"Ru ngủ” bệnh nhân bằng trò lừa mê tín, “mẹ” Thơ thu nhập “khủng” mỗi ngày chỉ với độc chiêu cho uống nước trà và quỳ lạy mà… trị được bách bệnh.
Bỏ tiền càng nhiều, càng nhanh hết bệnh
“Mẹ” Thơ là ai? Nhiều người chỉ biết “mẹ” Thơ là một người đàn bà hơn 25 tuổi, hiện đang hành nghề “rút” bệnh trong một căn nhà thiếu ánh sáng, che chắn tạm bợ, thuộc ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu (đoạn giáp ranh với xã Phan). Trợ thủ cho “mẹ” Thơ còn có 3 người khác- một người đàn ông chuyên sắp xếp chỗ để xe và cảnh giới vòng ngoài, một phụ nữ trung niên phụ trách công việc bán nước giải khát đồng thời dẫn dắt khách vào cho “mẹ” hành sự, một phụ nữ khác nữa đứng túc trực gần “mẹ” Thơ để cảnh giới việc quay phim, chụp hình.
Nhiều tháng qua, từ lúc sáng sớm đến chiều tà, tại nhà “mẹ” Thơ luôn đông nghẹt bệnh nhân, đông đến mức phải lấy số thứ tự ngồi chờ đến lượt mình. Qua ghi nhận thực tế, thời gian “rút” bệnh của “mẹ” Thơ là từ 6 giờ sáng đến 17 giờ, kể cả chủ nhật.
Vào vai bệnh nhân, chúng tôi có mặt tại nhà “mẹ” Thơ lúc 6 giờ sáng ngày 22.4. Sớm vậy, nhưng chỗ để xe đã không còn, phải để tận ngoài đường đi (bờ kênh). Thấy chúng tôi không phải khách quen, người phụ nữ bán nước xáp lại gần nhanh nhảu nói: “Nhìn vào má của em là biết bệnh nặng lắm, gặp mẹ ở đây là đúng rồi”.
Mẹ Thơ làm phép cho ly trà (Ảnh cắt từ video clip) .
Thật ra Thơ còn trẻ, nhưng tự cho là được Quan Âm nhập về ban phép nên mọi người hay gọi là “mẹ” Thơ. “Mẹ” có thể trị được bách bệnh, kể cả các loại ung thư, nhưng với điều kiện chưa được bác sĩ vô hoá chất, bởi phép của “mẹ” quá mạnh, khi vào trong cơ thể sẽ đối chọi với thuốc tây, làm cho người bệnh nóng chịu không nổi, phản tác dụng. Khi được hỏi “mẹ” Thơ trị bằng cách nào mà hay vậy? Người phụ nữ tiếp lời: “Chỉ cần uống nước trà của mẹ ban cho, để mẹ vô phép rút bệnh, sau đó quỳ thẳng gối thành tâm lạy theo lời mẹ dặn. Bảo đảm sau 3 lần quay lại đây thì bệnh sẽ khỏi”.
Thật không thể tưởng tượng được cái trò mê tín khéo gạt người và phản khoa học mà trợ thủ của Thơ vừa tư vấn. Thế nhưng, có đến hàng chục người đang chăm chú hướng về phía căn nhà tăm tối để chờ đến lượt mình vào lạy và uống nước trà. Có người như lo hết giờ nên nôn nóng hỏi: “Ngày mai chủ nhật có làm không vậy cô?”. Người phụ nữ bán nước giải khát nói lớn như để mọi người cùng nghe: “Làm không lương mà làm chi nhiều vậy, mẹ Thơ nói có ai tài trợ 10 triệu đồng/tháng thì làm luôn cả ngày chủ nhật”. Sau một hồi nghe các bệnh nhân than nghèo, kể khổ, người phụ nữ này nhẹ giọng: “Nói vậy thôi chứ ở đây chỉ làm công quả, ai muốn cho bao nhiêu thì cho. Tội nghiệp mấy người đi làm xí nghiệp với học sinh, nên ngày chủ nhật vẫn làm”.
Chúng tôi rón rén lại gần người phụ nữ, hỏi nhỏ: “Thật ra bỏ bao nhiêu tiền là được vậy cô, má con không biết sợ bị quở”. Người này đáp: “Tuỳ ý bệnh nhân, nhưng bỏ tiền càng nhiều thì công đức càng lớn, càng nhanh hết bệnh”.
Vén màn... mê tín
Khoảng 9 giờ sáng, đến số thứ tự, chúng tôi bước vào nhà, nhưng nơi “mẹ” Thơ ngồi vẫn mù tối. Khi vừa bước vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là có 3 bệnh nhân đang quỳ lạy thẳng gối, trước mặt họ là dòng chữ “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm bồ tát” dán ngay cạnh bàn. Trên bàn thờ có một pho tượng nhỏ, xung quanh là các đĩa trái cây, bình hoa và lư hương. Trước đó, người phụ nữ bán nước giải khát có kể về lai lịch của pho tượng này. Ðó là tượng “mẹ”, do Thơ tự nắn bằng đất sét, được Quan Âm nhập về điểm hoá. Thực tế, pho tượng do Thơ nắn có gương mặt nửa người nửa khỉ, vậy mà mọi người đến đây đều quỳ gối, khấn lạy với hy vọng được “rút” bệnh.
“Mẹ” Thơ ngồi trên chiếc ghế rộng, ngay bên cạnh bàn thờ tượng tự nắn, như thể là sứ giả của Quan Thế Âm bồ tát. Tất cả người bệnh bước vào phải “làm thủ tục” nhận phép. Cách mà Thơ vô phép cho các bệnh nhân như sau: Một tay cầm ly trà giữ ngang tầm bụng, tay còn lại chập 2 ngón tay trỏ và ngón giữa gần giống chiêu “nhị dương chỉ” trong phim kiếm hiệp, áp chặt 2 ngón tay lên trán mình, sau đó kéo mạnh xuống bụng, vòng qua ly trà. Trong quá trình làm động tác này, mũi của “mẹ” Thơ phát ra âm thanh khịt khịt. Sau đó, Thơ đưa cho bệnh nhân uống hết ly trà, rồi phán số lạy nhiều ít tuỳ theo “vong bệnh” nặng hay nhẹ, thông thường là từ 100 đến 300 lần.
Bệnh nhân quỳ lạy trước pho tượng đất sét do “mẹ Thơ” tự nắn (Ảnh cắt từ video clip).
Ðến lượt chúng tôi, “mẹ” Thơ cho uống xong ly trà phép, nhìn sơ qua một lượt rồi phán “Bệnh gì không cần thiết, lạy 120 lạy thẳng lưng, thẳng đầu gối xuống, niệm câu niệm đó (Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm bồ tát), vái tên tuổi vô, kèm theo lời- mẹ ơi cho con tiêu trừ bách bệnh”. Nói xong, Thơ còn “nổ”: “Cứ làm theo như vậy, trăm bệnh đều thải hết”.
Trước khi ra chỗ lạy, bệnh nhân lấy tiền của mình bỏ vào cái đĩa để trên bàn ngay bên cạnh Thơ, trên có dằn một cái ly uống trà để tránh bị gió bay. Chúng tôi cố ý “quên” bỏ tiền, đứng lên đi thẳng ra ngoài. Thơ lầm bầm trong miệng: “Sao cứ lạng qua lạng lại hoài vậy”. Khi chúng tôi quay lại bàn tổ của Thơ bỏ 50 nghìn đồng trên bàn, Thơ dịu giọng… cảm ơn, rồi thò tay lấy tờ tiền bỏ chồng lên xấp tiền có sẵn trong đĩa, lấy ly trà dằn lên cẩn thận.
Thật ra cái chiêu “muốn cho bao nhiêu thì cho” này lại rất hiệu quả. Bởi theo quan sát của chúng tôi, hầu hết số người đến đây đều muốn thể hiện “thành ý” nên không ai không bỏ tiền và không ai bỏ số tiền nhỏ. Bởi theo trợ thủ của “mẹ” Thơ tư vấn thì “tiền càng lớn thì càng nhanh hết bệnh”. Nếu tính theo số người vào nhà “mẹ” Thơ lạy mà chúng tôi đã chứng kiến thì mẹ Thơ có thu nhập “khủng” mỗi ngày.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để bài trừ kiểu trị bệnh mê tín, trái pháp luật này.