Mới đây, một phụ huynh trẻ đã đăng bài vào một cộng đồng giáo viên Tiểu học trên facebook để hỏi ý kiến về bài tập mà cô con gái lớp 3 phải làm khi đi học. Câu hỏi được đưa ra là: Trong từ "gia đình", tiếng "gia" có nghĩa là "nhà". Khoanh vào những từ có tiếng "gia" mang nghĩa là "nhà" trong các từ sau. Các đáp án được đưa ra là: gia cảnh, gia súc, gia sư, gia giảm, gia cầm.
Con của vị phụ huynh này đã lựa chọn khoanh tròn từ "gia cảnh", "gia súc", "gia sư" và "gia cầm". Tuy nhiên, cô giáo chỉ chấm đúng cho đáp án "gia cảnh", 3 từ còn lại cô giáo đều gạch sai. Cảm thấy khó hiểu, vị phụ huynh bèn hỏi ý kiến của cộng đồng giáo viên Tiểu học xem tại sao cô giáo lại chấm con mình sai.
Bài tập Tiếng Việt đang gây tranh cãi
Đáp lại câu hỏi của người mẹ trẻ, nhiều người đưa ra ý kiến trái chiều. Phần đông khẳng định trong trường hợp này cô giáo đã sai, không cần bàn cãi. Nhưng vẫn có nhiều bình luận cho rằng cô đúng, bởi "gia sư" là một nghề nghiệp, "gia súc", "gia cầm" là chỉ các con vật nên không liên quan gì đến "nhà".
Nhiều người khẳng định cô giáo sai, học sinh đúng
Trao đổi về bài tập này, cô giáo Nguyễn Thị Thìn - giáo viên dạy Văn có kinh nghiệm gần 20 năm luyện thi học sinh giỏi Thành phố Hà Nội - cho rằng, nếu có sự thực về một bài tập như vậy thì cô đã chấm sai. Xét theo nghĩa Hán Việt, ta có ý nghĩa khi tách biệt từ tiếng như sau:
* "Gia súc" = "Gia" (nhà) + "Súc" (con vật) => "Gia súc" nghĩa là "con vật được nuôi trong nhà".
* "Gia cầm" = "Gia" (nhà) + "Cầm" (chim) => "Gia cầm" nghĩa là "các loại chim được nuôi trong nhà".
* "Gia sư" = "Gia" (nhà) + "Sư" (thầy) => "Gia sư" nghĩa là "thầy dạy học ở nhà".
Như vậy trong cả 3 từ trên, tiếng "gia" đều có nghĩa là "nhà" và là đáp án chính xác.
Do đó, nếu hình ảnh về bài tập Tiếng Việt này là vụ việc thật sự xảy ra thì cô giáo đã sai trong trường hợp này. Tuy nhiên, do bài viết chỉ đăng tải hình ảnh bài đã chấm mà không kèm theo thông tin trường lớp nên có một vài người nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện và đặt câu hỏi tại sao vị phụ huynh trên không hỏi trực tiếp giáo viên chấm bài để làm rõ. Đáp lại những thắc mắc này, người đăng bài cho biết là "vì ngại nên không hỏi lại cô giáo".
No comments:
Post a Comment