"Tôi có niềm tin: Ngồi vào vị trí giám đốc là một chuyện, nhưng trụ vững được ở vị trí đó hay không là chuyện hoàn toàn khác. Thành công hay giá trị của một người không phụ thuộc vào việc họ là ai mà phụ thuộc vào việc Họ Làm Được Gì" - Ngô Lan Chi - Giám đốc Chiến lược Công ty Đại Việt.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), xin gửi đến Lan Chi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công mới. Để bắt đầu, bạn hãy giúp chúng tôi hình dung: Giám đốc Phát triển Thương hiệu và Chiến lược đóng vai trò gì trong một công ty?
Là người phát triển thương hiệu, đầu tiên bạn phải xác định được giá trị cốt lõi của thương hiệu, xây dựng định vị thương hiệu và điều đặc biệt, người đó phải tạo ra được sự khác biệt vượt trội, độc đáo cho thương hiệu của mình để tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Điều đó sẽ giúp cho khách hàng nhận biết thương hiệu của công ty rõ ràng hơn trong vô số sản phẩm, thương hiệu khác trên thị trường.
Bạn cho rằng đây là nhiệm vụ dễ dàng hay đầy thách thức?
Câu trả lời dễ hay hay không dễ tùy thuộc vào sự yêu thích của mình đối với công việc.
Từ "yêu thích" đến "đạt được kết quả" thường phải vượt qua một khoảng cách khá xa...
Với tôi, trong công việc, chỉ cần có động lực, niềm tin và những người đồng hành OK là có thể làm được. Bởi vì khi đặt mục tiêu, nó phải được đặt ở một giới hạn có thể đạt được chứ không phải cao quá, ở một level chỉ tưởng tượng ra. Khi hoạch định chiến lược, mục tiêu chiến lược đó phải là những cái có thể thực hiện được, nằm trong tầm kế hoạch, nguồn lực, nhân sự... của công ty.
Video: Một Ngô Lan Chi của công việc
Điều mà tôi yêu cầu ở bản thân mình cũng như những người đồng hành là "cái tâm" và "thái độ nghiêm túc" trong công việc. Nếu không có hai điều ấy sẽ rất khó để cùng hợp tác làm việc với nhau lâu dài. Kiến thức chuyên môn và kỹ năng là thứ có thể đào tạo được, còn thái độ và cái tâm rất khó để nói là đào tạo được. Nó xuất phát từ bên trong bản thân mỗi người.
Với một Giám đốc Phát triển Thương hiệu, câu hỏi các bạn đã làm được những gì dường như là... quá dễ. Hãy cùng nói về thất bại đi, có thất bại nào khiến Lan Chi nhớ rõ nhất?
Lúc chưa trải nghiệm, chưa trải qua sóng gió, thông thường người ta dễ cho là mình đã trưởng thành cứng cáp. Thời gian đầu xây dựng thương hiệu cho công ty là lúc tôi vấp ngã vì đặt niềm tin sai nơi sai người. Nó khiến mình mất niềm tin vào chính mình và nhiều người xung quanh. Nhưng tôi nghĩ, vấp ngã là bài học gần như ai cũng phải trải qua.
Điều cần làm không phải là than trách về những gì đã xảy ra mà bản thân từ đó phải rút ra bài học, tự đứng lên, thận trọng hơn trong từng quyết định.
Tôi quan niệm, lỗi do bản thân mình, mình nhận thức được thì có thể sửa được. Còn nếu mình cứ đổ tại người khác thì mình không thể sửa cho người ta được.
Sau những trải nghiệm đó, bạn có giảm thiểu thất bại và gặt hái thêm thành công?
Tôi nghĩ, câu hỏi này nên để cho khách hàng, đối tác và cấp trên của tôi đánh giá thì sẽ khách quan hơn.
Bạn nhắc đến “cấp trên”, vậy chúng ta thẳng thắn với nhau nhé: Lan Chi là cháu gái của Chủ tịch công ty (tức là cấp trên của bạn), đúng không?
Đúng rồi! (Cười)
Đó là lợi thế hay áp lực, với bạn?
Chi cho rằng, là lợi thế hay áp lực, điều này nằm trong chính thực lực của bản thân mình. Đương nhiên, tôi vui mừng vì chú tôi là Chủ tịch, vì điều đó chứng tỏ chú tôi là người thành đạt.
Tôi hạnh phúc vì được góp mặt cùng chú trên con đường xây dựng công ty. Còn khó khăn hay áp lực, ở đâu cũng có áp lực. Những người xung quanh mình đều đang cố gắng, cho nên mình cũng phải không ngừng cố gắng, ngày một tốt hơn, để không bị bỏ lại hay làm ảnh hưởng đến người khác.
Tùy vào nhận thức và thực lực của bản thân mình, việc là cháu của chủ tịch, với tôi không phải là lợi thế hay áp lực cản trở gì cả.
Bạn đã bao giờ nhận được những ý kiến như: Nếu không phải cháu gái Chủ tịch, cô ấy sẽ không thể dễ dàng đạt được vị trí Giám đốc?
Thực ra là có. Chi biết mình may mắn hơn nhiều người và không phủ nhận việc nhiều người cho rằng mối quan hệ gia đình đã hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp của Chi. Nhưng tôi có niềm tin như thế này: Có thể ngồi vào vị trí giám đốc là một chuyện, nhưng trụ vững được ở vị trí đó hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.
Cái chính mình phải hiểu được, thành công hay giá trị của một người không phụ thuộc vào việc HỌ LÀ AI mà phụ thuộc vào việc HỌ LÀM ĐƯỢC GÌ.
Những việc Chi làm, đóng góp cho công ty, cùng với team đi lên... sẽ tự cho họ thấy được Chi làm được gì. Đa số những người nhận định: "Ngô Lan Chi chỉ là cháu gái của Chủ tịch" không phải người đã tương tác hay làm việc với tôi.
Trước khi trở thành Giám đốc Phát triển Thương hiệu, Lan Chi từng trải qua những vị trí nào?
Trước khi về Đại Việt, tôi từng có một thời gian dài làm việc ở bên ngoài. May mắn là tôi xác định được hướng mình muốn đi nên những công việc tôi làm đều có kiến thức và kinh nghiệm thực tế liên quan đến nền tảng truyền thông: cộng tác viết bài PR sản phẩm; cộng tác viên của Báo Hoa học trò.
Bước ngoặt quan trọng nhất là khi đang làm Planner (lên kế hoạch cho những sản phẩm của những nhãn hiệu nhỏ trong vai trò freelancer) thì tôi được nhận vào làm ở tập đoàn Bayer – một tập đoàn khá lớn. Trong khoảng thời gian 3 năm ở đây, tôi được học hỏi nhiều kiến thức. Tất cả những nền tảng đó đã cho tôi tự tin đảm nhận trọng trách ở Đại Việt vào năm 2015.
Năm 2015, khi ấy bạn mới 26 tuổi. Không có nhiều cô gái ở tuổi 26 được trao cho cơ hội trở thành Giám đốc. Chi có cho rằng tuổi tác đôi khi là yếu tố cản trở người ta nắm bắt cơ hội?
Xung quanh Chi có rất nhiều bạn trẻ đảm nhận chức vụ cao hơn Giám đốc khi tuổi còn ít hơn tôi nên tôi không nghĩ tuổi tác là cái gì đó hạn chế. Hạn chế là thứ bên trong con người tạo ra mà thôi. Dù bạn ít tuổi nhưng có đủ tự tin, đủ kỹ năng, nhanh nhạy học hỏi chuyên môn… thì người ta vẫn sẵn sàng trao niềm tin, trao quyền lẫn trách nhiệm cho bạn thử sức.
Bạn có một hình tượng hay một cá nhân nào đó mà bản thân muốn theo đuổi?
Tôi không theo đuổi một hình tượng nào cả vì tôi nghĩ rằng, bản thân mỗi người là độc nhất. Không nên vì một ai đó hay điều gì đó mà bỏ đi cái vốn có tự nhiên của mình. Nếu bản thân mình đã là độc nhất thì nên phát huy lợi thế độc quyền đó. Không nên rập khuôn để trở thành bản sao của người khác.
Với Lan Chi, cuộc sống hôn nhân hay khái niệm “người phụ nữ của gia đình” – có ý nghĩa như thế nào? Những điều đó có nằm trong “To do list” (Danh sách những việc cần làm) của Chi?
Nhiều người từng hỏi tôi giống vậy (Cười). Với tôi, hôn nhân là điều thiêng liêng và xúc động. Việc kết hôn và sống hạnh phúc với người mình yêu là điều mà hầu như người phụ nữ nào cũng mong muốn. Tôi cũng không phải ngoại lệ.
Nhưng với tôi, hôn nhân không phải một mục tiêu để phải có cho được hay phải lấy cho bằng được mà đó là một món quà. Đã là một món quà, nó sẽ đến vào lúc thích hợp nên tôi chưa từng đặt ra những gạch đầu dòng như mình phải cưới người như thế nào hay mình phải cưới vào lúc nào.
Các bậc phụ huynh có “sốt ruột” thay cho bạn không?
Có (cười).
Hầu như ai ở tuổi này cũng đều gặp tình trạng tương tự. Nhưng Chi tự tin mình có thể thuyết phục được bố mẹ vì mục đích cuối cùng của bố mẹ là muốn con mình được hạnh phúc.
Cảm ơn Lan Chi vì những chia sẻ thú vị.
Theo Bảo Trân (Khám phá)
No comments:
Post a Comment