Bị tiểu đường ăn khoa sọ và miến dong không tốt
Đường huyết nhảy vùn vụt vì khoai sọ
Mới phát hiện mắc bệnh tiểu đường từ tháng 6 năm ngoái nên bà Nguyễn Thị Hinh (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) rất lo lắng. Bà lên kế hoạch ăn kiêng rất kỹ để đối phó với đường huyết trong cơ thể.
Bà Hinh được mọi người mách ăn nhiều khoai sọ, miến dong thì đường huyết giảm, tránh ăn đường và ăn nhiều cơm. Nhờ kinh nghiệm truyền tai này, bà Hinh đã thay đổi chế độ ăn của mình. Ngày nào bà cũng làm cả tô miến nấu vào buổi sáng. Để đảm bảo, bà Hinh còn nhờ người quen làm miến an toàn cho riêng mình.
Nagy Tết, bà chẳng dám ăn gì, quay đi bát miến nấu, quay lại bát canh khoai sọ. Lúc nào đói bà lại lấy hai thực phẩm này ra ăn. Đến khi đi khám, bác sĩ vẫn thấy đường huyết cao trên 15ml/mol. Bà Hinh cho biết mình chẳng ăn cái kẹo, cái bánh hay các thực phẩm khác. Bà chỉ ăn miến với khoai.
Lúc này, bác sĩ giải thích việc ăn miến hay ăn khoai chẳng khác gì việc bà ăn đường bởi thực tế trong miến và khoai đều có đường. Bà Hinh vô cùng ngỡ ngàng vì đây là chế độ ăn một người bị tiểu đường nhiều năm nay bảo bà và bà nghĩ nó tốt cho sức khoẻ của mình thật.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Cảnh trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng tương tự. Ông Cảnh bị tiểu đường mấy năm nay. Từ ngày bị tiểu đường, ông nói không với các loại thực phẩm có đường từ bánh kẹo cho đến trái cây có vị ngọt. Ông Cảnh chỉ dám ăn mấy quả ổi, quá táo. Trong bữa ăn, người nhà pha nước chấm hay nấu ăn cho đường là ông cũng không ăn vì sợ tăng đường huyết.
Tuy nhiên, ông lại nghiện ăn khoai vì nghĩ ăn khoai tinh bột không có vị ngọt như cơm nên tốt cho sức khoẻ của mình. Ăn kiêng rất kỹ nhưng đường huyết lúc nào cũng tăng cao. Thậm chí có thời gian ông phải tiêm insulin tại nhà để điều trị tiểu đường. Sau này, ông mới được bác sĩ giải thích kỹ về việc ăn nhiều khoai gây tăng đường huyết.
Rất nhiều bệnh nhân chưa hiểu về tiểu đường
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết Thái Hà cho biết ông gặp rất nhiều bệnh nhân tiểu đường hiểu sai rằng ăn đường gây ra tiểu đường. Ông Cường cho biết bản thân ông là bác sĩ nội tiết hơn 20 năm nhưng không hiểu sao người bệnh vẫn tin rằng ăn khoai sọ, khoa tây, miến dong làm giảm đường huyết. Nhiều người họ bỏ hết các thức ăn khác và chỉ ăn những món này nhưng đường huyết vẫn tăng cao.
Thạc sĩ Cường cho biết ăn khoa sọ, ăn miến dong chẳng khác nào ăn cơm bởi bản thân những chất này đều chứa đường, tinh bột.
Bệnh nhân tiểu đường thường được cảnh báo hoàn toàn tránh ăn đường, thậm chí có người còn nghĩ rằng ăn đường gây ra bệnh đường, điều này là quan niệm sai lầm.
Thạc sĩ Cường cho biết “Ăn khoai tây luộc còn làm tăng đường máu nhiều hơn so với ăn đường kính khi dùng cùng một số calo như nhau. Điều tương tự cũng xảy ra với việc ăn cơm và bột mỳ trắng”.
Về công thức hóa học mà nói, khi ăn đường từ quả chín, sữa, sẽ có ít đường glucose hơn so với ăn cơm, khoai sọ hoặc miến dong. Đường kính là loại đường đôi, được kết hợp bởi 1 phân tử đường glucose và 1 phân tử đường fructose. Đường sữa cũng là loại đường nối đôi gồm 1 phân tử đường glucose và 1 phân tử đường galactose. 75% đường trong quả chín là đường fructose và glucose.
Để cân đối bữa ăn của bệnh nhân, bác sĩ Cường cho biết khi ăn bất kể thứ gì trong bữa ăn các nhà khoa học đều tính đến khối lượng các chất carbonhydrat. Ví dụ: nếu muốn ăn thêm 10g mật ong chẳng hạn, hãy bớt đi lượng đường trong quả ngọt (1 quả chuối nhỏ) hoặc cơm tương ứng (1/3 bát cơm).
Bệnh nhân tiểu đường có thể được thưởng thức vị ngọt của đồ ăn thức uống. Tuy nhiên cũng cần nói rằng không nên lạm dụng ăn nhiều đường vì đường không phải là thực phẩm có nhiều chất bổ dưỡng, chúng cung cấp năng lượng nhưng thiếu đi vitamin, khoáng chất và chất xơ.