Nhìn lại thời gian hơn hai năm qua, Tự Long đang có một cuộc sống khá viên mãn, vừa được lên chức Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, vừa được Nhà nước phong tặng NSND. Có một cuộc sống hạnh phúc bên vợ và cô con gái đáng yêu. Dường như Tự Long bây giờ không cần gì nữa nhỉ?
- Tôi nghĩ, mỗi người đều có ước mơ, hoài bão. Ai cũng có sự lựa chọn cho riêng mình. Mong muốn có một cuộc sống tốt hơn là điều ước của những người bình thường nhất.
Con người ta sống thì phải có hoài bão, ước mơ, phải có khát vọng vươn lên, nhưng dùng đủ mọi cách để đạt được điều đó là lại trở thành tham vọng. Tôi biết có những người tìm mọi cách để đạt được điều mình muốn, không từ một thủ đoạn. Nhưng với tôi lại khác. Tôi luôn biết mình là ai và có những gì để rồi bằng lòng với bản thân mình, bằng lòng với cuộc sống mình đang có.
Có như vậy thì mình sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn và mình không phải gồng mình lên. Nếu mình tham vọng nhiều mà lực mình yếu thì lại chỉ làm khổ mình. Lúc nào cũng đau đáu về những ước mơ, hoài bão trong khi thực lực mình không có. Con người ta có điểm xuất phát riêng nên phải biết nhìn vào điểm đó mà tự bằng lòng với mình. Ở đời, nếu không biết mình là ai mà cứ tham vọng quá thì sẽ tiếp nối của sự mệt mỏi này đến sự mệt mỏi khác…
NSND Tự Long.
Vậy vợ anh có đồng tình hay cô ấy có tham vọng nhiều hơn?
- Tôi may mắn có được người vợ hiểu và tôn trọng mình. Những quyết định của tôi luôn được vợ tôn trọng, bằng lòng theo những gì chồng bằng lòng. Mặc dù, tiền bạc cũng là điều rất quan trọng trong cuộc sống. Thế nhưng cô ấy biết nếu coi tiền bạc quá quan trọng thì mình sẽ trở thành nô lệ của tiền bạc, sẽ bị phụ thuộc vào nó mà quên đi mất gia đình mới là thứ quan trọng hàng đầu.
Cô ấy là người phụ nữ tốt, biết chăm lo đến sức khoẻ của chồng, quan tâm đến những điều xảy ra xung quanh với chồng và thường có những lời khuyên rất hữu ích, chấp nhận con người của tôi.
Còn nếu người vợ tham vọng quá, cứ bắt chồng lên dây cót thì mệt mỏi lắm. Lúc nào cũng bảo chồng, anh phải ở vị trí này, vị trí kia để mang về dự án lớn thì cuộc sống gia đình nặng nề. Với gia đình tôi không thế, mà có muốn cũng không được, bởi ở môi trường quân đội đâu có như ở ngoài.
Vì vậy tôi nghĩ mình không nên mong chờ những gì xa xỉ quá từ mọi người, dù là người ở bên cạnh mình. Hãy đơn giản hoá bằng cách hình dung mình cần một bờ vai, cần sự chia sẻ về mặt tinh thần…Như thế là tốt rồi vì môi trường này, cuộc sống này, nghề nghiệp này đã quá phức tạp.
Anh nói, vợ anh chấp nhận con người mình, vậy con người anh thế nào?
- Tôi không giống một người bình thường. Người ta thường chỉ có một mặt, mình thì lại đa nhân cách, đa chiều. Nghệ sĩ đôi khi sống là mình thì không phải là mình, không phải là mình thì lại là mình. Nó không đơn thuần như người khác.
Khi anh về nhà có phải "diễn" với vợ không?
- Ồ Không, tôi về nhà chỉ có lăn bò toài ra chơi với con. Tuy nhiên nếu có diễn hay không thì người trong cuộc biết ngay thôi, ở trong chăn mới biết chăn có rận mà. Nói thật, nếu người nghệ sĩ về nhà mà phải diễn thì đó là thứ khổ nhất với họ. Khi trở về với tổ ấm của mình mà vẫn phải diễn thì quá khổ. Mà về nhà thời gian cũng ít, không diễn được. Vả lại tổ ấm mà không bình yên thì khó làm nghề.
Tự Long và Xuân Bắc.
Anh là người ít dính dáng tới thị phi, đặc biệt cũng chẳng bao giờ lên tiếng trước những ồn ào dư luận, cho dù nhà báo có muốn phỏng vấn. Vậy vừa qua có một số ồn ào anh lại lên tiếng, vì sao vậy?
- Ồ bạn hỏi hay quá. Tuy nhiên tôi sẽ không trả lời thẳng bạn được. Có những điều tôi không nên nói trên báo. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ, tôi là người sống chân thành với anh em bạn bè. Với tôi tình thân giữa anh em, bạn bè không có gì có thể so sánh và đánh đổi được. Có những điều nhìn vẻ bề ngoài mình sẽ không thể đánh giá hết được bản chất bên trong sự việc. Không thể chỉ nhìn một hiện tượng để nói lên tất cả.
Được biết anh và Xuân Bắc đã hủy show diễn của mình để tham gia Tết trung thu “Thu Vọng Nguyệt”. Khi quyết định hủy show như vậy anh không e ngại mình thiệt thòi về cát xê?
- Tôi chưa khi nào so đo, hối hận với những quyết định của mình về chuyện tiền ít, tiền nhiều ở mỗi show diễn. Đối với người nghệ sĩ làm nghệ thuật là làm dâu trăm họ, để chiều theo lòng người rất khó. Chiều theo lòng mình càng khó hơn.
Với một chương trình biểu diễn nếu mang tính thương mại thì sẽ mang lại cho người nghệ sĩ một khoản tiền cát xê khá cao. Nhưng không phải khán giả nào cũng có thể có tiền để mua vé. Còn với một chương trình mang tính cộng đồng thì tiền cát xê lại rất thấp nhưng lại phục vụ được đông đảo mọi lứa tuổi, khán giả hơn. Thậm chí là những khán giả bình dân.
Vì vậy tôi nghĩ đã là nghệ sĩ có tâm thì sẽ không chỉ cứ chọn chương trình thương mại để nhận lời. Mà sẽ nhận lời cả những chương trình mang tính cộng đồng, có sự lan tỏa cao để nhận lời.
Nếu vì đồng tiền để biểu diễn cho 20 người xem còn biểu diễn miễn phí cho 2.000 người xem thì tôi tin họ sẽ chọn biểu diễn cho 2.000 người chứ không bao giờ chọn 20 người.
Cũng phải nói thêm là không riêng gì tôi, những người làm nghề diễn đều muốn sống bằng chính nghề của mình. Muốn sống bằng nghề thì chỉ có một cách là luôn làm mới, phải có tác phẩm mới, tiểu phẩm mới, chương trình mới. Thường thì giới nghệ sĩ sống được bằng nghề rất là ít, đều phải "chân trong chân ngoài".
Vậy lý do anh nhận lời tham gia tại ''Thu Vọng Nguyệt"?
Lý do đơn giản chỉ vì đây là sự kiện văn hóa lớn được kỳ vọng tạo nên dấu ấn đặc trưng của Hà Nội. Những người tổ chức chương trình nuôi tham vọng "Thu vọng nguyệt" sẽ làm đẹp thêm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, qua đó quảng bá nền văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc tới tất cả du khách trong nước và quốc tế qua các trò chơi truyền thống sinh động cùng những hoạt động văn hóa dân gian tương tác thực tế với các nghệ nhân…Các trò chơi không chỉ vui vẻ mà còn lồng ghép yếu tố quan trọng là tinh thần của sự đoàn viên gia đình, gắn kết thương yêu.
Thật ra đấy là điều đầu tiên với trẻ em là một bất ngờ thứ hai là hấp dẫn. Tết Trung thu mọi người hay nói là tết đoàn viên thế nhưng trong cuộc sống ngày nay cách đây mấy chục năm không khí của trung thu và ánh trăng của đêm rằm nó có ý nghĩa vô cùng với các thế hệ nhất là 7x và 8x.
Nhưng bây giờ ánh trăng rằm đã bị lu mờ bởi ánh đèn thành phố, nó không còn ý nghĩa một cách linh thiêng như ngày xưa nữa cũng chia sẻ một chút là thời của Tự Long Xuân Bắc. Ngày xưa mỗi dịp Trung thu thì có tiếng trống tập đội ngũ, tập văn nghệ của trẻ em trong thôn trong xóm nó vang lên rồi đi nhặt những hạt bưởi về kết lại để đốt trong đêm Trung thu.
Ngày trước ánh trăng có ý nghĩa linh thiêng về mặt tinh thần lẫn vật chất, vật chất thì ngày xưa không có nhiều, được phát cái bánh cái kẹo rồi được đi Trung thu thì có cảm giác linh thiêng lắm, bây giờ đối với trẻ em thì ánh trăng nó không còn huyền thoại như ngày xưa.
Xin cám ơn anh!
>> Xem tiếp: TỰ LONG LÀM THƠ "CON CÓC", MUỐN ĐƯỢC Ở BÊN CON GÁI CẢ NGÀY
Theo Thanh Hà (Dân Việt)
Let's block ads! (Why?)