Bệnh nhân là chị N.T.T. (28 tuổi), thường xuyên có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn, không muốn gặp gỡ tiếp xúc với người khác. Chị T. sống thu mình lại, tách biệt với xã hội. Tình trạng bệnh ngày càng nặng nên gia đình đã đưa chị tới điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức (Hà Nội).
Trước đó, theo lời kể của người nhà bệnh nhân, do đã gần 30 tuổi nhưng chị T. vẫn chưa lấy chồng. Bị nhiều người hỏi chuyện chồng con, thậm chí trêu đùa, bàn tán nên chị T. bị áp lực đè nén bèn nảy sinh ý nghĩ tìm đến cái chết để giải thoát.
Nghĩ là làm, vì quá áp lực, chị T. luôn có suy nghĩ rời bỏ cuộc sống, tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời mình. Người phụ nữ này đã treo cổ tự vẫn, nhưng may mắn được mọi người phát hiện cứu sống. Sau đó khi thoát chết, chị T. tiếp tục phải chịu những ảnh hưởng, sang chấn tâm lý nặng nề và đã được đưa đến BV điều trị.
BS. Nguyễn Quốc Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lúc nào cũng muốn chết để giải thoát, vì không chịu được áp lực cuộc sống. Đáng buồn là áp lực này lại đến từ chính người thân, bạn bè xung quanh.
Áp lực cuộc sống đè nặng vì chuyện chồng con khiến người phụ nữ gục ngã, tự tử. Ảnh minh hoạ.
Theo bác sĩ Thắng, chị T. được chữa bệnh, theo dõi trong vòng 2 năm liên tục. Các bác sĩ áp dụng đủ mọi liệu pháp để chữa trị cho bệnh nhân từ tâm lý tới hóa chất như: Ngồi thiền, thôi miên, ám thị, uống thuốc, kết hợp điều trị tâm lý, cùng gia đình - người thân tác động an ủi.
Đến nay, bệnh nhân đã khỏi bệnh và chấp nhận cuộc sống hiện tại của mình và đã từ bỏ ý nghĩ tự sát, kết thúc cuộc đời như trước đây. Bệnh nhân đã vui vẻ trở lại và cho biết thấy cuộc sống còn nhiều điều ý nghĩa, sớm hoà nhập cộng đồng.
"Một điều vui mừng nữa là sau khi ra viện, vượt qua áp lực tâm lý, chị T. đã lập gia đình và có một cuộc sống hạnh phúc cùng chồng và 3 con (2 gái 1 trai)"- BS. Thắng phấn khởi nói.
Từ ca bệnh này, chuyên gia tâm thần cũng khuyến cáo, những bệnh nhân tâm thần cần được đối xử tốt và quan tâm đặc biệt để họ nhanh chóng khỏi bệnh, hòa nhập với cuộc sống thường ngày. Mọi hành vi kỳ thị, gây kích động với người bệnh tâm thần đều có thể khiến họ có những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới khả năng hồi phục.
Người thân và dư luận xã hội cũng không nên tạo áp lực không đáng có với người khác, đôi khi đơn giản chỉ là lời hỏi thăm xã giao nhưng vô tình lại gây stress, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người đối diện dẫn đến những hành vi đáng tiếc, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng.
No comments:
Post a Comment