Giảm hình phạt tử hình
Theo đó, nội dung tội cướp tài sản tại Bộ luật Hình sự 2015 được giữ nguyên song án tử hình đã không còn. Theo luật mới, mức phạt cao nhất là tù chung thân, hình phạt khởi điểm vẫn 3 năm tù. Tương tự, các tội theo luật cũ án cao nhất là tử hình, theo luật mới chỉ còn chung thân, gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội đầu hàng địch; Tội chống mệnh lệnh; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịchNgân hàng ACB) bị tuyên 30 năm tù về 3 tội khác nhau, trong đó có 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Tham ô, nhận hối lộ về hưu vẫn bị xử lý hình sự
Đáng chú ý, luật bổ sung thêm hai tội khác vào các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ. Như vậy nghĩa là đối với tội phạm này, bất kỳ thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý hình sự, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc. Nói cách khác, người phạm tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ nếu thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (các tội khác có thời hiệu từ 5- 15 năm). Đây là một quy định mới, thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước nhằm tăng cường đấu tranh chống tham nhũng.
|
Ngoài việc quy định theo hướng giảm số lượng điều áp dụng hình phạt tử hình, Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình là người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 còn bỏ hình phạt tù chung thân và quy định mức án cao nhất là 20 năm tù đối với các tội danh gồm: Tội buôn lậu; Tội đưa hối lộ; Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tội trộm cắp tài sản; Tội trốn đi nước ngoài (bổ sung quy định, người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 1-5 năm); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh; Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu.
Tăng phạt tiền, giảm phạt tù
Thời gian qua, hàng loạt cựu quan chức một số tập đoàn bị khởi tố, đề nghị truy tố về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165, Bộ luật Hình sự 1999.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 đã thay thế tội này bằng 9 tội danh mới. Theo các chuyên gia, đây là bước tiến mới đáng ghi nhận trong tố tụng, bởi tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng rất mơ hồ, nên Bộ luật Hình sự mới phải cụ thể hoá để việc xét xử chính xác với từng hành vi.
Theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội, đối với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự 1999 xảy ra trước 0h ngày 1/1/2018, mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.
|
Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của tòa án thì không được căn cứ vào Bộ luật Hình sự năm 2015 để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Nếu sau thời điểm 0h ngày 1/1/2018 hành vi tội phạm mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, 9 tội danh mới thay thế tội cố ý làm trái gồm: Vi phạm các quy định về cạnh tranh; Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ 7 các tội danh khác như: Tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế… Việc bỏ các tội danh trên xuất phát từ những căn cứ khác nhau: Có những tội thì phi hình sự hóa, bỏ hẳn, ví dụ tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; còn các tội khác là có sự chuyển hóa.
Luật mới cũng thu hẹp khoảng cách về khung hình phạt, khắc phục khung hình phạt quá rộng như trước đây, dễ dẫn đến việc lạm dụng khi áp dụng, khoảng cách từ mức hình phạt thấp nhất đến mức hình phạt cao nhất trong một khung là khoảng 5 - 6 năm.
Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tăng hình phạt tiền, giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp; trong 313 tội danh thì có đến 455 khung hình phạt quy định hình phạt tiền, Bộ luật Hình sự cũ chỉ có 201. Mức phạt tiền trong luật mới cũng đã tăng với cá nhân cao nhất là 5 tỷ đồng; pháp nhân cao nhất là 20 tỷ đồng.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (Báo Giao thông)
Let's block ads! (Why?)