Các bị cáo khai gì về cuộc gặp “chuẩn bị 5 tỉ tiêu Tết”?
Sáng 11.1, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC), bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC.
Trịnh Xuân Thanh tại tòa
Theo cáo buộc, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) đã chỉ đạo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) và Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án) lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo cáo trạng, ngày 6.1.2012, theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh đã gọi điện yêu cầu Lương Văn Hòa chuẩn bị 5 tỷ đồng để Trịnh Xuân Thanh sử dụng cá nhân trong dịp Tết Nguyên đán 2012.
Tại toà, Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc chỉ đạo chiếm đoạt số tiền này. Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Thanh cho biết không nhớ cuộc gặp tại phòng mình ngày 6.1.2012 do thời gian đã lâu và phòng bị cáo thời điểm gần Tết lúc nào cũng có người.
Tuy nhiên, các bị cáo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh khẳng định có cuộc gặp trên tại phòng Trịnh Xuân Thanh.
Ngoài ra, Bùi Mạnh Hiển – nguyên Chánh văn phòng PVC được cáo trạng xác định đã thực hiện chỉ đạo của các ông Thanh, Thuận để nhận tiền từ Lương Văn Hòa rồi chia nhau. Ông Hiển được ăn chia 400 triệu đồng, đến nay đã khắc phục được 300 triệu đồng. Tại tòa, ông Hiển không thừa nhận biết việc Lương Văn Hòa lập khống các hợp đồng để rút tiền nhưng có nhận tiền từ nguồn của Ban Điều hành dự án.
Về cuộc gặp ngày 6.1.2012, ông Hiển khẳng định: “Bị cáo không có mặt tại phòng anh Thanh ngày hôm đó, không biết việc Hòa lập khống hồ sơ. Bị cáo nhận tiền theo chỉ đạo của Tổng giám đốc khi Tổng giám đốc bàn bạc với HĐQT".
Luật sư truy vấn lời khai của nguyên Tổng giám đốc PVPower
Tại phiên xử sáng sáng nay, một luật sư đã truy vấn ông Vũ Huy Quang (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVPower) về lời khai của ông trong phiên xét xử hôm qua 10.1. Ông Quang tham dự phiên tòa với vai trò là người liên quan.
Luật sư đặt câu hỏi với ông Quang: Trong phiên xử hôm qua ông cho biết tại buổi thành lập Ban quản lý dự án (31.3.2011), ông đã cảnh báo về thiết sót của hợp đồng EPC số 33 (hợp đồng thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVPower ký với PVC). Tôi muốn hỏi, tại cuộc họp đó có bao nhiêu người, gồm những ai?
Trả lời luật sư, ông Quang cho biết, cuộc họp có đầy đủ lãnh đạo tập đoàn, ban chuyên môn, công đoàn.
Luật sư tiếp tục hỏi: Theo ông tất cả những người ở đó có nghe hết được cảnh báo của ông không? Ông Quang đáp: Với số lượng đông như vậy có thể có những người chưa nghe được.
Bị cáo Đinh La Thăng
Đến lượt mình tham gia xét hỏi, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị được hỏi thân chủ Đinh La Thăng.
“Từ hôm qua tới nay, ông Quang (nguyên Tổng giám đốc PVPower Vũ Huy Quang) khai trong một cuộc họp ông này có báo cáo sai sót của hợp đồng 33, ông là người chủ trì cuộc họp đó?" Trả lời câu hỏi này, bị cáo đáp: "Tôi là người chủ trì cuộc họp".
“Với tư cách là người chủ trì cuộc họp, ông cho biết những nội dung được đặt ra để giải quyết trong cuộc họp này và cụ thể ông kết luận cuộc họp đó như thế nào?” – luật sư hỏi.
Ông Thăng đáp: Cuộc họp ngày 31.3 có rất nhiều nội dung và căn cứ vào đề nghị của các đơn vị thì có kết luận giải quyết đề xuất báo cáo của các đơn vị.
Báo cáo kết luận của tất cả các cuộc họp đều gửi cho các đơn vị, cá nhân liên quan đọc và thống nhất trước khi ban hành thông báo kết luận. Cuộc họp ngày 31.3 và tất cả các cuộc họp khác đều không có báo cáo về hợp đồng số 33 là không có giá trị pháp lý.
Ông Thăng cũng khai, tất cả các quyết định, mọi chỉ đạo của Tập đoàn bao gồm HĐTV, Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc nếu không đúng thì người thực hiện có quyền không thực hiện.
“Nếu người thực hiện có báo cáo mà người ra lệnh vẫn yêu cầu thực hiện thì người thực hiện có quyền bảo lưu bằng văn bản”, ông Thăng nói.