Bị bố mẹ hắt hủi
Theo thống kê không đầy đủ của Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện có khoảng 0,5% dân số là người chuyển giới, dao động trong khoảng 300.000 - 500.000 người. Không chỉ bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở nơi công cộng còn bị gia đình hắt hủi, bạo lực.
H.A.T ở Hải Phòng hiện là cô giáo dạy trẻ tự kỷ. Ảnh: Thùy Anh
Nguyễn Vũ Hà Anh năm nay 21 tuổi (quê Bắc Giang, sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật quân đội) đã trải qua những ngày tháng “bức bối” khi phải sống trong hình hài một người con trai.
Tên khai sinh của Hà Anh là Nguyễn Duy Long, nhà có hai anh em trai, nhưng Long từ nhỏ đã thấy mình khác với bạn bè cùng giới. Sau khi đỗ ĐH, Long chuyển ra Thủ đô sinh sống, cô thay tên gọi thành Nguyễn Vũ Hà Anh, thay đổi ngoại hình, để tóc dài và trang điểm như con gái.
Tuy nhiên, cô sợ bố mẹ mắng chửi nên suốt một năm không dám về nhà. Đến Tết năm 2016, Hà Anh gọi điện về cho mẹ, thú nhận sự thay đổi và xin phép bố mẹ được về quê ăn tết. Nhưng vừa gặp, mẹ của Hà Anh bị sốc và la mắng cô...
Hà Anh kể, vừa về nhà, mẹ cô đã bắt cô đi cắt tóc, bắt bỏ hết đồ trang điểm, quần áo của con gái, bắt cô ở trong phòng không cho đi đâu vì sợ xấu hổ với họ hàng, chòm xóm. Bố Hà Anh là người luôn đặt nặng vấn đề con trai phải lấy vợ sinh con nối dõi nên bắt cô thay đổi lại, nếu không sẽ không cho đi học.
“Dù vậy em vẫn kiên định theo mong muốn của mình, em chỉ biết khóc và nói với bố mẹ không hiểu mình. Bây giờ thì gia đình cũng bắt đầu chấp nhận hình hài mới của em” - Hà Anh chia sẻ.
Tìm đến cái chết vì bị kỳ thị
Có khá nhiều bạn chuyển giới, đồng tính đã không có được kết cục may mắn như Hà Anh. H.A.T (25 tuổi, đồng tính nữ) hiện đang chung sống với bạn gái tại căn nhà trọ nhỏ ở Hải Phòng.
T kể, khi bắt đầu công khai giới tính, cô đã chịu đựng rất nhiều khó khăn. Suốt nhiều tháng, mẹ cô nhiều lần còn chửi mắng cô bằng những lời lẽ thô tục. Bà nói hai đứa con gái mà cưới nhau là thần kinh, là dị hợm khiến T đau khổ vô cùng.
Có lần, cô đã tìm đến cái chết để mong quên hết cuộc sống đau khổ. “Những vết thương chằng chịt trên cơ thể em, những vết dao lam cứa đầy tay là chứng tích cho chuỗi ngày đau khổ em đã phải chịu. Mặc dù giờ không sống cùng mẹ, tui em cũng đã kết hôn với nhau nhưng mẹ em vẫn không tha thứ, thừa nhận vợ chồng em” – T kể.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế), cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về chất lượng cuộc sống của người chuyển giới sau phẫu thuật. Tuy nhiên, qua một số mạng lưới đồng đẳng thấy phần đông người chuyển giới gặp phải các vấn đề liên quan đến bạo lực tinh thần, lẫn thể xác, cũng như bạo lực tình dục.
Cũng theo bà Thuỷ, hiện nay dù Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, nhưng đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật, chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính. Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính để trình Quốc hội và dự kiến sẽ ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.
"Trước khi Luật chuyển giới được thừa nhận, theo tôi, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là gia đình của những người chuyển giới, cần phải thừa nhận giới tính của họ. Có như vậy mới có thể thấu hiểu, chia sẻ giúp người đồng giới, chuyển giới vượt qua được sự mặc cảm, kỳ thị, đẩy lùi bạo lực giới trong gia đình”, Bà Đinh Thị Thu Thuỷ |
No comments:
Post a Comment