Em bé bất hạnh sinh ra từ người mẹ đã tử vong
Những ngày gần đây, nhiều người dân sống ở cổng Bệnh viện Nhi Trung ương đã quá quen thuộc với hình ảnh người mẹ già đẩy xe đưa con vào viện hàng ngày để tập phục hồi chức năng. Người mẹ ấy hy vọng một ngày không xa con có thể đứng được trên đôi chân của mình.
Hình ảnh người mẹ già đẩy em bé tật nguyền đi chữa bệnh hàng ngày đã quá quen thuộc với các bác sĩ và người nhà bệnh nhân ở BV nhi.
Người mẹ khắc khổ đó chính là cô Nguyễn Thị Hường (61 tuổi, ở Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An), có con đang mắc bệnh là cháu Trần Thị Phúc Liên (sinh năm 2006).
Khi tiếp xúc với cô Hường, chúng tôi mới biết cháu Liên là con nuôi, được cô nhận về từ bệnh viện cách đây 11 năm về trước.
Chiếc xe đẩy cũ kỹ và ọp ẹp khiến 2 mẹ con gặp nhiều vất vả khi đi từ nhà trọ đến bệnh viện.
Nói về lúc gặp cháu Liên, cô Hường cho rằng: “Đó là cái duyên, là định mệnh để hai người đến với nhau.
Cách đây 11 năm về trước cô phải vào viện phẫu thuật vùng hàm mặt và chứng kiến một câu chuyện đau lòng.
Cô Hường cho biết, cô và Phúc Liên gặp nhau có lẽ là do duyên trời định.
Đôi vợ chồng trẻ khi đang chở nhau bằng xe máy đi trên đường thì bị tai nạn. Sau khi được người dân đưa vào viện người chồng bị thương quá nặng đã tử vong.
Còn ngườu vợ khi đó đang mang thai 38 tuần tuy còn sống nhưng rất nguy kịch. Dù bệnh viện huy động rất nhiều bác sĩ để cấp cứu nhưng mẹ cháu vẫn không qua khỏi, các bác sĩ đã mổ lấy thai ngay tại phòng mổ khoa cấp cứu. Phúc Liên ra đời trong hoàn cảnh đó, vẫn khóc bình thường và nặng 3kg.
Nhưng do bố mẹ đều đã chết, gia đình quá khó khăn nên họ đã để Phúc Liên lại bệnh viện, nhờ bệnh viện tìm người cho làm con nuôi. Quả thật, khi chứng kiến cảnh đó tôi vô cùng xót xa và có nói với bác sĩ rằng: Nếu không ai nuôi, khi ra viện tôi sẽ nhận cháu về nuôi", cô Hường kể lại.
Chỉ ao ước có một chiếc xe đẩy tử tế
Sau khi nhận cháu Phúc Liên về chăm sóc, cô Hường vô cùng hạnh phúc khi cháu phát triển bình thường. Nhưng sóng gió bắt đầu ập đến khi Phúc Liên bắt đầu tuổi lên 3.
Từ lúc lên 3 Phúc Liên phải nằm đâu, nằm đó mọi sinh hoạt đều nhờ mẹ nuôi chăm sóc.
“Cháu lên 3 tuổi không biết nói, chân tay bắt đầu teo tóp và không thể đi lại được nữa. Tôi lo lắng quá nên đã đưa cháu lên viện tỉnh khám. Tại đây, các bác sĩ nói không vấn đề gì, nhưng tôi không yên tâm và đưa con thẳng ra Hà Nội.
Sau khi làm xét nghiệm, các bác sĩ có hỏi về tiểu sử khi cháu ra đời. Tôi kể lại câu chuyện của cháu, các bác sĩ khẳng định cháu bị bại não do sặc nước ối từ vụ tai nạn giao thông khi còn trong bụng mẹ", cô Hường nói.
Sau đó, cháu Phúc Liên trải qua ca phẫu thuật và phải sống chung với một ống dây dẫn từ não thông xuống dạ dày để tránh tình trạng bị úng não tủy. Cũng kể từ đó đến nay, Phúc Liên không đi lại, nói năng được, mọi sinh hoạt đều do người mẹ nuôi chăm sóc từ đầu đến cuối.
“Con bị như vậy nên khi đi làm tôi chẳng thể gửi được ai, đành mang theo manh chiếu ra bờ ruộng trải ra cho cháu nằm trên bờ, mẹ làm dưới ruộng.
Do xe đẩy đã cũ và không có phanh nên mỗi khi xuống dốc cô Hường đều phải nhờ người khác hỗ trợ.
Mỗi lần ra BV Nhi Trung ương thăm khám, tôi đều phải cõng cháu từ nhà trọ vào viện. Nhiều người thương tình họ cho tôi mượn xe đẩy hoặc cho những chiếc xe đã cũ.
Dù vất vả đến mấy tôi không hề hối hận khi nhận Phúc Liên về nuôi, chỉ mong có một chiếc xe đẩy tử tế cho cháu để hàng ngày hai mẹ con có thể đi lại một cách dễ dàng hơn”, cô Hường mong muốn.
Chia sẻ với chúng tôi, một bác sĩ khoa Phục hồi chức năng (BV Nhi Trung ương, nơi cháu Phúc Liên đang điều trị) cho biết, đến thời điểm này cháu Phúc Liên không thể hồi phục 100% và đi lại bình thường được.
“Ngoài bị bại não, cháu còn bị lệch xương chậu và teo cơ. Hiện tại cháu được điều trị phục hồi chức năng cho giãn cơ, sau đó sẽ hội chẩn phẫu thuật nắn chỉnh xương chậu cho cháu với hy vọng cháu có thể chủ động ngồi xe lăn được”, vị bác sĩ này chia sẻ.
Cô Hường chỉ mong có được chiếc xe đẩy tử tế, cho con di chuyển hàng ngày mà không phải bế.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Phượng – Trưởng khu 12 (xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) xác nhận, câu chuyện về hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Hường là hoàn toàn đúng sự thật. Hiện bà Hường thuộc diện neo đơn và là hộ gia đình nghèo của địa phương.
>> XEM THÊM: Em bé đi bằng “4 chân”, sống nhờ vào những chiếc bao cao su và băng vệ sinh