Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ8/3, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị với Nguyễn Mai Tuyết Dung - nữ phi công 9X đầu tiên của Việt Nam hiện đang là Cơ phó Hãng hàng không Vietjet.
Nguyễn Mai Tuyết Dung - nữ phi công 9X đầu tiên của Việt Nam
Phi công lâu nay vốn là công việc dường như được mặc định dành cho nam giới, vì sao bạn lại chọn công việc có vẻ khá ngược với dung mạo nhẹ nhàng, nữ tính của mình vậy?
- Bạn có tin là nghề chọn người không, mình chính là ví dụ. Khi học cấp 3, ước mơ của mình là trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh nên mình đã thi đậu ĐH Sư Phạm TPHCM, khoa Sư phạm Anh. Sau khi tốt nghiệp, mình nộp đơn xin việc vào Bay Việt – Trường đào tạo phi công cơ bản và trở thành giáo viên ở đây.
Công việc chính của mình là phụ giúp các thầy cô thiết kế bài giảng và tổ chức thi cử cho các bạn trẻ mới vào học ngành phi công. Sau một thời gian làm việc, mình nhận ra mình có hứng thú đặc biệt với công việc của một phi công dân dụng chuyên nghiệp nên mình đã lên kế hoạch để theo đuổi. Và mình đã nghiêm túc thực hiện ước mơ thứ hai này, thi đậu và trải qua những kỳ huấn luyện khắt khe và trở thành một nữ phi công như bạn thấy.
Thực sự nghề đã chọn mình và mình thấy rất thú vị vì đã được lựa chọn.
Tuyết Dung tự tin trong khoang lái máy bay cùng đồng nghiệp nam giới
Là nữ phi công, liệu bạn có gặp gì bất lợi hay khó khăn hơn so với phi công nam không, vì sao tỷ lệ nữ phi công trên thế giới cũng như Việt Nam lại ít ỏi vậy ?
- Thiệt thòi lớn nhất của mình là sức khoẻ. Do mình không dai sức nên khi số chuyến bay tăng, mình muốn bay nhiều giờ hơn nhưng phải nhường cho các bạn nam để đảm bảo sức khỏe.
Vì ngành ít nữ giới, nên mình nhận được nhiều ánh mắt “quan tâm" từ người khác. Mọi khuyết điểm của mình đều dễ bị người khác để ý. Nhưng mình không coi đó là một khó khăn. Mình coi đó là một thử thách giúp cho mình có động lực để phấn đấu nhiều hơn và trở nên hoàn thiện hơn. Nhưng nữ giới làm nghề này cũng nhiều ưu điểm như sự chăm chút và cẩn trọng, đó là những đặc tính rất cần thiết cho công việc cần tính chính xác tuyệt đối này. Mặc dù ở Việt Nam hay thế giới phi công nữ còn ít ỏi hơn phi công nam nhưng mình tin rằng trong tương lai tỉ lệ này sẽ có sự thay đổi lớn nghiêng về đội nữ (cười).
Tuyết Dung cùng phi hành đoàn đều là nam giới
Quan điểm của xã hội Việt Nam từ xưa tới nay vẫn luôn xây dựng hình ảnh phụ nữ nên là người chăm sóc gia đình, nếu có đi làm cũng chỉ nên chọn một công việc an nhàn. Quan điểm của bạn về vấn đề trên như thế nào?
- Mình tôn trọng quan điểm của ông bà ta từ xưa cho tới quan điểm của mọi người về phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày nay. Mỗi một quan điểm đều có những điểm đúng và có những điểm cần thay đổi để phù hợp hơn với thời hiện tại. Còn quan điểm của riêng mình thì dù là phụ nữ đi làm hay ở nhà thì trong một gia đình thì luôn phải có người xây nhà và người còn lại xây tổ ấm, vì hai công việc này đều quan trọng ngang nhau. Nhưng mình nghĩ điều đó không có nghĩa là đàn ông chỉ chăm chăm xây nhà còn đàn bà thì chỉ cắm mặt xây tổ ấm.
Mình tin rằng người phụ nữ nào cũng có hoài bão của riêng họ, và người đàn ông nào cũng thích được đón đưa và nô đùa với con trẻ sau những giờ làm việc căng thẳng. Vì vậy, hạnh phúc bền vững thực sự đến từ sự thương lượng, đồng ý, và chia sẻ lẫn nhau từ cả 2 phía. Nếu tất cả những gì bạn làm qua ngày chỉ là trách nhiệm, dần dần sẽ biến thành gánh nặng.
Hình ảnh đời thường của Dung
Người ta thường nói rằng, phụ nữ muốn hạnh phúc thì đừng nên mạnh mẽ quá. Phụ nữ mạnh mẽ quá thì sẽ không ai yêu. Là một người phụ nữ khá là độc lập và cá tính, bạn thấy quan điểm này như thế nào và làm thế nào để làm một người phụ nữ có thể hạnh phúc trong xã hội hiện đại, hạnh phúc của bạn hiện nay là gì?
- Cá nhân mình cho rằng đó chỉ là định kiến. Phụ nữ mạnh mẽ và độc lập hay như thế nào cũng đều xứng đáng hạnh phúc. Và phụ nữ muốn hạnh phúc thì phụ nữ nên đi tìm hạnh phúc.
Đầu tiên bản thân người phụ nữ phải tự xoá bỏ định kiến về bản thân họ. Nếu các bạn tin rằng rửa đống chén bát kia hiển nhiên là nghĩa vụ của một mình bạn, rồi bạn tin rằng phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, và bạn cho rằng bạn trai phải là người chi trả cho những buổi hẹn hò... thì thôi bạn đừng hy vọng người khác cho bạn tự do và hạnh phúc. Bản thân bạn phải tin rằng cuộc sống nằm trong tay bạn và sau này bạn dạy con em mình rằng con gái cũng có thể đá banh và con trai cùng cần biết nấu ăn.
Cô cho rằng: Phụ nữ muốn hạnh phúc thì phụ nữ nên đi tìm hạnh phúc.
Nhiều người đàn ông đang lên tiếng mạnh mẽ rằng yêu chiều phụ nữ là dấu hiệu của bất bình đẳng giới. Là một cô gái mạnh mẽ và cá tính, không hiểu ngày 8/3 của bạn thường diễn ra như thế nào, bạn có “đòi quà” không?
Yêu chiều không phải là dấu hiệu của bất bình đẳng giới. Yêu chiều là một biểu hiện của yêu thương. Không phải chỉ có người đàn ông mới yêu chiều phụ nữ, mà phụ nữ cũng thường chiều chuộng người đàn ông của mình. Dung nghĩ điều quan trọng nhất trong bình đẳng giới là sự hiểu ý và tôn trọng lẫn nhau. Là đàn ông, đừng mời bạn gái về nhà ăn cỗ và bắt cô ấy rửa chén. Và là phụ nữ, đừng bắt đàn ông trả tiền cho mọi buổi hẹn hò.
Còn chuyện tặng quà. Không hiểu từ bao giờ ngày 8/3 trở thành ngày quốc tế đàn ông tặng quà? Ngày 8/3 là ngày phụ nữ đòi quyền bình đẳng, không phải là ngày chúng ta....đòi quà.
Media và marketing đã kiến cho người người, nhà nhà nghĩ rằng ngày này là ngày đàn ông phải móc túi ra để "tri ân" những người phụ nữ của họ. Nhưng thật lòng, ở xã hội hiện nay có ai thật sự nghiêm túc nghĩ về bình đẳng giới?
Tại sao con gái thì lại bị đánh giá khi về nhà sau 10h tối, còn con trai thì không? Tại sao sau khi ly dị thì người chồng trở thành người đàn ông tự do, còn người vợ thì trở thành “người mất giá”? Tại sao người phụ nữ thứ ba chen vào hạnh phúc của gia đình khác thì bị xã hội gọi là “hồ ly tinh”, còn người chồng kia thì là hào hoa đa tình?
Với Dung thì Dung không phụ thuộc vào người đàn ông nào để có quà 8/3. Vì 8/3 là ngày của phụ nữ tự xây nên để đánh dấu, đòi hỏi một sự công nhận. 8/3 không phải để đòi hỏi một sự ban phát.
Không những là một cô gái xinh đẹp, Dung còn rất cá tính
Có thể độc giả rất tò mò không hiểu cuộc sống phía sau khoang lái máy bay của một nữ cơ trưởng sẽ như thế nào, bạn có thể chia sẻ một chút được không?
- (Cười tươi), ồ, rời khoang máy bay thì mình cũng như các bạn gái khác cùng trang lứa thôi. Những ngày nghỉ, mình cố gắng giúp mẹ công việc nhà, vì những ngày mình đi bay thì mình đã để mẹ một mình với bao lo toan. Mình cũng thu xếp thời gian gặp gỡ bạn bè vì mỗi người bạn đều có những ngành nghề khác nhau nên mình có thể học hỏi kiến thức từ các bạn, bổ sung vốn sống và hiểu biết hơn.
Hình ảnh sau khoang lái máy bay của Tuyết Dung
Xin cảm ơn Tuyết Dung, chúc bạn ngày 8/3 vui vẻ và hạnh phúc. Chúc những chuyến bay bạn ngồi sau tay lái luôn là những chuyến bay an toàn và vui vẻ nhất!
Vừa qua, vào ngày 19/11, Hoa hậu Xuân Hương đã cùng các doanh nhân tham gia đồng hành cùng chương trình thiện nguyện "Phụ nữ là để yêu thương" diễn ra...
Theo Lam Sơn (Khám Phá)
Let's block ads! (Why?)