Sáng 28/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có báo cáo thống kê thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra trong năm 2017.
Theo đó, trong năm 2017, tình hình thiên tai xảy ra nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhiều đợt thiên tai lớn ở mức lịch sử, mang tính dị thường, trái quy luật và khó dự báo. Kỷ lục khi có tới 16 cơn bão, 6 áp thấp nhiệt đới vào biển Đông. Trong đó, cơn bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong vòng nhiều năm đổ lại, những hậu quả do bão số 12 gây ra đến giờ vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.
Có tổng cộng 386 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính 60.000 tỷ đồng đều là những con số cao hơn rất nhiều so với trung bình 10 năm gần đây.
Cùng nhìn lại diễn biến thiên tai trong năm 2017 để thấy rằng mỗi người dân cần phải nâng cao hơn nữa kỹ năng ứng phó với thiên tai.
16 cơn bão "nối đuôi" nhau đổ bộ - kỷ lục chưa từng có trong lịch sử
Sự dị thường của thiên tai năm 2017 được thể hiện rõ nhất khi năm nay nước ta phải đối mặt với 16 cơn bão với 6 áp thấp nhiệt đới. Những ngày cuối năm, người dân Nam Bộ căng mình đối phó với bão Tembin – cơn bão có đường đi gần giống và cường độ khi ở quần đảo Trường Sa còn mạnh hơn cả Linda – thảm họa làm gần 3.000 người Nam Bộ chết và mất tích 20 năm trước. Rất may sáng 26/12, khi áp sát mũi Cà Mau, bão đã suy yếu.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa, hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết: "Bão Tembin xuất hiện trên Biển Đông trong năm 2017 khiến số lượng bão xuất hiện tại khu vực này trong năm nay lên con số 16. Đây là số lượng cơn bão kỷ lục, lần đầu tiên ghi nhận được trong một năm”.
Theo các chuyên gia thời tiết, hai cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước ta trong năm 2017 phải kể đến là cơn bão số 10 (Doksuri) và cơn bão số 12 (Con Voi).
Khoảng 10 giờ sáng 15/9, bão số 10 (Doksuri) chính thức đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với sức gió lên tới 11km/h. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, bão số 10 đã làm 6 người chết. Trong đó: Thanh Hóa 2 người, Nghệ An 1 người; Quảng Bình 2 người; Thừa Thiên - Huế 1 người.
Ngoài ra, bão số 10 cũng làm 215 người bị thương; hơn 150.000 ngôi nhà bị hư hỏng; gãy đổ hàng ngàn cột điện; hàng ngàn ha hoa màu, lúa bị ngập trong nước; nhiều tàu thuyền bị đánh chìm, hư hỏng và nhiều tuyến đê biển bị sạt lở…
Nước biển dâng cao đã tràn vào nhà dân tại thôn Kim Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh ngày 15/9 khi cơn bão quét qua
Cây cối đổ ngổn ngang, văng tung tóe ra đường, một người đi xe máy đã dừng lại trú bão nhưng vẫn bị gió thổi nghiêng ngả
Siêu bão quật gãy tháp truyền hình cao 100m ở Hà Tĩnh
Gần một tháng sau đó, vào ngày 4/11, cơn bão số 12 - bão Con Voi đã đổ bộ vào ven biển các tỉnh Khánh Hòa-Phú Yên với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/h), giật cấp 15. Tại Khánh Hoà, cường độ gió rất mạnh, liên hồi giật rít khiến nhiều tấm tôn, cây xanh ngã đổ trên đường, nhiều nhà dân bị tốc mái.
Xem lại video Video bão số 12 quật ngã nhiều xe máy giữa đường
Theo báo cáo từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, bão số 12 đã làm chết 89 người, 18 người mất tích. Trong đó, Khánh Hòa có số người thiệt mạng nhiều nhất (37 người).
Hàng loạt chiếc xe máy bị gió bão thổi bay ngã nghiêng ở khu trung tâm thành phố Nha Trang
Xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang như trận địa sau bão
Lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc và những mất mát thương tâm
Trong năm nay, vùng núi miền Bắc hứng chịu nhiều đợt lũ quét. Từ tháng 6 đến tháng 10, khu vực này trải qua 13 đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 2-3.
Trong đó, trận lũ quét sáng 3/8 tại suối Nậm Păm (Mường La, Sơn La) đã làm 15 người chết. Trong đó, lũ quét san phẳng cụm dân cư đông đúc ở thị trấn Mù Căng Chải (Yên Bái) làm 8 người chết, 6 người mất tích, cuốn trôi và giật sật 40 ngôi nhà, phá tan hoang trường tiểu học và THCS Võ Thị Sáu ở trung tâm huyện.
Hình ảnh khủng khiếp tại Hòa Bình trong trận lũ lớn nhất lịch sử 10 năm qua
Hai tháng sau, ngày 9-12/10 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cùng không khí lạnh, các tỉnh miền núi phía Bắc lại trải qua đợt mưa lũ đặc biệt lớn. Tại Yên Bái, lũ quét ở huyện Trạm Tấu làm 9 người chết và mất tích; cầu Ngòi Thia (thị xã Nghĩa Lộ) sập, cuốn trôi phóng viên Đinh Hữu Dư và 7 người khác. Tại Sơn La, lũ ống ở Phù Yên, Vân Hồ làm 6 người chết, 2 người mất tích.
Phóng viên Đinh Hữu Dư ra đi ở tuổi 29.
Lũ lụt lịch sử ở miền Trung
Từ tháng 6 đến nay, các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện 8 đợt lũ. Trong đó có 2 đợt lũ trên diện rộng vào đầu tháng 9 và tháng 10, đỉnh lũ trên phần lớn sông ở mức báo động 2-3. Riêng các sông ở Thanh Hóa và từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi xuất hiện lũ đặc biệt lớn.
Hội An chìm trong biển nước mênh mông đầu tháng 11
Hội An ngập trong nước. Nước dân cao đến tận cổ một người phụ nữ.
Giữa tháng 10, do ảnh hưởng của bão số 12, tại Thừa Thiên-Huế, nước lũ lên cao và nhanh chóng, nhiều đường phố ngập sâu trong hơn 1 mét nước, lũ ở các sông chỉ kém 1 gang tay là đạt đến mức lũ lịch sử của cơn Đại hồng thủy năm 1999.
Một con đường ngập nước ở tỉnh Bình Định sau khi cơn bão Damrey tràn qua
Xe ô tô ngập sâu trong nước
Huế ghi nhận đã có 9 người chết, 3 người bị thương, toàn tỉnh có hơn 70.000 ngôi nhà bị ngập từ 0,3 – 1m; 80% tuyến đường ở TP.Huế bị ngập từ 0,5 – 1,5m; các địa phương còn lại nhiều vùng bị ngập nặng từ 0,5 – 2m.
Bên cạnh những đợt lũ dâng cao, cùng thời điểm, miền Trung cũng phải hứng chịu nhiều trận sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là 2 vụ sạt lở xảy ra liên tiếp ở Quảng Nam khiến gần 10 người tử vong.
19h ngày 5/11, nguyên quả đồi sạt lở xuống một nhà dân tại khu vực giáp thôn Đàn Nước và Mậu Cà, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam khiến 8 người trong 2 gia đình bị vùi lấp. Sau nhiều nỗ lực, lực lượng cứu hộ chỉ cứu sống được 4 người, 4 nạn nhân còn lại đã tử vong, thi thể nằm dưới hàng trăm khối đất đá.
Theo Hà Anh (Tổng hợp) (Khám phá)