Âm thầm nhiều năm nhặt xác thai nhi
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thơm - người gốc Bắc, theo gia đình trôi dạt vào Nam sinh sống từ khi còn nhỏ. Ban ngày, chị làm công nhân với mức lương 3-4 triệu/ tháng tại một xưởng giày, buổi chiều và tối, chị đến các phòng khám, bệnh viện, nhận xác thai nhi rồi đem về tập trung tại nhà thờ giáo xứ Tây Hải (thành phố Biên Hòa - Đồng Nai). Cứ mỗi tháng, số xác thai thi này sẽ được chị cùng “lũ con” của mình tắm rửa, trang điểm, gói ghém cẩn thận để chôn cất.
Hành trình nhặt xác thai nhi của chị bắt đầu từ những ngày chồng chị mới bị bắt đi tù. Chồng chị bán ma túy, bị bắt và bị kết án 7 năm tù. Sau khi chồng đi tù, hai đứa con cũng mải chơi. Cô đơn, chị có ý nghĩ phải làm việc gì đó bù đắp cho sự thiếu hụt này. Chị bắt đầu lân la các phòng khám, bệnh viện để tìm hiểu về những xác thai nhi bị vứt bỏ.
“Khi chồng đi tù, tôi rất buồn, cô đơn. Sau mỗi buổi chiều đi làm về, không còn phải nấu cơm, hay phục vụ ai, tôi liền gọi mấy đứa “giang hồ” chợ đêm chở đến các phòng khám, bệnh viện. Ban đầu tôi cố tìm hiểu, xem vì sao mà có quá nhiều xác thai nhi được đưa về nhà thờ Tây Hải mỗi ngày”, chị Thơm kể.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thơm.
Thai nhi đầu tiên chị tiếp xúc là xác một em bé đã được qui tụ về nhà thờ Tây Hải. “Lần đầu tiên cầm cái thân thể bé xíu đựng trong một lọ nhựa nhỏ xíu trên tay, tôi cảm giác như có trái tim đang đập trên tay mình. Nhiều cảm xúc hỗn loạn lắm. Thế là sau lần đó, mỗi chiều tan ca, tôi lại gọi lũ con “giang hồ” chở mình đi nhặt xác thai nhi” - chị Thơm bùi ngùi nhớ lại.
Theo lời chị Thơm, trên địa bàn thị xã Biên Hòa, có khoảng 40 phòng khám thai tư nhân. Số phòng khám không tăng nhưng số lượng xác thai nhi ngày một tăng.
“Năm đầu tiên tôi đi nhặt, trung bình một tháng chỉ có khoảng 200 xác, đến những năm sau cứ tăng dần lên, có thời điểm lên tới hơn 500 xác, đỉnh điểm là tháng cuối năm 2017 vừa rồi, số xác thai nhi lên tới hơn 1.000” - chị Thơm kể.
Để tiếp cận được xác thai nhi đem về chôn cất cũng không phải chuyện đơn giản. “Có những phòng khám bế quan tỏa cảng không cho người lạ vào. Họ thường xả xác đó theo nước cống. Y tá nào có tâm thì lén cho vào bịch nilon đen, treo ở một chỗ khuất nào đó rồi gọi tôi đến lấy. Cũng có những phòng khám rất niềm nở. Họ còn gửi thêm tiền nhang, khói cho các con”.
Hỏi chị vì sao công việc vất vả lại không kiếm ra tiền mà chị vẫn đeo đuổi, trong khi chị có thể đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, chị Thơm bảo, với mức lương công nhân, chi tiêu tằn tiện vẫn đủ. Còn việc nhặt xác thai nhi không chỉ khiến chị cảm hóa được hai đứa con trai mà còn qui tụ được hơn 20 giang hồ “choai choai cộm cán” khác, khiến chúng trở nên lương thiện hơn.
Các thai nhi được mang đi chôn cất.
Cuộc đời buồn của người đàn bà tốt bụng
Chồng bán ma túy bị đi tù, hai con trai quậy phá. Con trai lớn “đập đá”, con trai bé ham đua xe, khiến chị Thơm hết sức đau lòng. Nhưng từ khi đi gom xác thai nhi, hai con của chị thay đổi hẳn.
“Chúng giành việc với tôi, kêu mẹ để con đi thay mẹ. Sau khi trực tiếp cầm trên tay (không đi bao tay) các thai nhi nhỏ xíu, hai đứa con tôi thay đổi nhiều. Chúng biết quý trọng sự sống hơn, bớt chơi bời và ngoan hơn rất nhiều. Hai thằng đều làm bạn gái có bầu khi tuổi còn rất trẻ, trong đó có một cô bé bị mẹ bắt bỏ thai. Tôi đã can thiệp kịp thời, bỏ đi sĩ diện để mong hai bé gái giữ thai lại. Tôi nhận hai bé làm dâu con, nhận cháu... Chính việc làm đó khiến hai con tôi thay đổi và ngoan hơn rất nhiều”, chị Thơm kể.
Ngoài hai con trai, sau 6 năm, chị Thơm còn kêu gọi được hơn 20 thanh niên quậy phá làm công việc nhặt, tắm rửa và chôn cất xác thai nhi cùng mình.
Chị Thơm bên các con mình.
“Chúng đều là những đứa trẻ thất học, thiếu thốn tình cảm cha mẹ, kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay ở chợ đêm Tân Biên. Tiền kiếm được cũng nhiều nhưng ăn chơi đập phá cũng nhiều, uống rượu lên thấy ai ngứa mắt cũng đánh... Tôi muốn đưa chúng đi cùng để chúng biết trân trọng sự sống, dần dần bớt quậy phá. Tôi nhận ra không thể thủ thỉ khuyên nhủ mà phải dùng biện pháp mạnh với chúng. Chúng đi đánh lộn, tôi cũng vác dao đòi theo. Sợ mẹ bị chém chết, thế là chúng buông dao, buông kiếm ngay” - Chị kể bí quyết chinh phục đám thanh niên quậy phá mà chị thường gọi đùa là “lũ quỷ”.
Chị kể, chúng đều thiếu thốn tình cảm nên chị coi những đứa trẻ giống như con mình được sinh ra. “Nhiều khi nhà không còn tiền, mấy chục đứa với má ăn chung nồi cơm có chén nước mắm thôi mà vẫn vui. Các con uống rượu, tôi cũng uống rượu, đi bar tôi cũng đi bar.
Ở gần với chúng mới thấy chúng thiếu thốn đủ thứ. Ban ngày bố mẹ đi làm, buổi tối bố mẹ có nhà, chúng lại đi làm, có khi thiếu ăn, thiếu được tâm sự thủ thỉ với cha mẹ. Còn tôi lúc nào cũng sát cánh bên tụi nó, có khi cả đêm ở ngoài chợ cùng, thức cùng nhau uống rượu, tâm sự chia sẻ với tụi nó, chia sẻ với nhau từ gói mì tôm, quả trứng. Có lẽ chúng cảm nhận được tình mẫu tử ở tôi nên đều tự nguyện gọi tôi là má”.
Đem đến hạnh phúc cho người khác, cảm hóa nhiều số phận nhưng đời sống riêng của chị Thơm lại có nhiều u uẩn.
Chồng đi tù, đẩy cuộc sống của ba mẹ con rơi vào cảnh túng quẫn. Chị xin đi làm công nhân để nuôi con. Với số tiền lương ít ỏi, ba mẹ con sống tằn tiện. Chị kể, trong nhà chị vỏ mì gói và vỏ chai nước tương chất đầy, đủ để gom bán ve chai.
“Đói còn chịu được, còn chạy ăn được nhưng nhục nhã thì không ai chịu được. Có thời điểm nhà hàng xóm bị mất trộm con chó, họ nghi cho ba mẹ con tôi, vì đói quá bắt và giết thịt ăn nên họ đứng cửa chửi đổng. Thực sự lúc đó biết họ đang chì chiết mình mà không thể làm gì được. Chỉ biết sống ngày một tốt đẹp hơn cho họ có cái nhìn khác về mình”- chị ngậm ngùi nhớ lại.
Từng sống trong tủi cực, túng quẫn chờ chồng mãn hạn tù trở về, vậy mà đến khi được đoàn viên, chị Thơm tiếp tục đón nhận nỗi đau khi chồng ở bên mà tâm trí anh để ở người phụ nữ khác. Chị Thơm kể, thời gian đầu mới ra tù, để giúp anh khuây khỏa, chị rủ anh tham gia công việc nhặt xác thai nhi cùng chị. Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất đối với chị Thơm. Mỗi ngày chị đi làm công nhân, chiều về hai vợ chồng chở nhau đi gom xác, về nhà nấu nướng, ăn cơm cùng nhau. Hỏi chị, hạnh phúc là gì. Chị trả lời không thể đơn giản hơn.
“Với tôi hạnh phúc nhất có lẽ là sau khi cả nhà quây quần ăn cơm tối xong, trong lúc tôi đang dọn dẹp thì chồng và hai đứa con trai ngồi coi tivi hay ngồi hát hò gì đó với nhau. Tôi luôn mong tối nào cũng được thấy cảnh đó”, chị Thơm cho biết. Nhưng hạnh phúc đơn giản đó chị vẫn không có được.
Dù vậy chị vẫn luôn là người độ lượng khi chia sẻ: “Đàn ông người ta năm thê bảy thiếp là chuyện không hiếm, chỉ phụ nữ mình là nên ý thức trong mọi mối quan hệ, nhất là đừng để có thai. Lỡ có thai rồi thì dám chịu trách nhiệm với hành động của mình, đừng tự tay giết đi giọt máu của mình với người đàn ông mình yêu thương”.
Vượt qua màn đêm, mưa gió,… hàng ngày, những tình nguyện viên vẫn rong ruổi trên khắp con phố để lượm nhặt thai nhi bị từ chối sự sống từ trong bụng...
Theo Châu Mỹ (Cảnh sát toàn cầu)
Let's block ads! (Why?)