Bánh trung thu xách tay đắt đỏ vẫn "làm mưa làm gió" trên thị trường
Hơn 3 tuần nữa mới tới Tết trung thu, bên cạnh sự xuất hiện của đủ các thương hiệu bánh trong nước, mùa trung thu này còn có “góp mặt” của các loại bánh trung thu xách tay với đủ chủng loại, xuất xứ. Bánh trung thu nhập ngoại không chỉ được bán ở các cửa hàng mà còn được bán tràn lan trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Thị trường bánh trung thu xách tay năm nay có nhiều sản phẩm đa dạng.
Phần lớn, các trang đều quảng cáo bánh được nhập qua đường xách tay, giá thành dao động từ 600.000 tới hơn 2 triệu đồng/ hộp, tùy loại.
Trong đó không thể không kể đến một số loại phổ biến như bánh trung thu cao cấp Baker’s Cottage xuất xứ từ Malaysia, bộ Thịnh vượng giá 800.000 đồng; bộ thượng hạng gần 1,7 triệu đồng/hộp; bánh Casahana giá gần 1,9 triệu đồng/ 8 hộp, trọng lượng 180g, có mùi vị khác nhau.
Bánh trung thu nhân sầu riêng tươi Musang King cũng xuất xứ từ Malaysia có giá 1,2 triệu đồng/hộp, bao gồm 8 chiếc khá nhỏ, chỉ khoảng 60 gram mỗi chiếc. Bánh có vỏ mềm mịn, màu hơi vàng, được người bán cho biết làm từ bột nếp nhồi với đường và nước hoa bưởi. Nhân bên trong là sầu riêng tươi không pha tạp của vùng Musang King, nơi trồng sầu riêng nổi tiếng chất lượng tốt nhất của Malaysia.
Bên cạnh đó, bánh nhân trứng muối tan chảy được quảng cáo là thượng hạng, xách tay từ Hồng Kông cũng đang gây sốt bởi kiểu nhân mới hết sức mới lạ. Giới kinh doanh gọi nôm na loại bánh này là bánh trung thu nhân trứng muối tan chảy hoặc chảy tràn, được rất nhiều người chọn mua làm quà biếu tặng.
Bánh trung thu nhân trứng muối chảy tràn có giá khá đắt đỏ, một hộp 8 cái giá 1.000.000 đồng, còn mua lẻ thì 130.000 đồng/bánh.
Một mặt hàng khác cũng được các chủ shop online quảng cáo rầm rộ là bánh trung thu nhân thập cẩm của Malaysia, Đài Loan 'nhập cảnh' Việt Nam theo đường xách tay. Một hộp gồm 4 chiếc, được rao giá từ 600.000 – 800.000 đồng.
So với mặt bằng chung các loại bánh trung thu nội địa hoặc hàng handmade, nhờ gắn mác ngoại, và có những hương vị khác lạ, mà bánh nhập được bán với mức cao gấp 2-3 lần.
Để được thưởng thức loại bánh trung thu nhân trứng muối xách tay từ Hong Kong, người mua phải trả tiền triệu một hộp.
Mua hàng bằng... niềm tin
Mặc dù có giá đắt đỏ là vậy nhưng khi tim hiểu về nguồn gốc của các bánh này lại khiến nhiều người giật mình. Tại hệ thống các cửa hàng ở Thái Hà, Thanh Xuân, Long Biên,…bánh trung thu xách tay sang chảnh cũng ‘sốt xình xịch”. Phần lớn, khách thuộc tầng lớp thượng lưu, có nhu cầu mua để làm quà biếu. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn hàng hay hoá đơn kiểm chứng, đảm bảo là hàng xách tay từ các nước thì những người bán đều phớt lờ.
Đơn cử như bánh trung thu trứng muối tan chảy xách tay từ Hồng Kông, dù được quảng cáo là xách tay trực tiếp từ Hồng Kông nhưng giá bán mỗi nơi một khác. Cùng một loại bánh nhưng có nơi bán giá từ 1.200.000 đồng – 1.250.000 đồng/hộp 8 chiếc 50gram nhưng cũng có chỗ chỉ bán 650.000 – 700.000 đồng/hộp.
Dù luôn miệng khẳng định chất lượng bánh, nhưng khi được hỏi về nguồn hàng hay hoá đơn để kiểm chứng, đảm bảo được đây là hàng xách tay từ các nước thì những người bán chỉ ỡm ờ: “Chị bán lâu rồi, năm nào người ta cũng mua, có gì mà phải kiểm chứng”.
Chị Kim Ngân, một người bán bánh xách tay có thể đưa ra được hoá đơn từ nguồn hàng, thì phân tích: “Chị bán bánh trung thu Lava của Hongkong, bánh có nhân trứng muối chảy, ăn nóng nên lạ miệng được nhiều người thích. Bánh phải được đặt từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8 mới có hàng.
Ở Hongkong, bánh Lava là hàng hiếm, thậm chí phải xếp hàng dài ngày để mua. Thế nhưng không hiểu sao Lava lại được bán tràn lan ở Việt Nam với giá rẻ hơn cả giá gốc mua tại Hongkong, giá bán chỉ từ 780.000 đồng/hộp trở lên trong khi giá gốc của hộp bánh này tính ra tiền Việt cũng xấp xỉ 800.000 đồng rồi…”.
Trên một chợ online, môt khách hàng phản ánh, chị đặt mua bánh trung thu nhập khẩu Malaysia với giá 700.000 đồng/hộp 4 bánh làm quà biếu. Tuy nhiên khi nhận hàng thì trong 4 bánh có 1 bánh bao bì khác, phản ánh tới người bán, chị không nhận được trả lời thỏa đáng.
"Tôi rất bức xúc không phải vì phải bỏ gần 1 triệu để mua bánh kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" mà là thái độ của người bán, rất vô trách nhiệm với sản phẩm đã bán cho khách. Đúng là mất tiền oan để mua bánh đểu", chị này bày tỏ.
Hàng "xách tay" được hiểu là hàng từ nước ngoài đem về Việt Nam theo đường hành lý cá nhân với số lượng nhỏ, chủng loại hạn chế nhưng hiện nay nguồn hàng xách tay lại có số lượng lớn và rất đa dạng, phong phú. Không ít người chuộng hàng xách tay bởi thích mới lạ, có vẻ cao cấp để làm quà biếu.
Bên cạnh đó, nhiều người tin rằng hàng "xách tay" là an toàn vì có xuất xứ từ các nước phát triển, quản lý tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường hàng xách tay hiện gần như đang được "thả nổi".
Theo khảo sát của VOV, hầu hết bánh trung thu xách tay trên thị trường đều không có tem nhãn phụ, tất cả chỉ có tiếng Trung Quốc, Anh hoặc Nhật (tùy theo xuất xứ in trên hộp bánh). Do đó, người tiêu dùng chủ yếu mua hàng dựa theo lời quảng cáo của người bán.
Do đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng trước khi mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm quảng cáo là hàng "xách tay" mà chưa qua xác nhận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để tránh trường hợp "tiền mất, tật mang".
Được quảng cáo là hàng Đài Loan nội địa, bánh trung thu mini với nhiều hương vị khác nhau đang được rao bán tràn ngập các trang mạng xã hội với giá...
Theo Lily (Gia đình & Xã hội)
Let's block ads! (Why?)