TS Mạc Duy Tôn
Căn bệnh bất ngờ
Ông Nguyễn Văn Ch. trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, 57 tuổi bị đột quỵ từ đầu tháng 10/2016. Sau nửa tháng nằm viện ông mới được ra viện và bị liệt nửa người do biến chứng của đột quỵ.
Giọng ngọng ngọng khó nghe, ông Ch. cho biết, ông vẫn đi làm bình thường như mọi ngày. Nhưng khi đến công ty, ông thấy một tay tê tê và bắt đầu có triệu chứng khó nói. Ông nghĩ có thể do tê bì chân tay, thiếu máu đó là điều bình thường.
Ông còn cố họp xong mới đi đến viện khám nhưng vừa kết thúc cuộc họp, cảm giác một nửa người tê bì, miệng méo, không uống được nước, ập đến. Mọi người vội vàng đưa ông vào bệnh viện cấp cứu.
Dù đến viện sớm và giữ được mạng sống nhưng vẫn bị di chứng sau cơn đột quỵ đó là bị liệt nửa người, ông đang phải phục hồi chức năng.
Ông Nguyễn Bá V. trú tại Thái Bình, được chuyển lên từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình với chẩn đoán chảy máu não. Gia đình cho biết ông V. vẫn khoẻ, không ốm đau gì. Buổi tối chuẩn bị ăn cơm, ông đi vào nhà vệ sinh thì bị ngã gục ở nhà vệ sinh. Gia đình gọi xe cấp cứu đưa vào viện ngay. Bác sĩ chẩn đoán chảy máu não và gia đình xin đưa lên tuyến trên. Tuy nhiên cho tổn thương quá nặng khó can thiệp nên bác sĩ giải thích cho người nhà hiểu và đưa bệnh nhân về quê.
Những dấu hiệu cần nhớ báo hiệu cái chết bất ngờ
TS Mạc Duy Tôn – trưởng phòng cấp cứu 1, Khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh đột quỵ rất nguy hiểm nên việc đầu tiên đó là nhận biết sớm bệnh để đưa người bệnh đi cấp cứu sớm nhất có thể.
Theo bác sĩ Tôn, bệnh nhân đột quỵ có những triệu chứng rất điển hình như yếu, liệt, tê bì, nói khó, đổ gục, bất thường về thị lực hoặc bệnh nhân có triệu chứng đau đầu dữ dội, hôn mê, rối loạn ý thức, mất thăng bằng.
Với trường hợp đột quỵ tai biến tại nhà, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện, vì đột quỵ là cấp cứu nội khoa.
Đầu tiên, hãy gọi cấp cứu 115 nhanh nhất, trong thời gian chờ đợi nhân viên y tế đến, chúng ta có thể sơ cứu như đặt bệnh nhân nằm 30 – 45 độ, quan sát bệnh nhân như thế nào. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải có sơ cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức, kêu gọi sự hỗ trợ của người xung quanh.
Nếu bệnh nhân có nôn, xoay người bệnh nhân sang một bên để tránh bệnh nhân nuốt phải dịch nôn vào trong gây sặc. Trường hợp bệnh nhân lên cơn co giật, chúng ta sử dụng các dụng cụ tại nhà đặt như chăn, áo ngang bụng bệnh nhân để tránh tổn thương do co giật.
Lưu ý: không đưa bất kỳ thức ăn, đồ uống, bất kỳ thuốc nào cho bệnh nhân vì lúc đó bệnh nhân đang bị rối loạn, nuốt đưa thức ăn vào dễ gây sặc cho bệnh nhân.
Đột quỵ là bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, cả người trẻ lẫn già. Người trẻ nên phát hiện sớm bệnh, khám sàng lọc đối với các nguy cơ như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, hút thuốc lá.
Những bệnh nhân đã bị đột quỵ lần 1 thì nguy cơ bị lần 2 rất cao. Cần giám sát chặt chẽ y tế để điều trị yếu tố nguy cơ. Hàng ngày nên có 30 – 45 phút vận động.
Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não phải sử dụng thuốc chống đông suốt đời.
Nhận biết đột quỵ sớm nhất: Khi người có nghi ngờ đột quỵ cần lưu ý bảo bệnh nhân giơ tay lên. Bệnh nhân không giơ được tay là bất thường. Quan sát nét mặt người bệnh, nếu 1 bên mặt lệch xuống, cười lệch bên miệng, người bệnh nói giọng không được bình thường, tiếng nghe méo mó thì đó là dấu hiệu bất thường và nghi ngờ đột quỵ trên 90%, nên đưa đến bệnh viện sớm nhất có thể. |