Liên quan đến vụ việc TS Luật, giảng viên Nguyễn Hùng Cường bị tố "quấy rối" các nữ sinh mà Báo Người lao động đã đưa tin, ban lãnh đạo Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội đã lấy biểu quyết về việc chấm dứt hợp đồng với giảng viên Nguyễn Hùng Cường và được thông qua với số phiếu 100%. Theo quy định, ông Nguyễn Hùng Cường sẽ có 45 ngày để tìm công việc mới.
Một số đoạn tin nhắn được cho là giữa giảng viên Cường và các nữ sinh được chia sẻ trên trang SOL - VNU Confessions
Trước đó, từ đơn thư kiến nghị của sinh viên tố giảng viên Nguyễn Hùng Cường có hành vi không phù hợp với các nữ sinh viên, trù dập và thường xuyên đi dạy muộn, bỏ tiết, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tiến hành xác minh vụ việc.
Kết quả, liên quan đến những thông tin phản ánh về ứng xử, giao tiếp giữa ông Nguyễn Hùng Cường và người học, bản kết luận của Khoa Luật cuối tháng 8-2018 khẳng định đã có cơ sở để cho rằng giảng viên Nguyễn Hùng Cường đã chủ động nhắn tin với các nữ sinh trong khoa, trong đó nội dung các tin nhắn có thể hiện cách ứng xử chưa đúng mực trong mối quan hệ giữa nhà giáo và người học.
Bản kết luận của Khoa Luật, ĐH QG Hà Nội tháng 8-2018
Kết luận này cho hay hành vi của ông Cường có dấu hiệu vi phạm khoản 1 Điều 30 Quy chế Đào tạo đại học tại ĐH Quốc gia Hà Nội về trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên; vi phạm khoản 3, 4 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2005 về nhiệm vụ nhà giáo; vi phạm khoản 4, 5 Điều 55 Luật Giáo dục đại học năm 2012 về nhiệm vụ và quyền của giảng viên…
Thêm vào đó, những trao đổi qua lại trên mạng xã hội về mối quan hệ giữa ông Cường và người học đã gây ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng tới hình ảnh, uy tín, lợi ích của Khoa Luật, của ĐH Quốc gia Hà Nội trong sinh viên, cựu sinh viên và dư luận xã hội. Đồng thời làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý, điều hành của khoa Luật, đặc biệt là công tác tuyển sinh thời gian qua.
Về nội dung phản ánh việc đánh giá kết quả học tập của giảng viên Nguyễn Hùng Cường với người học, bản kết luận cho hay liên quan đến việc ông Cường cho 0 điểm chuyên cần của cả lớp văn bằng kép INL-2003, ông Cường cho rằng do lớp không trung thực trong việc điểm danh. Giảng viên này giải thích rằng đã có thông báo trước lớp về việc cả lớp sẽ bị 0 điểm chuyên cần nếu có sự gian dối trong điểm danh. "Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, việc ông Cường cho tất cả sinh viên 0 điểm chuyên cần là chưa công bằng với những sinh viên đi học đầy đủ"- kết luận cho biết.
Theo ông Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, việc đánh giá và cho điểm chuyên cần nêu trên của ông Nguyễn Hùng Cường đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về vai trò, trách nhiệm của của nhà giáo trong quy chế đào tạo ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Liên quan đến những thông tin phản ánh ông Cường thường xuyên đi dạy muộn, bỏ buổi dạy…, văn bản kết luận: "Giảng viên Nguyễn Hùng Cường thường bảo đảm số buổi lên lớp giảng dạy của học phần được phân công. Tuy nhiên, có một số lần lên lớp giảng dạy muộn so với thời gian quy định từ 15 phút, 30 phút đến 120 phút. Việc này làm ảnh hưởng và không đảm bảo thời lượng giảng dạy đối với học phần.
Việc đi muộn này của giảng viên Nguyễn Hùng Cường có dấu hiệu vi phạm Quy định về đạo đức nhà giáo:... "không đi muộn, về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường".
Lãnh đạo khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến danh dự, uy tín của khoa, ảnh hưởng không tốt đến tình hình chính trị, tư tưởng và tâm tư, tình cảm của các cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên, cựu người học của khoa.