Vaccine phối hợp ngừa sởi-rubella mới được thử nghiệm lâm sàng thành công tại Việt Nam.
Bộ Y tế vừa thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vaccine phối hợp sởi-rubella do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế sản xuất.
Đây là vaccine phối hợp đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường Năng lực sản xuất vaccine phối hợp sởi – rubella” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.
Trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vaccine phối hợp sởi-rubella cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.
Dự án được Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế được bắt đầu triển khai từ tháng 5/2013 và kéo dài trong thời gian gần 5 năm, với tổng ngân sách khoảng 700 triệu Yên Nhật.
Tháng 3/2016, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, vaccine sởi – rubella do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế sản xuất được thử nghiệm lâm sàng và được đánh giá là an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.
Trước đó, năm 2015, ngành sản xuất vaccine của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA). Năm 2016, Việt Nam tự sản xuất được vaccine phối hợp sởi-rubella phối hợp chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ 4 tại Châu Á có thể sản xuất vaccine phối hợp sởi-rubella sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
PGS.TS.Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho biết, bệnh sởi bùng phát rất nhanh. Những người chưa tiêm vacccin hoặc chưa mắc đều có khả năng mắc bệnh. Hiện bệnh sởi và rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vacccin sởi - rubella là cách duy nhất phòng bệnh. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin có thể đạt tới 95%.
Đối với rubela, mặc dù ở trẻ em bệnh thường nhẹ, ít biến chứng, nhưng bệnh lại rất nguy hiểm đối với người mang thai. Nếu phụ nữ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, đẻ non; trẻ sinh ra có thể mắc hội chứng rubella bẩm sinh (bao gồm các dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển... thậm chí đa dị tật.
“Bệnh sởi và rubella hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vacccin sởi, rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh 2 bệnh này”, PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.