So sánh thành phần dinh dưỡng của đường nâu và đường trắng
Hàm lượng calorie: Cả đường nâu lẫn đường trắng đều có hàm lượng calorie như nhau. Mỗi thìa đường đều chứa khoảng 17 calorie, tức là chưa đầy 1% hàm lượng calorie một người cần tiêu thụ hàng ngày (2.000 calorie).
Chất béo: Cả đường nâu lẫn đường trắng đều không có chất béo. Tuy nhiên, đường có thể kết hợp với những nguyên liệu khác chứa chất béo, làm thành món ăn không tốt cho sức khỏe.
Carbohydrate: Nếu ăn ít đường, bạn sẽ không hấp thụ một lượng lớn carbohydrate. Trong 1 thìa đường nâu và đường trắng chỉ chứa 4 g carbohydrate, tương đương 1% hàm lượng carbohydrate cần cho cơ thể hàng ngày.
Vitamin và khoáng chất: Cả hai loại đường về cơ bản không có các vitamin và khoáng chất. Do đường nâu chỉ chứa một lượng nhỏ khoáng chất, bạn sẽ phải hấp thụ một lượng đường lớn thì mới thấy hiệu quả rõ rệt.
Bà nội trợ sử dụng 2 loại đường này thế nào để tốt cho sức khỏe
Trong chế biến món ăn, các bà nội trợ nên cố gắng dùng đường nâu (vàng). Về mặt sức khỏe, đường nâu được chế biến đơn giản từ nước mía tươi không qua tinh luyện, có tác dụng bổ máu, lưu thông khí huyết. Khi điều trị cảm lạnh hay những người tỳ vị yếu dùng đường nâu rất có hiệu quả. Đặc biệt đường nâu tốt cho phụ nữ sau sinh, phụ nữ muốn bồi bổ máu thường xuyên và cả người già. Theo các nhà khoa học, đường nâu còn có tác dụng ngăn ngừa béo phì, làm dịu cơn co giật kinh nguyệt, tăng năng lượng, cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh suyễn, tốt cho da. Tuy nhiên, những người nóng trong và trẻ em nên thận trọng khi dùng đường nâu vì dùng nhiều quá dễ sinh ẩm nóng.
Việc dùng đường nâu vừa kiểm soát được lượng đường hấp thụ vào cơ thể vừa tận dụng được dưỡng chất từ nó. Tuy nhiên, không nên đun đường nâu trong nhiệt độ quá lâu. Nhất là dùng trong nồi kim loại càng dễ phát sinh phản ứng. Cho nên tốt nhất khi làm món ăn muốn dùng đường nâu nên cho vào khi đã bắc nồi ra khỏi bếp. Do tính chất của đường nâu nên nó khá thích hợp cho các món ăn nguội và các món trộn. Món sa-lát cho một chút đường nâu sẽ càng ngon hơn và bớt lạnh bụng. Đường nâu không dễ hòa tan như đường trắng nên khi trộn sa-lát không nên trộn trực tiếp mà nên hòa tan trước cùng các gia vị khác rồi mới trộn vào.
Với đường trắng, các bà nội trợ có thói quen khi nấu ăn dùng đường trắng làm gia vị vì đường trắng dễ hòa tan. Nhưng đường trắng là một loại thực phẩm có tính axít, sau khi ăn xong sẽ làm máu dư nồng độ axít không tốt cho sức khỏe.
Còn đường trắng là đường tinh luyện lại qua quá trình tẩy màu nên dinh dưỡng của nó còn rất ít, nó chủ yếu chỉ có tác dụng làm gia vị. Đường trắng chứa hàm lượng đường khá lớn nếu ăn nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Đường trắng có thể dùng điều trị bệnh cấp tính. Một số người đột nhiên đau bụng, khó chịu, uống ngay nước đường trắng khi nóng sẽ có tác dụng giảm đau. Một số người nếu chậm ăn cơm sẽ cảm thấy chóng mặt, đó là phản ứng của hạ đường huyết, hãy uống ngay một cốc nước đường trắng là có thể giải quyết được vấn đề.
Như vậy, thật khó để kết luận rằng đường nâu hay đường trắng tốt hơn. Nắm được cách dùng và những lưu ý như đã phân tích ở trên, trong từng trường hợp cụ thể, một bà nội trợ thông minh sẽ biết cách dùng loại đường nào là tốt nhất cho sức khỏe của cả gia đình.
Nếu bạn sợ ăn ngọt hoặc kiêng đường thì đây là những thực phẩm bạn nên có trong bữa ăn của mình.