bé này là ai và tại sao lại được chôn cất vương giả như vậy?
Sau khi nghiên cứu sử liệu, các nhà khảo cổ khẳng định chủ nhân của ngôi mộ là tiểu thư 9 tuổi Lý Tĩnh Huấn, thuộc gia tộc họ Lý thời nhà Tùy với nhiều đời làm quan. Lý Tĩnh Huấn là con gái của đại thần Lý Mẫn. Ông cố là một vị tướng trong triều đại Bắc Chu Lý Hiền. Ông nội là Lý Sùng, qua đời ở tuổi 48 khi tham gia trận chiến chống lại người Thổ ở miền Bắc.
Mẹ ruột Tĩnh Huấn là Bắc Chu Công chúa Vũ Văn Nga Anh, bà ngoại là Hoàng hậu Bắc Chu Dương Lệ Hoa, con gái lớn của Tùy Văn Đế.
Dương Lệ Hoa rất yêu quý Lý Tĩnh Huấn và được bà đưa vào cung nuôi nấng từ khi còn nhỏ. Sống một cuộc sống sung sướng nhưng không ngờ Tĩnh Huấn đã có một kết cục buồn thảm. Cô bé mắc bệnh và qua đời khi mới được 9 tuổi. Không thể mô tả được nỗi đau của Dương Lệ Hoa như thế nào với cháu gái. Và ngay cả khi sống trong thời kỳ tiết kiệm, Dương Lệ Hoa đã phá vỡ quy tắc và chôn cất theo nghi thức long trọng nhất vào tháng 12 năm 608. Ngôi mộ của Tĩnh Huấn hoành tráng như một cung điện.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của triều đại nhà Tùy đã khiến không còn ai nhớ đến ngôi mộ của Tĩnh Huấn.
Sau này, các vật phẩm tùy táng đã bị trộm lấy đi nhiều nhưng có lẽ vì 4 chữ “Mở ra liền chết” mà quách của Lý Tĩnh Huấn vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày được khai quật.
Các nhà khảo cổ xác định, đây là ngôi mộ được bảo tồn tốt nhất từ thời nhà Tùy và hiện các đồ trang sức của Lý Tĩnh Huấn được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. Nhiều người cho rằng “Mở ra liền chết” là lời đe dọa nhưng thực tế 4 từ này chỉ là nỗi buồn vô hạn và phước lành của một bà ngoại vừa mất đi tình yêu của mình.
No comments:
Post a Comment