Bố mẹ buộc phải bỏ rơi con vì quá nghèo
Cách đây 22 năm, khi ấy, do sự khủng hoảng kinh tế và bùng nổ dân số, Trung Quốc buộc phải thi hành “chính sách một con”. Sau khi lệnh cấm sinh con thứ hai được ban hành, rất nhiều bi kịch gia đình đã xảy ra. Anh Xu Lida và chị Qian Fenxiang, vì không muốn bỏ thai nên đã lén lút sinh ra cô con gái thứ hai, đặt tên là Jingzhi.
Nhưng vì quá nghèo đói, không có đủ tiền nuôi con và trang trải cuộc sống, cũng như lo sợ sẽ không giấu được chính quyền về đứa con thứ hai, anh Xu và chị Qian đã phải đưa ra một quyết định vô cùng đau lòng.
Khi đứa con được 5 ngày tuổi, chị Qian đưa con bỏ tại một khu chợ kèm theo lá thư, trong đó có ghi: “Con gái chúng tôi Jingzhi, sinh ra lúc 10h sáng ngày 8/7 âm lịch, năm 1995. Chúng tôi buộc phải bỏ con ở đây vì quá nghèo khổ và luật lệ ép buộc. Cầu xin lòng trắc ẩn từ những người cha người mẹ xa gần. Chúng tôi vô cùng biết ơn vì đã chăm sóc cho cô con gái nhỏ. Nếu trời rủ lòng thương, chúng ta sẽ đoàn tụ với nhau vào buổi sáng của lễ hội Qixi, trên cây Cầu Đoạn tại Hàng Châu vào 10 hoặc 20 năm nữa”.
Bức thư mà cha mẹ ruột của Kati đã để lại.
Được gia đình Mỹ nhận làm con nuôi
Bé Jingzhi sau đó được đưa về bệnh viện an sinh trẻ em ở Tô Châu. Năm 1996, hai vợ chồng người Mỹ là Ken và Ruth Pohler, mặc dù đã có hai cậu con trai, nhưng vẫn quyết định nhận nuôi Jingzhi. Họ nhờ người phiên dịch để biết nội dung bức thư mà cha mẹ ruột của Jingzhi để lại và đã vô cùng xúc động. “Vợ tôi đã xúc động rơi nước mắt khi đọc lá thư ấy. Đó là một thông điệp rất chân thành”, ông Ken bồi hồi nhớ lại.
Sau đó, gia đình đưa Jingzhi về sống tại bang Michigan, Mỹ và đặt tên cô bé là Catherine Su Pohler, hay còn gọi là Kati. Họ quyết định sẽ giấu kín sự thật ít nhất cho đến khi Kati 18 tuổi, và chỉ tiết lộ nếu cô bé muốn biết về quá khứ của mình.
Sống cùng với cha mẹ và hai anh nuôi, Kati đã có một tuổi thơ êm đềm và tốt đẹp như bao đứa trẻ khác. Cô bé được đi học, được vui chơi và được ước mơ.
Cô bé Jingzhu ngày nào giờ đã trưởng thành và có một cuộc sống tốt đẹp cùng gia đình nhận nuôi tại Mỹ.
Lần gặp gỡ “hụt” đầu tiên
Năm 2005, khi Kati tròn 10 tuổi, anh Xu và chị Qian, lúc này đã có một cuộc sống ổn định hơn, đã đến cây Cầu Đoạn vào buổi sáng của lễ hội Qixi như lời hẹn, với hy vọng sẽ tìm lại được con gái.
“Chúng tôi đến đó từ rất sớm, mang theo một tấm biển viết tên con gái và nội dung từng viết trong lá thư. Chúng tôi khao khát gặp con đến nỗi chạy đến hỏi từng cô gái đi qua cầu xem có phải con mình không”, anh Xu nhớ lại.
Nhưng đã không ai đến gặp họ. Lời hẹn trong lá thư đã không được thực hiện. Đến khoảng 4h chiều, anh Xu và chị Qian bỏ cuộc trong nỗi thất vọng.
Cầu Đoạn Hàng Châu, nơi hẹn gặp của hai vợ chồng và cô con gái.
Tuy nhiên, nhà Pohler thật sự không tàn nhẫn như thế. Họ vẫn nhớ đến lời hẹn 10 năm trên lá thư. Nhưng vì không muốn cô con gái nhỏ liên quan đến một sự việc mơ hồ như thế này, họ đã nhờ một người bạn thường xuyên đến Trung Quốc làm ăn đến địa chỉ đã hẹn.
Người bạn tên Wu đã đến cây Cầu Đoạn lúc 4h hơn, chỉ vài phút sau khi anh Xu và chị Qian bỏ cuộc. Nhìn qua nhìn lại chẳng thấy ai đang tìm con, cô Wu đang định bỏ đi thì bắt gặp một nhóm quay phim cho đài truyền hình. Cô nảy ra ý định và đã nhờ nhóm quay phim cho mình xem lại những đoạn phim, xem có ai giống như đang tìm con hay không. Rất may mắn, máy quay đã ghi lại được hình ảnh anh Xu đứng trên cầu cầm tấm biển ghi tên con gái “Jingzhi” rất rõ ràng.
Chẳng ai ngờ, các báo đài đã tận dụng cơ hội này để đưa tin về trường hợp một cô con gái bị bỏ rơi. Tin tức được đưa cả lên đài truyền hình quốc gia và thường xuyên xuất hiện trên nhiều mặt báo. Lo sợ cuộc sống của con gái bị ảnh hưởng, cũng như không muốn xâm phạm quyền riêng tư của con, gia đình Pohler đã quyết định cắt đứt toàn bộ mọi liên lạc với người bạn Wu, gia đình anh Xu và cả giới truyền thông.
“Chúng tôi nghĩ rằng nên đợi Kati lớn lên để xem con có muốn biết thêm tin tức không. Kati có cha mẹ ruột nhưng nó cũng là con gái chúng tôi. Con bé còn quá nhỏ để có thể chịu đựng những áp lực từ giới truyền thông, cũng như đưa ra quyết định có muốn gặp lại bố mẹ ruột hay không”, ông Ken nói.
Chính vì thế, cuộc hẹn sau 10 năm đã bị lỡ dở.
Cuộc đoàn tụ kỳ diệu
Năm nay, Kati tròn 22 tuổi. Cô hiện đang là sinh viên của trường Calvin College, một trường cao đẳng nghệ thuật tự do tại bang Michigan. Bà Ruth, mẹ nuôi của Kati, quyết định nói sự thật về cha mẹ ruột của cô.
Sau đó, Kati đã gặp được Chang, một nhà làm phim tài liệu từng thực hiện nhiều bộ phim về những đứa con Trung Quốc được nhận nuôi trên khắp thế giới. Kati đã đồng ý trở thành nhân vật chính cho phim tài liệu về việc đi tìm cha mẹ ruột.Và cuối cùng, cuộc hẹn trên cây Cầu Đoạn đã trở thành hiện thực sau 22 năm.
Cuộc đoàn tụ đầy xúc động của cô gái bị bỏ rơi 22 năm trước với bố mẹ ruột của mình.
Ban đầu, cả hai bên đều rất lúng túng. Kati chia sẻ rằng, cô rất muốn gặp lại cha mẹ ruột, nhưng vì xa nhau từ khi còn quá nhỏ, nên việc gặp gỡ khiến cô rất bối rối. Về phía anh Xu và chị Qian, họ cũng đã trải qua rất nhiều năm khó khăn và sống trong mặc cảm tội lỗi vì đã bỏ con.
Thế nhưng, trên tất cả, sự yêu thương và gắn kết của tình ruột thịt đã giúp họ xích lại gần bên nhau. Anh Xu và chị Qian đều đã khóc rất nhiều. Đó vừa là giọt nước mắt hạnh phúc của ngày tương phùng, vừa là giọt nước mắt tủi hờn của bao nhiêu năm tìm con trong nỗi đau đớn. “Tôi cảm thấy rất hối hận. Nếu năm đó chúng tôi không bỏ con, thì Kati đã không phải chịu nhiều đau khổ như vậy”, chị Quan nói.
Anh Xu và chị Qian cho biết, họ có chút thất vọng vì Kati không gọi mình là cha mẹ mà chỉ gọi tên. Họ cũng không nói chuyện được nhiều vì sự khác biệt ngôn ngữ. Nhưng họ cảm nhận được rằng, Kati là một cô con gái ngoan ngoãn và đã được nuôi dạy tử tế. Anh chị cũng không quên gửi lời cảm ơn đến gia đình Pohler vì đã nhận nuôi và cho con mình một cuộc sống tốt đẹp, cũng như giúp họ có được cuộc đoàn tụ này.
Theo Khánh Hằng (Theo Odditycentral) (Khám Phá)
Let's block ads! (Why?)