Muốn chết sau chia tay người yêu
Nguyễn Thị Lan (21 tuổi, quê ở Ninh Bình, hiện đang là sinh viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy nhược cơ thể sau nhiều ngày mất ngủ, chán ăn.
Khi biết nguyên nhân mắc bệnh là do chia tay người yêu, những người thân của Lan đã "sốc toàn tập" vì từ trước đến giờ Lan vẫn được mọi người ca ngợi là một nữ sinh nghị lực, mạnh mẽ...
Theo đó, trước khi vào viện 6 tuần, Lan đã chia tay người yêu, cũng kể từ đó Lan không thể ngủ hơn 3- 4 tiếng một tối. Cùng với việc mất ngủ, Lan cảm thấy chán nản mọi thứ từ học tập, cho đến những sở thích và thậm chí là chán cả ăn.
Hậu quả sau 6 tuần Lan gầy sút 4 kg, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học và hay ngồi khóc một mình. Trong suy nghĩ của Lan luôn có cảm giác cuộc sống của mình không còn có ý nghĩa.
Đỉnh điểm nhất là Lan đã nói với mẹ về việc không muốn sống nữa, muốn tìm đến cái chết để không phải chịu những đau khổ như hiện tại. Rất may, gia đình đã phát hiện kịp thời và đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Lan đã rơi giai đoạn trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát.
TS Tâm đang khám cho một nữ sinh viên có ý định tự tử do mắc bệnh trầm cảm.
TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Phòng Điều trị Rối loạn liên quan stress (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), cho biết ngoài trường hợp trên, viện còn tiếp nhận rất nhiều trường hợp tương tự khác.
Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Mai (20 tuổi, quê ở Thái Bình), dù đã nhiều ngày điều trị nhưng bệnh nhân Mai vẫn đang được các bác sĩ và người nhà theo dõi sát sao, vì bệnh nhân này luôn có ý định tự sát.
TS Tâm cho biết bệnh nhân luôn tỏ ra chán nản, bế tắc và cho rằng tự tử là con đường duy nhất để thoát khỏi những lo âu.
Theo TS Tâm, bệnh nhân hiện đang là sinh viên ở một trường đại học tại Hà Nội, tiền sử từ nhỏ đến lớp 12 đều bình thường cả về kết quả học tập lẫn tính cách.
TS Dương Minh Tâm cho rằng, lứa tuổi thanh niên dễ bị trầm cảm do phải đối diện với nhiều áp lực.
“Hết năm thứ nhất đại học, kết quả học tập của em vẫn thuộc loại khá. Sang năm thứ 2, bệnh nhân thấy chán nản về ngành mình học. Tuy nhiên, từ quê nghèo ra Hà Nội học đã được một năm, nên việc từ bỏ hay tiếp tục ngành đang học là một bài toán vô cùng khó khăn đối với bệnh nhân.
Cứ như vậy, nữ sinh viên này rơi vào vỏng luẩn quẩn mà không chia sẻ với ai. Đến khi quá bế tắc, bệnh nhân đã tìm đến cái chết để giải thoát mình”, BS Tâm thông tin.
May mắn là bạn học của nữ sinh Mai đã kịp thời phát hiện và báo cho gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời, sau đó được chuyển sang Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị.
“Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân vẫn rất khó chịu, đau đầu rất nhiều và cần phải có sự theo dõi sát sao của người nhà và bác sĩ để tránh trường hợp xấu xảy ra. Dự kiến bệnh nhân sẽ phải điều trị trong vài tuần tới”, BS Tâm chia sẻ.
Trầm cảm vì sợ con bỏ rơi
Cũng giống như hai bệnh nhân trên, đang nằm điều trị viện tâm thần, bệnh nhân Trần Thị Hoa (Lập Thạch – Vĩnh Phúc), sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Công nghiệp, cũng đang trong tình trạng bị trầm cảm nặng.
Được biết, nguyên nhân khiến bệnh nhân Hoa rơi vào tình trạng trên là do trước đó bị tai nạn xe máy. “Sau khi bị tai nạn xe, dù không bị thương nặng, nhưng vì lo lắng, sợ bố mẹ biết sẽ la mắng, nên nhiều đêm liền Hoa mất ngủ.
Đến khi sức khỏe suy kiệt, giảm cân nghiêm trọng, không thể theo học được nữa thì mới nhập viện điều trị. Đến thời điểm hiện tại, tuy đã nhận biết được những điều người khác nói, nhưng Hoa dường như không chia sẻ với ai”, mẹ bệnh nhân Hoa cho biết.
Theo TS Tâm, những trường hợp vì áp lực, stress sau đó mắc trầm cảm đang ngày càng nhiều, không chỉ các sinh viên mà ngay cả những người lớn tuổi cũng rơi vào tình trạng này.
Bệnh nhân cắt cả tay và chân để tự tử đang được điều trị tại BV Bạch Mai.
Dẫn chúng tôi tới một phòng bệnh khác, TS Tâm giới thiệu một bệnh nhân vẫn còn chằng chịt những vết cứa trên tay, chân do lần tự tử bất thành vừa xảy ra cách đây vài ngày.
Bác Nguyễn Văn Sáu (62 tuổi, em trai ruột của bệnh nhân) cho biết, sở dĩ anh trai rơi vào tình trạng này là do vợ mất sớm, một mình gà trống nuôi con (3 con trai). Đến nay sau khi lo gia đình cho các con xong, vì nghĩ rằng các con có gia đình sẽ bỏ rơi mình nên muốn tìm đến cái chết để tự kết thúc cuộc đời, khỏi ảnh hưởng đến người khác.
Từ những ca bệnh trên, TS Tâm cho hay, trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là tuổi thanh thiếu niên và những người vừa về hưu. Bởi đặc thù của tuổi thanh thiếu niên là đang hình thành nhân cách, các em đang muốn thể hiện mình nhưng không có người chia sẻ nên rất dễ bị trầm cảm. Đối với người vừa về hưu, họ cho rằng khi đó giá trị của bản thân không còn được xã hội ghi nhận nên bị sốc và trầm cảm.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Biểu hiện thường gặp ở người trầm cảm
- Cảm giác buồn chán, trống rỗng.
- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên.
- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì.
- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng.
- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều.
- Hay cáu gắt, giận dữ.
- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày.
- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều.
- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…
|
Theo Lê Phương (Khám phá)
Let's block ads! (Why?)