Không giấu được sự xúc động, ông nghẹn ngào nói lời cảm ơn người hiến tạng, các y bác sĩ trong và ngoài nước đã ghép tạng cho ông, đặc biệt là các bác sĩ Bệnh viện 108. Ông Hanh là người đầu tiên ở Việt Nam được ghép phổi từ nguồn hiến người cho chết não.
Ca ghép lịch sử trước Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Có mặt tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về việc thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (gọi tắt là Bệnh viện 108) sáng 16/3, có nhiều người là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân được ghép tạng ở viện này.
Không giấu được xúc động, anh Trần Hùng Mạnh, con trai lớn của bệnh nhân Hanh cho biết, ông Hanh là con liệt sĩ, từ bé, ông đã mắc bệnh ho gà. Cuộc sống của ông gắn liền với những cơn ho rát họng buốt ruột, phổi của ông cũng rất yếu. Thời gian gần đây, ông liên tiếp “chuyển khẩu” vào phòng cấp cứu của Bệnh viện, triền miên với những cơn khó thở, thỉnh thoảng còn phải sống nhờ vào máy thở hỗ trợ bởi căn bệnh suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. “Các bác sĩ cũng trao đổi với gia đình, tính mạng của bố tôi có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Ghép phổi là cách duy nhất để cứu bố khỏi tử thần lúc này”, anh Mạnh nói.
Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh đã bình phục 80% sức khỏe sau ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não (ảnh bệnh viện cung cấp).
Theo anh Mạnh, trước đây, gia đình dù có nghe “láng máng” về ghép tạng, nhưng cũng rất mông lung thông tin về cuộc sống sau ghép sẽ như thế nào. “Với gia đình làm ruộng, sức lao động của bố không có như gia đình chúng tôi, tiền đâu mà theo?”, anh Mạnh chia sẻ. Nhưng chính người đàn ông sắp đối mặt với cái chết đó đã rất mạnh dạn bàn bạc với các con và quyết định nhờ con viết đơn để được ghép phổi.
Ngày 26/2 - một ngày trước Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/7 - trở thành ngày đáng nhớ của gia đình ông Hanh. Một bệnh nhân 45 tuổi được xác định chết não, gia đình đồng ý hiến tim, phổi, giác mạc, 2 thận. Ngay lập tức, Bệnh viện 108 đã liên hệ tới Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để điều phối nguồn tạng vừa được hiến. Các chuyên gia liên hệ với Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy để “phân phối” tạng. Theo đó, chỉ trong một thời gian rất ngắn, một quả thận, một giác mạc, hai lá phổi của bệnh nhân chết não được để lại Bệnh viện 108 để ghép cho 3 bệnh nhân. Một quả thận và tim được vận chuyển bằng đường hàng không vào TPHCM (Bệnh viện Chợ Rẫy) để ghép cho 2 bệnh nhân ở đó. Một giác mạc được chuyển sang Bệnh viện Mắt Trung ương.
“Vì thời gian “vàng” cho tạng như tim, phổi chỉ khoảng 6 tiếng kể từ khi lấy ra, với thận là 18 tiếng, nên chúng tôi đã phải phối hợp rất nhịp nhàng giữa các nơi. Tại hai đầu cầu Hà Nội - TPHCM đã liên hệ với ngành hàng không để vận chuyển tạng trong các thùng chuyên dụng bằng hai chuyến bay khác nhau. Khi tới TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhờ tới cả lực lượng cảnh sát dẫn đường của Công an TPHCM để tránh tắc đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về tới Bệnh viện, chậm một chút có thể ảnh hưởng chất lượng tạng ghép”, TS Ngô Vi Hải (Bệnh viện 108) – người trực tiếp tham gia ghép phổi cho bệnh nhân Hanh nhớ lại.
Tại Bệnh viện 108, những việc ghép thận, ghép tim, ghép giác mạc… đã trở thành thường quy từ nhiều năm nay. Nhưng ghép phổi thì đây là lần đầu tiên. GS.TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện 108, Tổng Chỉ huy ca ghép phổi đầu tiên này cho biết, ghép phổi là thách thức lớn với y học Việt Nam. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay bởi sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu trong quy trình kỹ thuật.
Gần 3 năm chuẩn bị cho ca ghép “lịch sử” 8 tiếng
Để chuẩn bị công phu, chu đáo cho ca ghép lịch sử này, Bệnh viện 108 đã mất tới… 3 năm. Trong đó, 2 năm liên tục, viện đã cử 4 kíp ghép sang Bệnh viện Foch (Paris, Pháp) - nơi đã thực hiện tới 600 ca ghép phổi; gửi các bác sĩ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước tiên tiến khác. Bệnh viện cũng tranh thủ sự giúp đỡ của các bệnh viện hàng đầu Việt Nam về ghép tạng như: Việt Đức, Chợ Rẫy…
Ngay sau khi có nguồn hiến tạng từ người cho chết não, việc chuẩn bị, hội chẩn các kíp lấy tạng, vận chuyển, ghép tạng được triển khai khẩn trương, nhanh chóng chỉ trong vòng hơn một ngày trời. “Vì đây là ca lấy, ghép đa tạng, nên chúng tôi đã nhanh chóng hội chẩn liên viện với chuyên gia trong nước, quốc tế. Trong đó có 3 chuyên gia nước ngoài từ Pháp, Bỉ”, GS.TS Mai Hồng Bàng nói.
Chia sẻ thêm về ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ nguồn hiến người cho chết não, GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết, ghép phổi là kỹ thuật khó, so với ghép từ người cho sống thì ghép phổi từ người cho chết não khó hơn rất nhiều. Đó là bởi, với người cho sống, các bác sĩ hoàn toàn có thể chuẩn bị kế hoạch như một cuộc mổ phiên. Việc lấy cũng chỉ một thùy hoặc một phân thùy để ghép cho bệnh nhân được chỉ định.
Còn với người cho chết não thì khó hơn nhiều. Người cho lúc này bị mất não, chỉ còn tim, phổi sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở và thuốc. Mọi công đoạn tiến hành đều phải rất khẩn trương, nhanh chóng. Khi xác định được người có chỉ định ghép thì phải tìm ngay người nhận tương ứng (đồng nhóm máu, tương thích mới nhận phổi được). Song song với đó, các kíp phải triển khai một loạt công việc từ chuẩn bị phòng mổ, trang thiết bị, hội chẩn các kíp ghép để xác định bệnh nhân có ghép được hay không. “Đặc biệt nhất là công đoạn hồi sức chết não, bởi quan trọng nhất là giữ phổi cùng các tạng nguyên vẹn để ghép được. Đây là ca lấy, ghép đa tạng nên càng khó”, GS.TS Mai Hồng Bàng nói.
Kỹ thuật gây mê trong ghép phổi cũng rất khó khăn. Sau 10 tiếng kể từ khi bắt đầu cuộc phẫu thuật, hậu phẫu, hồi sức sau mổ lại là bước thử thách các bác sĩ bởi những yêu cầu phức tạp liên quan đến thông khí phổi, do bệnh nhân được ghép tới 2 phổi đồng thời. Cùng với đó là vấn đề điều trị chống nhiễm khuẩn, chống thải ghép, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng… để bệnh nhân bình phục hoàn toàn.
Để thực hiện ca ghép phổi lịch sử này, Bệnh viện 108 đã huy động lực lượng hùng hậu gồm 64 y, bác sĩ, kỹ thuật viên… thuộc Ban Chỉ đạo, Ban Điều phối - thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện 108, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi nước ngoài.
“Đến nay, bệnh nhân đã đi lại được, giao tiếp, tự thở, thông khí phổi, máu, mọi sinh hoạt bình thường của bệnh nhân đã ổn định. Chúng tôi được biết, đối với hai ca ghép tim, thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy và ở Bệnh viện 108 từ nguồn người cho chết não đã ổn định, các chức năng tạng trở về bình thường”, GS.TS Mai Hồng Bàng phấn khởi cho biết.
Khẳng định ca ghép phổi lịch sử của Bệnh viện 108 đã đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới, BS Hoàng Anh Dũng - chuyên gia ghép tạng từ Vương quốc Bỉ cho biết, ông đánh giá rất cao về những tiến bộ kỹ thuật ghép tạng của Bệnh viện 108. Theo BS Hoàng Anh Dũng, các chuyên gia của Bệnh viện 108 đã thực sự làm chủ kỹ thuật ghép rất khó khăn, phức tạp này.
Tính đến ngày 16/3, Bệnh viện 108 đã thực hiện thành công 18 ca ghép thận, một ca ghép gan, 14 ca giác mạc, 27 ca ghép tủy… Các bệnh nhân sau khi ghép đều ổn định sức khỏe, trở về cuộc sống, sinh hoạt bình thường. Khẳng định thành công ca ghép phổi đầu tiên lấy từ người cho chết não ở Việt Nam tại Bệnh viện 108 là sản phẩm đặc biệt của Đề tài Khoa học công nghệ cấp Quốc gia về tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện (từ tháng 3/2016), GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết, thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục cử các kíp chuyên gia đi học tập, đào tạo kỹ thuật ghép 11 tạng, trong đó có ghép tử cung, ruột, tụy - ruột, khối tim - phổi, chi thể…
|
Bệnh viện 108 đã miễn phí hoàn toàn chi phí cho ca ghép phổi đầu tiên. Trước khi được ghép, bệnh nhân cũng được miễn phí trong giai đoạn điều trị. Với thuốc thải ghép, bệnh nhân được BHYT hỗ trợ. Hiện tại, Bệnh viện 108 có 4 bệnh nhân trong danh sách chờ được ghép phổi với các chỉ định đầy đủ. Khi có nguồn tạng hiến phù hợp là có thể tiến hành ca ghép tiếp theo. TS Ngô Vi Hải cho biết, trên thế giới, với những bệnh nhân có kết quả ghép phổi tốt, tỷ lệ bệnh nhân sống sau năm đầu tiên lên tới 90%, 5 năm là 70%, sau 10 năm là 50%.
|
Khi mới chỉ 3 ngày tuổi, bé sơ sinh Hayden Graham đã được chẩn đoán mắc bệnh gan hiếm gặp.
Theo Võ Thu (Gia đình & Xã hội)
Let's block ads! (Why?)