Chiều nay 26-12, PGS Bùi Hiền đã có cuộc trao đổi với Báo Người Lao Độngsau khi cho biết sẽ công bố phần 2 cải tiến chữ viết tiếng Việt dù gặp phải những dư luận rất trái chiều nhau, trong đó ông đã phải nhận không ít "gạch đá" chỉ trích.
PGS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội
Tiếp tục ra mắt phần hai chứng tỏ ông không nề bị nao núng hay ảnh hưởng từ những chỉ trích nặng nề của dư luận?
PGS Bùi Hiền: Không những không bị ảnh hưởng mà đó còn là động lực để tôi hoàn thành phần 2 của việc cải tiến này. Tôi không thể để yên việc mọi người cứ nhằm vào những cải tiến chưa hoàn thiện của mình để đưa ra những bình luận ác ý. Tôi thấy mình cần thiết đưa cải tiến hoàn chỉnh để mọi người có cái nhìn chính xác hơn và phần 2 của cải tiến tiếng Việt đã ra đời trước kế hoạch của tôi là 3 tháng.
Xin hỏi thực lòng một lần nữa, ông hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì từ "gạch đá" của dư luận?
Tôi không có thời gian để đọc những bình luận ấy. Tôi dành thời gian để làm việc chứ không phải để đối phó những chỉ trích nhằm vào mình.
Chính phủ cho hay chưa đề cập đến cải tiến chữ viết thời điểm này, dù vậy ông vẫn luôn hi vọng công trình của mình được cơ quan chức năng ghi nhận...?
Tôi làm để phục vụ nhân dân, và tất nhiên là tôi muốn được ghi nhận. Ai thấy nó có lợi thì áp dụng thôi chứ tôi không đặt vấn đề to tát nào.
Những thay đổi mới nhất trong phần 2 của công trình cải tiến tiếng Việt là gì, thưa ông?
Phần thứ nhất đã công bố mới chỉ đề cập cải tiến hệ thống phụ âm theo đúng nguyên tắc "mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt". Ở phần thứ 2, tôi hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của Tiếng Việt. Có 2 vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng và nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết tiếng Việt.
Hiện tại, trong hệ thống nguyên âm tiếng Việt đã ghi nhận và thường xuyên dùng theo các quy chuẩn chính tả bao gồm 16 nguyên âm thể hiện bằng những chữ cái trong các vị trí điển hình độc lập hoặc đứng trong tổ hợp âm tiết có phụ âm đi cùng. Sau khi xác định xong 2 hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, cần ghép chúng lại thành bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội
Nói thêm là trong hệ thống nguyên âm tiếng Hà Nội, ngoài các nguyên đơn ra còn rất nhiều nguyên âm đôi và nguyên âm ba. Bởi vậy, các cặp đôi nguyên âm đối lập "ngắn - dài" còn thiếu những kí tự cho riêng mình (chẳng hạn như: uu - u; ưư - ư) trong bảng chữ cái quốc ngữ hiện hành đã không hề làm mất tính khu biệt ý nghĩa của những âm vị nguyên âm đó. Thậm chí khi âm vị "ă" ở vào một vị trí phát âm không thể khác được thì cũng không nhất thiết phải viết đúng chữ cái "ă" nữa, mà có thể bỏ dấu "á" đi: ắy nắy - áy náy; con quăy - con quay, ….
Dựa vào đặc điểm của tính chất đó mà xem xét thì ngoài 3 cặp đối lập : a - ă, ơ - â, y - i đã có và thường hay gặp nhất trong tiếng Hà Nội, tôi thấy không cần thiết phải có thêm các kí tự chỉ các nguyên âm đối lập còn thiếu vào bảng chữ quốc ngữ hiện hành (kiểu ee, êê, oo, ôô, uu, ưư).