Sau chiến tích ở giải U-23 châu Á, thầy trò ông Park Hang-seo choáng ngợp trong sự chào đón nồng nhiệt của mọi giới. Đã hơn hai ngày trở về từ Trung Quốc, rất nhiều cầu thủ kín lịch tiếp đón, giao lưu, chia vui, lễ lộc… mà chưa được về nhà.
Văn Đức lẳng lặng tìm và ôm mẹ ở phía sau trong lúc đám đông đang hò reo gọi tên những Quang Hải, Tiến Dũng, Xuân Trường… Ảnh: TTVH
“Mẹ là tất cả của con!”
Các cầu thủ của HA Gia Lai sau giải châu Á chỉ có một tuần nghỉ ngơi đã mất nửa tuần “chạy show” các nơi họp hành, giao lưu mà không nỡ từ chối. Nhớ cả buổi ngồi trên xe buýt diễu hành từ trưa đến tối, đội trưởng Xuân Trường cười híp mắt nói sáng giờ anh và đồng đội chưa có gì bỏ vào bụng. Nhiều cầu thủ còn hài hước kể trên đường đi, chắc bà con biết ai cũng đói đã ném đồ ăn lên xe. Anh em chia nhau ăn ngấu nghiến, vui như Tết. Lại cũng có cầu thủ tếu táo kể chuyện vui về chiếc xe hai tầng đi vài chục kilomet hết năm tiếng đồng hồ khiến nhiều cầu thủ phải nghĩ ra cách “trút bầu tâm sự”. Các em kể rồi cười to nhưng bắt hứa là không được “bật mí” phần “giải quyết trong tình huống cấp bách”.
Tiền vệ Quang Hải đến giờ còn run khi nhớ đến cảnh đón chào của mọi người từ lúc xuống sân bay Nội Bài rồi di chuyển từng mét trong rừng người hâm mộ đặc kín. Cầu thủ trẻ này tiết lộ mình đã chuẩn bị tâm lý cho cuộc chia vui nhưng không ngờ mọi người chào đón đông đảo đến thế. Những cái ôm, cào, cấu, níu, kéo, giật đến nỗi rách áo, sứt xát tay chân… mà thằng bé vẫn cứ ngoác miệng ra cười vì sung sướng. Có người hỏi Quang Hải chờ mong điều gì nhất, chân sút Hà Nội không chút ngượng nghịu nói ngay: “Thèm bữa cơm do mẹ nấu!”. Mà đúng thật, từ khi gặp cha mẹ ở sảnh VIP sân bay Nội Bài, Hải phải theo đội thực hiện đủ mọi nghi thức, mọi buổi lễ nên rất mong một bữa cơm thân mật bên gia đình.
Phan Văn Đức và Xuân Mạnh quê ở Nghệ An, trung vệ Bùi Tiến Dũng quê ở Hà Tĩnh, các em xuống khỏi máy bay, không ai bảo ai đều dáo dác đi tìm người thân. Xuân Mạnh thấy mẹ qua ô cửa kính xe buýt, xe vừa dừng là ù té chạy ôm chầm lấy mẹ tần ngần với món quà quê cho con trai út. Xuân Mạnh viết: “Mẹ đừng khóc nữa mẹ nhé! Vì cuộc đời của mẹ đã có quá nhiều cực khổ rồi mẹ ạ. Bây giờ mẹ hãy vui lên vì bên mẹ còn có con là chỗ dựa vững chắc tinh thần cho mẹ. Và bố mẹ cũng là niềm động lực lớn nhất giúp con vượt qua những khi mệt mỏi nhất. Bố mẹ hãy vui lên. Bây giờ bố mẹ có thể tự hào về con trai của bố mẹ rồi đấy. Con yêu bố mẹ rất nhiều!”.
Đồng đội Văn Đức thì ngơ ngác giữa biển người ồn ào, len lỏi cầm bó hoa chạy đến ôm chầm lấy bà mẹ quê ra đón con. Tiền vệ trẻ nghẹn ngào: “Con không cần ai khác, chỉ cần mẹ thôi là đủ. Con yêu mẹ nhiều lắm, người để con phấn đấu và cố gắng. Mẹ là tất cả của con!”. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi theo dòng tâm sự của Phan Văn Đức, người hùng thầm lặng của đội U-23 Việt Nam (VN) ghi bàn thắng đẹp trong trận tứ kết có lúc bỗng tủi thân khi vô tình bị lãng quên giữa đám đông nhộn nhịp.
Quang Hải thú thật sau những buổi đón tiếp và lễ mừng…, em chỉ mong được về nhà ăn bữa cơm mẹ nấu. Ảnh: HUY PHẠM
“Xin đừng gọi con tôi là người hùng!”
Anh em thủ môn Tiến Dũng và tiền vệ Tiến Dụng cho hay mấy tháng nay chưa về nhà, từ khi theo đội đá giải xong là lên tuyển U-23 đi mải miết. Cứ đêm về hai anh em lại gọi điện thoại cho cha mẹ ở quê nghèo Ngọc Lặc (Thanh Hóa) để vơi đi nỗi nhớ nhà. Về đến Hà Nội hai ngày rồi, hai anh em chỉ gặp mẹ lúc đón ở sân bay một chút rồi lại theo đội đi giao lưu, gặp gỡ miệt mài.
Ông Nguyễn Công Bảy, cha của Công Phượng, kể ngày 21-1 là sinh nhật của con trai. Hồi còn nhỏ, cha mẹ nghèo chưa lần nào có tiền tổ chức sinh nhật cho con. Giờ muốn con vui vẻ trong ngày sinh nhật thì nó đi suốt. Ông Bảy chia sẻ: “Sau trận tứ kết, vợ chồng tôi gọi điện thoại cho con mãi không có sóng. Ba mẹ muốn nói một câu để thăm hỏi sức khỏe, động viên con thi đấu tốt hơn mà thôi. Sinh nhật con, chúng tôi cũng muốn chúc nó hay ăn chóng lớn”.
Suốt quãng thời gian con trai đá giải châu Á, căn nhà nhỏ của ông bà Bảy ở huyện Đô Lương (Nghệ An) tấp nập người đến xem trận đấu qua chiếc tivi lớn do Công Phượng mua tặng. Thắng thua gì ông bà Bảy cũng mất ngủ hoài. Ngày đội tuyển về, ông bà bận việc không thể đi đón con. Mẹ Công Phượng khoe: “Tôi mua sẵn gà rồi, chờ nó về đến nhà là làm tiệc đãi bà con. Xem con đá bóng trên tivi, thấy thằng Phượng dường như gầy đi. Lần này con về, tôi nấu cơm cho nó ăn thỏa thích”.
Lặng lẽ trong ngày về, hậu vệ trẻ nhất đội Đoàn Văn Hậu thường giấu mình sau lưng đồng đội tíu tít với những lời chúc tụng. Chơi rất hay từ đội U-20 lên tuyển U-23, ai ngờ đến trận cuối vòng bảng giải châu Á anh bị chấn thương nên nghỉ suốt. “Đêm nào em cũng gọi điện thoại về, sợ bố mẹ buồn chuyện em bị chấn thương. Sau mỗi giải, em cũng không có nhiều thời gian về thăm nhà. Lần nào gọi điện mẹ em cũng nói: “Con đừng bao giờ gục ngã nhé, chặng đường phía trước vẫn còn dài lắm!”” - Văn Hậu trải lòng.
Mấy ngày qua, vợ chồng bà Dương Thị Cúc ở ngoại thành Hà Nội tiếp khách tấp nập. Ai cũng vui và tự hào về đứa con trai của bà - tiền vệ Nguyễn Quang Hải. Bà Cúc kể Quang Hải hay gọi về nhà sau mỗi trận đấu, còn dặn: “Bố mẹ đừng nói nhiều gì về con”. Bà Cúc biết ý con nên hay nhắn nhủ với mọi người là công lao của tập thể, không phải chỉ của con trai mình. “Tôi thấy mọi người đừng tán dương Quang Hải nhiều quá, nó còn nhỏ mà. Xin đừng gọi con tôi là người hùng” - bà nói.
Khoảnh khắc rơi nước mắt lúc Duy Mạnh cắm cờ trên đống tuyết cao
Trong một cuộc giao lưu, tuyển thủ Duy Mạnh kể lại khoảnh khắc cắm lá cờ VN trên đỉnh tuyết trắng xóa ở sân Thường Châu:
“Sau trận đấu, tất cả cầu thủ trong đội ai cũng rơi nước mắt. Sau đó ban huấn luyện đã đến động viên bọn em, nói rằng “Các con thi đấu tốt rồi, chỉ tiếc là không may mắn thôi”. Lúc cả đội đi tri ân người hâm mộ quanh sân, các CĐV từ trên khán đài có đưa những lá cờ cho chúng em để khoác lên vai, vẫy cờ cho tự hào đã vào đến trận chung kết giải châu Á. Khi ấy, em đang rơi nước mắt vì quá tiếc nuối về trận đấu nhưng cũng rất tự hào vì lần đầu tiên U-23 VN vào chung kết giải châu Á.
Hình ảnh Duy Mạnh cắm lá cờ trên gò tuyết cao nhất ở sân Thường Châu gây xúc động lớn nơi người hâm mộ. Ảnh: CTV
Lúc đó tình cờ các bạn đi trước. Em đi cuối cùng với HLV thể lực đang khoác vai động viên em đừng khóc nữa. Trước mặt em lúc đó là một đống tuyết cao. Người hâm mộ vẫy em, gọi tên em. Em đang cầm một lá cờ và em nảy ý định cắm lá cờ này ở đây. Suy nghĩ của em lúc đó rằng sau này có nhìn lại khoảnh khắc cắm lá cờ Tổ quốc thì mình vẫn nhớ đến những kỷ niệm ở Trung Quốc. Khi cắm, nước mắt em vẫn rơi vì tiếc nuối xen lẫn niềm tự hào vì làm được điều gì đó cống hiến cho Tổ quốc. Lúc cắm xong em có cúi chào người hâm mộ, cúi chào lá cờ và đi theo đồng đội vào phòng thay đồ”.
TT.
Cào tuyết cho đồng đội sút phạt
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về tinh thần đồng đội và fair play của các tuyển thủ U-23: “Tôi rất xúc động khi xem từng cầu thủ nén đau cũng như sự mệt mỏi, vượt qua giây phút khó khăn của từng trận đấu, nhất là trận chung kết dưới trời tuyết trắng. Các cầu thủ cào tuyết cho Quang Hải đá phạt tuyệt đẹp vào lưới đội bạn. Xúc động hơn là hình ảnh các em hỗ trợ nhau trong thi đấu, chia sẻ niềm vui sau mỗi bàn thắng. Không chỉ các em mà ban huấn luyện, các bác sĩ là những người sát cánh thầm lặng cống hiến làm nên chiến thắng lịch sử này. Câu nói của cầu thủ Xuân Trường rằng đội U-23 VN không có ngôi sao mà chỉ có một ngôi sao duy nhất nằm ở ngực trái là biểu hiện của sự đoàn kết, tình thương yêu, gắn kết và truyền đi một cảm hứng to lớn”.
Các đồng đội cào tuyết cho Quang Hải đá phạt. Ảnh: CTV
Đội trưởng Xuân Trường kể lại tình huống cào tuyết cho Quang Hải: “Tuyết rơi nhiều làm sân bãi khá xấu nên em và Văn Thanh đã dùng tay gạt hết tuyết ra để tạo ra khoảng đất trống và để Hải đặt chân trụ cho chắc. Góc sút đó thuận lợi cho cả em và Quang Hải nhưng khi thấy ánh mắt của bạn nhìn mình như lên tiếng “Hãy để em đá!”, thế là em gật đầu vì ánh mắt và niềm tin mãnh liệt đấy. Điều đó đồng nghĩa với việc Quang Hải sẽ thực hiện quả đá phạt. Em biết đồng đội của mình đang rất tự tin”.
CT
|
Theo Như Quỳnh - Gia Huy (Pháp luật TP.HCM)
Let's block ads! (Why?)