“Tôi đã từng có ý định tự tử khi thấy Subin khóc ăn vạ lăn ra đường rồi nhổ nước bọt vào tay xoa với đất cát, sau đó bôi lên mặt cười khanh khách. Nhưng hình ảnh con đứng ngây ngây giữa đường đã “níu chân” tôi lại. Tôi sợ chết đi, con sẽ cực khổ gấp trăm lần bây giờ, thậm chí mãi mãi là một “đứa trẻ điên”, đó là những dòng tâm sự của chị Khánh Linh (36 tuổi, TP.HCM) – người mẹ suốt 8 năm gần như “độc bước” trên con đường can thiệp hội chứng tự kỷ cho cô con gái nhỏ.
Chị Khánh Linh và cô con gái nhỏ Subin
Tuyệt vọng và sợ hãi khi nghĩ về tương lai của con
Khi bé Subin được 2.5 tuổi, chị Linh phát hiện có nhiều điều bất thường như không chịu nói, không biết đi, rất hay khóc ăn vạ. Lúc đó, chị nghĩ con gái chậm nói bởi vốn dĩ hai vợ chồng mải lo cơm áo gạo tiền, không dành nhiều thời gian bên con. Nếu thường xuyên trò chuyện, con sẽ phát triển bình thường.
“Đưa con đi lớp, cô giáo kể Subin thường nằm một chỗ, không chịu nói chuyện, hay la hét và đập đầu vào tường ăn vạ. Nghe xong, tôi thực sự “thức tỉnh”, bỏ tất cả công việc làm ăn và quyết định thế chấp nhà cửa đưa con đi chữa trị căn bệnh lạ này”, chị nhớ lại.
Chị Linh đưa Subin đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM kiểm tra. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé chậm phát triển ngôn ngữ. Lúc đó, chị chưa hiểu gì về hội chứng tự kỷ nên không bất ngờ. Thậm chí, chị nghĩ đơn giản chỉ cần con uống thuốc đều đặn là đỡ.
Ai gặp Subin cũng cảm thấy gần gũi và yêu thương bé
Dù con đã uống thuốc, chị Linh vẫn thấy hay la hét, tự cắn chảy máu tay. Chị liền đưa bé đến bệnh viện khám thần kinh. Qua kết quả chụp citi não, bác sĩ kết luận Subin mắc bệnh thiếu chú ý và quá hiếu động (ADHD) không thuốc chữa.
“Tôi tuyệt vọng và sợ hãi khi nghĩ về tương lai của con. Nhiều đêm, tôi tự hỏi liệu con có phải một đứa trẻ điên chỉ biết cười và la hét?”, chị Linh nói.
Dù vậy, chị Linh vẫn cố gắng lấy lại tinh thần và bình tĩnh tìm cách “cứu con”. Chị kể sáng sáng chở Subin đến Nhi đồng 2 tập vật lý trị liệu rồi lấy thuốc giảm tăng động và thần kinh để con bớt quậy phá. Buổi chiều, chị gửi con tại trường mầm non với hi vọng Subin có thể bắt chước cử chỉ, hành động của các bạn.
Bên cạnh đó, chị Linh còn mời một cô giáo dạy chuyên biệt về nhà chơi cùng Subin. Nhưng bé không chịu hợp tác, ăn vạ mọi lúc mọi nơi, thậm chí không tự chủ được vấn đề đại tiểu tiện.
“Tụi nhỏ trong phố coi con gái tôi như một đứa trẻ điên”
Không nản chí, chị Linh quyết định đưa Subin ra Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Ở đây, bác sĩ cũng kết luận bé mắc hội chứng tự kỷ rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển. Họ khuyên chị cần quan tâm và chơi đùa với con nhiều hơn.
Subin tại trường học và chụp hình kỷ niệm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
Chị Linh bắt đầu dạy con từ việc khó nhất như ăn uống. Chị bảo mỗi lần bón cơm cho Subin hệt “đánh trận”, thậm chí phải chịu những vết cắn sâu của con. Subin lớn hơn, chị Linh gửi gắm vào trường mầm non công lập. Hằng tuần, cô giáo sắp xếp một nhóm chơi đùa cùng bé với hi vọng có thể hòa nhập lớp học nhanh hơn.
“Ở trường, con rất tiến bộ nhưng về nhà "đâu lại vào đấy”. Tụi nhỏ trong khu phố coi Subin như một đứa trẻ điên nên không dám chơi cùng. Do vậy, tôi tìm cách để lũ trẻ đến nhà nô đùa cùng con. Trớ trêu, chính con lại là đứa tách biệt, không chịu tương tác cùng các bạn.
Nhiều lần thấy các bạn chơi đùa, con mới bắt đầu ý thức được việc dành lại đồ chơi”, chị Linh kể.
Subin 5 tuổi, chị Linh đưa con về quê chơi. Khi ra đồng, bé nhìn thấy trâu bò rồi sợ hãi chỉ tay nói “Con bò”. Dù không phải hai tiếng: Mẹ ơi! nhưng chị Linh vẫn bật khóc. Đó là giọt nước mắt của người mẹ suốt 5 năm liền mong ngóng cô con gái nhỏ cất tiếng nói đầu đời.
Hiện tại, Subin đã có thể giao tiếp, tự sinh hoạt cá nhân và biết yêu thương em trai
Một năm sau khi con gái biết nói, chị Linh đã nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Nhưng bé không chịu học, thường xuyên chảy nhảy khắp trường như đứa trẻ khùng. “Nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, Subin đã đỡ tăng động hơn. Đặc biệt, bé đã biết cầm cây viết đưa từng nét chữ nguệch ngoạc lên cuốn vở.
Qua năm lớp 1 lần hai, con bé nhận biết được hành vi ăn vạ và chạy khắp trường sẽ bị các bạn trọc đùa nên tiết chế lại”, chị Linh vui mừng chia sẻ.
Hiện tại, bé Subin đã có thể giao tiếp, tự sinh hoạt cá nhân. Dù bé chưa “lớn khôn” nhưng với người mẹ ấy như vậy là trên cả mong đợi. “Giờ tôi chỉ thuê cô dạy chữ để con có thể học đọc, học viết và làm các phép tính. Còn lại, tôi sẽ cố gắng điều chỉnh hành vi của bé mọi lúc mọi nơi”, chị Linh chia sẻ.
>> Xem thêm: Tâm sự của bà mẹ bỏ việc ở một tờ báo lớn để dành hết thời gian bên con tự kỷ
Theo Khai Tâm (Khám phá)
Let's block ads! (Why?)