Không có giới hạn nào cho phụ nữ để cố gắng trong công việc của mình. Trên thực tế, không có việc nào chỉ dành cho đàn ông mà nữ không tham gia được. Nhưng trong chọn lựa công việc của mình, phụ nữ thường thích chọn những công việc ổn định, đơn giản hơn. Đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế vĩ mô, chính sách thì không có nhiều nữ giới tham gia.
Không ai mặc định là đã là phụ nữ thì phải lo việc nhà, phải lo chồng lo con, rồi đến tuổi phải lấy chồng. Bây giờ cũng có rất nhiều chị em chọn cuộc sống độc thân. Và họ rất vui vẻ, hạnh phúc với cuộc sống đó. Họ thoải mái theo đuổi công việc của mình, rồi đến một thời điểm họ muốn có con thì có thể xin con nuôi hoặc xin tinh trùng làm thụ tinh nhân tạo... Tôi thấy những chuyện đó không có gì để phê phán.
Về mặt cá nhân, có hai lý do khiến tôi không thể ngừng theo đuổi công việc:
1. Cần phải làm gì đó để mặt bằng sống chung của đất nước được cải thiện
Tôi được gia đình giáo dục từ bé, lớn lên lại có điều kiện học hành thuận lợi hơn nhiều người khác. Ra trường lại có công việc ở Hà Nội, gần gia đình. Tôi lại có cơ hội được tiếp xúc nhiều, được mở mang đầu óc. Bản thân tôi cảm thấy rất quý những cơ hội ấy. Tôi đi làm việc, về những vùng quê, nhìn những người phụ nữ vất vả gặt lúa, rồi gồng gánh nặng nhọc, thì cảm thấy rất thương bởi họ không có được những cơ hội như tôi đã từng.
Vậy nên tôi không thể ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân, mà cố gắng tiếp tục đóng góp với mong muốn làm sao mặt bằng sống chung của đất nước được cải thiện, bớt đi những nhọc nhằn cho phụ nữ và trẻ em ở các vùng miền.
2. Tôi tìm thấy niềm vui trong công việc
Được hợp tác, làm việc cùng các thế hệ trẻ hơn với cùng mục đích chung khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Rồi khi đi khắp nơi, thấy đời sống người dân được cải thiện hơn thì mình cũng thấy mừng. Đấy chính là lý do tại sao đến giờ tôi vẫn theo đuổi công việc dù đã nghỉ hưu.
Công việc của tôi rất đơn giản, giống như bao chị em phụ nữ khác. Rất nhiều phụ nữ đang tham gia vào các công việc mà sẵn sàng tạm gác chuyện gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Chị em phải tự sắp xếp sao cho phù hợp với mong muốn của bản thân.
Tất nhiên điều đó cũng không hề dễ dàng. Như tôi chẳng hạn, khi con tôi còn nhỏ, tôi phải nhờ mẹ của hai bên gia đình giúp chăm nom hộ trong những ngày tôi phải đi công tác. Đồng thời phải thuyết phục được các cụ để các cụ cho phép, rằng công việc này quan trọng ra sao để các cụ thông cảm.
Nhưng để được hai bên gia đình ủng hộ thì người đầu tiên phải ủng hộ mình chính là người chồng. Nếu người chồng đã hiểu công việc của vợ thì sẽ giúp cho gia đình hai bên hiểu được. Tôi và nhà tôi sống hòa thuận với nhau, giúp đỡ nhau trong công việc.
Đàn ông giờ đây họ càng ngày càng thấu hiểu, chứ họ không mặc định là cứ lấy vợ thì tự động tất cả việc trong gia đình đều là trách nhiệm của vợ đâu!
Còn nếu một người đàn ông mà có tư tưởng như vậy thì phụ nữ cũng đừng nên lựa chọn kết hôn. Nhưng tất nhiên, nếu mà họ giàu, họ nói rằng: ‘Em chỉ việc lấy anh, chăm lo việc nhà, còn lại anh lo hết’ thì lúc ấy mọi chuyện lại khác. Nói chung vẫn là sự lựa chọn của mỗi người thôi.
Điều đầu tiên cần có cho một cuộc hôn nhân bền vững chính là sự thấu hiểu. Vợ và chồng phải thực sự hiểu nhau thì mới có thể thông cảm cho nhau. Tôi cũng có những thời gian rất bận, nhưng sau đó phải biết giãn tiến độ đi để bù đắp được phần nào cho gia đình về những cái mà gia đình đã hy sinh cho mình để làm những công việc chung. Mà sự hy sinh thì cần phải thấu hiểu rất nhiều.
Tiếp nữa, giữa hai vợ chồng phải có sự tôn trọng, sự tôn trọng này phải bắt nguồn từ cả hai phía. Nếu một bên không tôn trọng thì bên này sẽ thấy không thể chấp nhận được. Tôn trọng ý kiến của nhau, tôn trọng những thói quen của nhau, kể cả những thói quen mà mình không thích. Đã là hai người thì đã là hai bản thể khác nhau rồi, ta không thể bắt người kia phải y xì như mình. Đã chấp nhận sống với nhau thì phải chấp nhận cả những điều không phù hợp thì tình cảm mới lâu bền.
Con trai và con dâu tôi từ bỏ công việc đàng hoàng, thu nhập cao, ngồi máy lạnh, ô tô đưa rước, để về mở một doanh nghiệp xã hội, làm ra các sản phẩm phục vụ người nghèo. Đấy trước hết là lựa chọn của chính hai vợ chồng nó, không hề có sự ép buộc, áp đặt gì từ tôi.
Nhưng quan trọng nhất là trong gia đình, tôi luôn cố gắng tạo ra một bầu không khí thuận hòa, quan tâm, thương yêu nhau, và quan tâm cả tới những người khác. Kể cả bây giờ đối với những đứa cháu cũng vậy. Chúng tôi tiếp tục tạo nên một cách sống như thế cho các cháu, để chúng không biến thành những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình.
Bởi vậy mà tôi hoàn toàn vui mừng khi con trai và con dâu tôi từ bỏ công việc hiện tại (mà nếu nhìn hình thức thì đẹp hơn nhiều) để chọn sang công việc khó khăn hơn, thu nhập thấp hơn nhưng mang lại niềm vui lớn hơn vô cùng so với công việc cũ vì nó đã hỗ trợ được phần nào cho lợi ích cộng đồng.
Điều cuối cùng để có được sự bền vững trong hôn nhân ấy chính là phải biết chia sẻ. Khi mình bận thì chồng trông con cho mình đi, còn lúc khác thì mình phải trông con để ông ấy làm việc của ông ấy chứ. Vợ chồng là phải chia sẻ cho nhau tất cả, niềm vui, nỗi buồn và cả trách nhiệm đối với gia đình. Với tôi, ông ấy không chỉ là chồng, mà còn là một đối tác tin cậy để tôi có một bờ vai để chia sẻ những nỗi vui buồn.
Những gì đến nhanh thì cũng sẽ đi nhanh, đặc biệt là trong tình yêu. Bởi vậy đừng vội vàng, hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn. Nhưng cũng có cặp đôi tìm hiểu nhau lâu rồi mới cưới. Đến khi bước vào hôn nhân vẫn mang theo những mơ mộng về ước mong chia sẻ hạnh phúc, mà quên mất không chia sẻ khó khăn.
Hôn nhân không chỉ là tình yêu mà còn là gánh nặng trách nhiệm. Nếu chỉ biết chia sẻ niềm vui mà không sẵn sàng chia sẻ gánh nặng thì hôn nhân sẽ sớm đổ vỡ.
*Ghi chép theo chia sẻ của Chuyên gia Kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan
No comments:
Post a Comment