Nghìn lẻ lý do để cho con
Chẳng khó khăn gì để tìm ra một vài diễn đàn “cho và nhận con nuôi” trên mạng internet. Ở đó, người cho con cũng nhiều mà người nhận cũng không phải là hiếm… Trong vai một người hiếm muộn xin nhận con nuôi, chúng tôi có liên hệ với số điện thoại đăng tin cần cho con trên một diễn đàn mạng.
Sau một vài câu hỏi như: Anh có sẵn sàng làm bố chưa? Anh làm nghề gì? Có đảm bảo được cuộc sống cho bé không? Hay, vì sao anh lại quyết định nhận con nuôi? Khi đã đủ độ tin cậy, đầu dây bên kia tự giới thiệu mình tên H, quê ở Lào Cai. Hiện H đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
“Em với anh ấy đã về ở chung với nhau được hơn 1 năm nay, chuyện của chúng em cả hai gia đình không ai biết cả. Gần đây em phát hiện mình đã có bầu với anh ấy và có nói thì anh ấy lặn mất tăm. Một mình em ở đây biết làm thế nào, về nhà thì sợ bố mẹ, sợ danh dự của cả gia đình bị mất.
Cái thai thì ngày một lớn hơn, bác sĩ bảo phá bây giờ nguy hiểm lắm, em cũng không muốn phá. Nếu anh thực tâm muốn giúp em thì giữ kín cho em, cho em chút kinh phí để nuôi thai đến khi sinh. Chứ bây giờ em khó khăn lắm, lại còn đi học nữa” – H ngậm ngùi nói.
Một diễn đàn cho và nhận con nuôi thu hút hàng nghìn người theo dõi.
Những trường hợp giống như cô bé H không phải là hiếm trên các diễn đàn mạng, có quá nhiều tin rao tìm người nhận con nuôi. Đại khái như: “Cháu đang có nhu cầu tìm gia đình nhận con nuôi, thai đã 35 tuần tuổi, bé trai khỏe mạnh, có giấy xét nghiệm sức khỏe, siêu âm và được khám định kỳ.
Ai có nhu cầu thì gọi trực tiếp em qua số 0166299xxx vì lý do em không tiện nói ở đây”… hay “Em là công nhân làm ở khu công nghiệp, đang mang bầu 24 tuần nhưng không thể kết hôn vì điều kiện công việc của bạn trai. Gia đình hai bên cũng chưa biết gì, em thì không muốn bỏ con, em muốn tìm gia đình thực sự yêu thương bé…”.
Sau những cuộc điện thoại có vẻ mùi mẫn, ôn nghèo kể khổ thì còn một số cuộc trao đổi khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Lần theo một số điện thoại khác với dòng trạng thái “có người bạn thân muốn cho con”, đầu dây bên kia trả lời với giọng tỉnh bơ, có phần hơi chợ búa: Anh chị ở đâu? Làm nghề gì? Cần con trai hay con gái, bé bao nhiêu tháng tuổi…. Tôi tỏ ra e dè trả lời, làm công chức bình thường, hai vợ chồng lương chỉ trên dưới 10 triệu/tháng và cần xin một bé trai.
Người này tiếp lời luôn: “Thế cũng tạm tạm rồi, nhưng em nói trước bạn em nó hoàn cảnh khó khăn lắm, lại đang đi học nên rất cần tiền. Nếu muốn nhận cháu chắc anh chị phải lo cho nó tiền ăn ở, viện phí cho đến khi sinh nở, đồng thời thêm cho nó 30 triệu để lo cuộc sống. Anh chuyển khoảng 10 triệu trước, sau này nhận con thì đưa nốt cũng được”.
Nghe đến đây chúng tôi không khỏi choáng vì cách nói chuyện của người này chẳng khác nào một con buôn. Sau khi từ chối đầu dây bên kia không quên buông lời miệt thị: “Thế mà cũng đòi có con!”
Việc cho và nhận con nuôi diễn ra hết sức đơn giản mà không có ai quản lý.
Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo
Lần theo số điện thoại của một số người đã từng xin nhận con nuôi mới thấy “công cuộc” xin con trên mạng của họ cũng thật lắm gian nan. Chị Bùi Thị H (Nông Cống, Thanh Hóa) cho hay: “Tôi lập gia đình được 10 năm mà không sinh được con, gia đình chồng gây khá nhiều sức ép. Hai vợ chồng bàn với nhau là đi đâu đó sinh sống một thời gian và nói dối là đang có bầu. Vậy là chúng tôi lên Hà Nội tìm việc làm, sau khoảng 4 tháng thì báo với gia đình là đã có bầu 3 tháng. Chúng tôi đã đăng tin cần nhận con nuôi của người đang mang thai 3 tháng. Ngay khi đăng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tuy nhiên người thì ở xa quá, người thì đòi bồi dưỡng cao quá. Người thì môi giới nên phải chờ đợi rất lâu, đồng thời đưa ra giá không phù hợp…”.
Gần đây, chị H mới quyết định đồng ý xin con của một bạn sinh viên tại Hà Nội. Vợ chồng chị đưa bạn sinh viên này về nhà chăm sóc tới khi sinh con, hai bên đã thống nhất sau khi sinh sẽ bồi dưỡng cho mẹ đẻ 5 triệu đồng. Để phòng trường hợp sau này bạn sinh viên đòi lại con, chị H đã lên kế hoạch làm hồ sơ, thủ tục sinh đẻ, tất cả đều lấy tên tuổi, địa chỉ của chị. Khi sinh bé, chị H sẽ giao tiền và đón cháu về.
Còn hoàn cảnh chị Lê Thu M (Kim Sơn, Ninh Bình) căng thẳng hơn rất nhiều. Chị M đã lấy chồng được 5 năm, đi khám bác sĩ có nói vợ chồng chị rất khó sinh con vì tinh trùng của chồng quá yếu. Hai vợ chồng đã đi làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần nhưng không thành. Hai vợ chồng lại quyết định tìm một bạn sinh viên đang có bầu và nói với gia đình là nhờ người mang thai hộ.
Bi kịch nối tiếp bi kịch, khi siêu âm, thai nhi của bạn sinh viên này lại có quá nhiều dị tật nên đành phải phá bỏ. Lúc này hai vợ chồng chị M rơi vào trạng thái suy sụp và vô cùng căng thẳng. Trên một diễn đàn “cho và nhận con nuôi” chị M có viết: “Cầu mong ai đó đọc được hoàn cảnh éo le này của tôi… Ai đó đang mang bầu phù hợp với hoàn cảnh này thì gọi lại cho mình nhé. Mình sẽ lo từ a đến z, tiền nong không còn quá quan trọng nữa, việc gấp lắm rồi”.
Với việc đưa ra giá tiền để nhận cháu bé thế này chẳng khác nào đây là một cuộc giao dịch hàng hóa.
Cũng không ít những câu chuyện cười ra nước mắt của những người đi xin con trên mạng. Như câu chuyện của chị có tên tài khoản “Anh Hong”, chị viết: “Tôi là một phụ nữ đơn thân, tôi thèm tiếng trẻ con khóc, thèm cảm giác được làm mẹ. Mới đây, tôi có tìm được một phụ nữ đang mang bầu và muốn cho con sau khi sinh, tôi đã quyết định đón cô ấy về nuôi. Bao công tôi chăm sóc cả hai mẹ con, khi cô ấy sinh con tôi vui mừng khôn xiết.
Thế rồi sinh con xong, người phụ nữ ấy đã quyết định không giao bé cho tôi nuôi. Cô ấy bảo, cô vốn là gái bán dâm, ban đầu cũng có ý định cho con nhưng 9 tháng mang nặng đẻ đau cô ấy nhận ra rằng chẳng có gì quý bằng tình mẫu tử. Cô ấy nói vậy tôi còn gì để nói nữa… Số phận tôi nó thế rồi”.
Chỉ cần lướt trên các diễn đàn, đọc các comment và trạng thái đủ thấy việc cho, nhận con là quá đơn giản. Chưa biết thực hư việc cho và nhận con thế nào nhưng nó là hồi chuồng báo động về lối sống dễ dãi của các bạn trẻ. Đồng thời nó là “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng mua bán trẻ em hoạt động.
Tất cả những trường hợp từng nhận con trên mạng đều cho rằng họ gặp rất nhiều “còn mồi” với các chiêu vòi tiền môi giới, tiền bồi dưỡng tới cả vài chục triệu. Thậm chí có người mẹ bán con đến 5 lần, gần đây lại phát hiện bị nhiễm HIV. Ngược lại, với những người cho con thì phải xác minh rõ người nhận nếu như không muốn con mình rơi vào tay kẻ buôn bán trẻ con trá hình.
Theo quan sát của chúng tôi, tất cả các dòng trạng thái “cho con nuôi” đều có ghi: “cần những người thật tâm và tùy tâm bồi dưỡng”. Tuy nhiên, liên lạc với 10 người thì có tới 7 người ra giá để nhận được cháu bé về nuôi. Chính vì thế đã có rất nhiều ý cho rằng nhiều diễn đàn lập ra với mục đích bán con chứ không phải thật tâm muốn cho con.
Anh Nguyễn Minh Thanh đăng một dòng trạng thái trên diễn đàn “Cho và nhận con nuôi” có nội dung: “Mình thực sự hoài nghi với hình thức này, đơn giản vì không có ai đứng ra đảm bảo đây là môi trường chuẩn với những người có nhu cầu thật. Họ có thể chỉ là những người đứng ra môi giới, ăn hoa hồng, cũng có thể là những người đi xin con nhưng thực là đi mua sau đó bán lại cho người khác cần hơn. Thiết nghĩ, nếu có nhu cầu xin con hay đến các bệnh viện, các trung tâm sẽ đảm bảo hơn rất nhiều”.
* Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Iterlia cho biết:
Theo quy định của pháp luật thì khi đăng ký việc nuôi con nuôi, bên cho, bên nhận con nuôi phải có mặt; nếu người được nhận làm con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên, thì cũng phải có mặt...
Về trình tự đăng ký việc nuôi con nuôi, người nhận con nuôi phải trực tiếp nộp hồ sơ nhận con nuôi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký việc nuôi con nuôi.
Trước khi đăng ký việc nuôi con nuôi, cán bộ Tư pháp hộ tịch phải kiểm tra, xác minh kỹ về tính tự nguyện của việc cho và nhận con nuôi, tư cách người nhận con nuôi, mục đích người nhận con nuôi.
Trong khi đó, việc cho và nhận con nuôi thông qua mạng Internet như trên hầu hết đã bỏ qua toàn bộ quy định này, sẽ không tránh khỏi những rủi ro. Hơn nữa, việc cho nhận con nuôi nếu không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, thì sau này việc làm khai sinh cho đứa trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa nói đến việc những người nhận con nuôi sẽ bị các đối tượng môi giới, cò mồi, lật lọng đòi lại đứa trẻ để rao bán cho người khác kiếm lời.
|
Từng sinh sống nhiều năm tại Trung Quốc, đối tượng Cụt Thị Đào (28 tuổi, trú tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) thường về quê dò...
Theo Phong Anh (Cảnh sát toàn cầu)
Let's block ads! (Why?)