Chiều tối ngày 3/11, UBND TP. HCM tổ chức họp khẩn với các ban ngành liên quan để bàn giải pháp chống dịch bệnh do virus Zika.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM, tính đến chiều 3/11, tại TP. HCM ghi nhận có 21 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 4 phụ nữ đang mang thai, ngoài ra còn 9 mẫu nghi nhiễm chờ kết quả xét nghiệm.
TP. HCM ghi nhận 21 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 4 phụ nữ mang thai
Trước đó 1 ngày, Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM công bố có 20 trường hợp nhiễm virus Zika thì ngay lập tức đã phát hiện thêm 1 ca mắc Zika và 9 bệnh nhân khác trong diện nghi ngờ với 11/24 quận huyện có ca bệnh. Ngành y tế cảnh báo nguy cơ virus Zika lưu hành và bệnh lan rộng trên toàn thành phố.
Điều đáng lo là trong 21 ca bệnh đã được xác định dương tính với Zika thì có 4 phụ nữ đang mang thai (1 người mang thai dưới 3 tháng). Trước đó, tại TP. HCM cũng đã ghi nhận trường hợp một thai phụ mang thai dưới 3 tháng bị nhiễm virus Zika ngụ tại quận 2. Sau đó, người mẹ đã chủ động chấm dứt thai kỳ vì sợ con mắc tật đầu nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống dịch Zika tại TP. HCM
Trước tình tình hình trên, Sở Y tế TP. HCM cho biết, ngoài việc tiếp tục triển khai lấy mẫu máu từ những người nghi ngờ mắc bệnh để thực hiện xét nghiệm, chủ động giám sát dịch bệnh, thì sẽ nhanh chóng ban hành quy trình theo dõi, chăm sóc thai phụ nhiễm Zika tại các bệnh viện sản khoa và Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu Sở Y tế phải khẩn trương báo cáo hàng ngày về ủy ban những vấn đề liên quan đến dịch do virus Zika để lãnh đạo thành phố kịp thời nắm bắt và chủ động triển khai những phương án chống dịch phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt, thành phố sẽ lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh sốt xuất huyết và virus Zika để ngăn chặn dịch bệnh gia tăng trong mùa mưa.
Để phòng dịch bệnh do virus Zika, Sở Y tế TP. HCM đưa ra khuyến cáo, người dân nên chủ động tự diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt tại nhà bằng những biện pháp gia dụng như bình xịt muỗi, nhang trừ muỗi, kem xua muỗi…Mọi người thực hiện diệt loăng quăng tại hộ gia đình, tại những nơi có nhiều vật chứa nước có khả năng phát sinh loăng quăng. Khi phát hiện người có dấu hiệu như sốt cao liên tục kèm theo một trong các triệu chứng: nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... phải nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh và thông báo cho trạm y tế địa phương. |