Trao đổi với phóng viên về thực trạng tai nạn do nổ bóng bay, BS Nguyễn Thống (Trưởng khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, đa số các vụ tai nạn đến khoa cấp cứu đều xảy ra ở những sự kiện vui vẻ trong gia đình hoặc họp lớp, họp nhóm như: tổ chức sinh nhật, đám cưới, mừng thọ...
“Chính những cuộc vui như vậy, nhiều người chủ quan không để ý trong việc trang trí, tháo dỡ bóng bay (loại bóng bay bơm khí hydro) nên dẫn đến nổ và gây ra những tai nạn thương tâm”, BS Thống chia sẻ.
BS Nguyễn Thống cho biết, đa số các vụ tai nạn do nổ bóng bay đều xảy ra ở các cuộc vui.
Dẫn chứng cho luận điểm trên, BS Thống cho biết, tại khoa đã từng tiếp nhận chú rể bị bỏng bóng bay bơm khí hydro. Theo đó, trước ngày cưới, nam thanh niên cùng mọi người trang trí cổng đám cưới bằng chùm bóng bay. Do chủ quan, khi làm chú rể đã hút thuốc và tàn thuốc rơi xuống khiến bóng bay nổ, dẫn đến bị bỏng phải nhập viện điều trị.
Mới đây nhất, trường hợp bệnh nhân Dương Thị Minh (sinh năm 1986, ở Hà Nội) cũng nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Theo chia sẻ của nữ bệnh nhân, trong ngày lễ mừng thọ bà, chị gỡ bóng bay để phát cho trẻ con, do kéo quá mạnh 20 quả bóng phát nổ cùng lúc. Vì ở đúng tầm mặt, chị Minh đã bị bỏng nặng, thậm chí cháy cả tóc.
Từ những trường hợp trên, BS Thống cho rằng: “Dù cho đến nay, chưa có trường hợp bỏng do nổ bóng bay nào tử vong, nhưng có không ít trường hợp để lại di chứng mù mắt, sẹo trên da,... đặc biệt là ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý người bị nạn”.
Nữ bệnh nhân bị tai nạn nổ bóng bay bỏng hết phần mặt.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn (Trưởng khoa Hóa – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khí hydro dùng để bơm bóng bay rất rẻ tiền và rất dễ sản xuất, nguyên liệu bao gồm vụn nhôm, đồng nát, vôi, kiềm nén lại trong bình là có khí hydro.
Loại khí này rất dễ phát nổ, nhất là khi gần các nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, pháo hoa nổ chậm rơi xuống mặt đất, pháo phụt, nến đang cháy... Thậm chí, khi bóng vỡ khí hydro gặp ô xy nhiều lúc không cần lửa, mà chỉ cần xúc tác của ánh mặt trời bóng cũng có thể phát nổ và gây tai nạn.
“Nhiệt độ tự cháy của khối hydro trong không khí lên đến 500 độ C, nên khi phát nổ bóng bay chứa hydro có thể gây bỏng mặt, gây cháy tóc, mù mắt,... Những loại bóng bay chùm hoặc những quả bóng bay có kích thước lớn thì mức độ sát thương càng lớn”.
Những quả bom di động trên đường phố.
Về phương pháp sơ cứu khi bị bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro, BS Nguyễn Thống cho biết, đây là loại bỏng thuộc nhóm bỏng nhiệt, vì thế phương pháp sơ cứu cũng giống như các nạn nhân bị bỏng nước sôi, lửa...
Theo đó, khi phát hiện người bị bỏng cần phải dùng nước sạch để rửa vết thương, việc làm này giúp vết thương hạn chế phù nề và không lan rộng ra bộ phận khác.
Tiếp theo, dùng kéo cắt quần áo cho nạn nhân, người sơ cứu cần phải nhớ không nên dùng tay xé quần áo trên người nạn nhân, vì như vậy nếu bị bỏng dính quần áo vào da thịt sẽ khiến nạn nhân bị thương sâu thêm.
Ngoài ra, lấy hết những đồ trang sức trên người nạn nhân để khỏi bị cọ xát vào vết thương. Cuối cùng là dùng bông băng y tế (vải mềm) cuốn bên ngoài vết bỏng vừa đủ và chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
BS Thống khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sơ cứu chữa bỏng theo các bài thuốc dân gian như đắp hay bôi bất kỳ loại lá, thuốc truyền miệng, cao - mỡ động vật, nước mắm, mẻ lên vết thương của người bị bỏng vì sẽ khiến vết bỏng bị nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh
Let's block ads! (Why?)