Monday, December 4, 2017

Bi hài những ca “tự sướng” đến mức nhập viện

Chồng đi công tác, vợ ở nhà "tự sướng" đến nhập viện

Vừa qua, ngày 2/12, các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa tiếp một cặp vợ chồng, trong đó người vợ ngoài 40 tuổi trong tình trạng bị tổn thương vùng kín và chảy khá nhiều máu.

Do chồng thường xuyên đi công tác dài ngày, chị vợ đã thủ dâm để giải quyết vấn đề sinh lý. Các bác sĩ nhận định người vợ đã bị tổn thương nghiêm trọng bộ phận sinh dục, có thể do sử dụng dụng cụ thủ dâm không phù hợp. 

Bi hài những ca “tự sướng” đến mức nhập viện - 1

Do chồng thường xuyên đi công tác dài ngày, người vợ đã thủ dâm để giải quyết vấn đề sinh lý.

Theo các bác sĩ, nữ giới chỉ nên "tự sướng" trong một số trường hợp bất khả kháng. Việc lạm dụng hoặc nghiện thủ dâm có thể khiến nữ giới bị chai lì, thậm chí không còn khoái cảm. 

Lấy bóng đèn quả nhót cho vào “cô bé”

Cách đây không lâu, BS sản khoa Lê Kim Dung, Trưởng Khoa Sản, Trung tâm y tế Lao động Thái Hà, Hà Nội vẫn không thể quên được người phụ nữ trung niên đến phòng khám trong tình trạng máu chảy nhiều ở phần phụ và rất đau đớn.

Qua thăm khám, BS Dung thấy có rất nhiều mảnh thủy tinh có trong “cô bé”. BS không thể hiểu nổi nguyên nhân vì sao những dị vật này xuất hiện ở chỗ vốn rất kín đáo, thì người phụ nữ ngại ngùng giải thích. Do nghiện thủ dâm và trong lúc "sáng tạo", người phụ nữ này đã lấy bóng đèn quả nhót cho vào “cô bé”. Do động tác quá mạnh, bóng đèn vỡ và làm tổn thương phần phụ.

BS Dung phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới nong và gắp hết các miếng thủy tinh ra ngoài. Nhưng nguy cơ nhiễm trùng phần phụ của bệnh nhân này là rất cao.

Đút dây diện vào tận bàng quang để "tự sướng"

Năm 2010, Đại học Y Hà Nội đã cấp cứu cho một trường hợp thủ dâm quá đà. Theo đó, bệnh nhân chỉ mới 12 tuổi, quấn dây điện thành nhiều vòng và đút dây vào tận bàng quang. Tuy nhiên, bệnh nhân không thể rút ra được. Khi có cảm giác đau đớn, xoay sở mãi không được, bệnh nhân đã phải đến bệnh viện để được bác sĩ giúp đỡ.

Khi bệnh nhân nhập viện, dương vật vẫn đang sưng đau. Bác sĩ trực tiếp thăm khám cho biết, cố gắng rút ra nhưng không được. Các bác sĩ đã phải gây tê và nong niệu đạo để kéo dây điện ra. Tuy nhiên, niệu đạo vẫn bị rách. Khoảng 1 tuần sau, bệnh nhân mới được ra viện.

Nhét hạt hồng xiêm vào dương vật

Bi hài những ca “tự sướng” đến mức nhập viện - 2

Nhiều người có thói quen thủ dâm.

Cũng tại bệnh viện này từng có một bệnh nhân 14 tuổi nhập viện do thủ dâm. Cậu bé này đã tự nhét hạt hồng xiêm vào dương vật. Sau đó, lấy que đẩy hạt hồng xiêm xuống sâu bên dưới để đạt khoái cảm. Tuy nhiên, sau đó, cậu bé không biết làm cách nào để lấy hạt hồng xiêm ra.

Khi nhập viện, các bác sĩ cũng không thể gắp hạt hồng xiêm bằng dụng cụ y tế do trơn và dễ bị rơi sâu vào trong. Trước tình hình đó, các bác sĩ quyết định mổ bàng quang và lấy hạt hồng xiêm ra để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Thủ dâm bằng sợi chỉ

Cũng tại BV Đại học Y, có một cụ ông 60 tuổi (Nam Định) cũng từng phải nhập viện do sưng, thâm tím dương vật khi thủ dâm.

Các bác sĩ đã phải gây tê rồi cắt sợi chỉ ra. Người đàn ông cho hay, trong khi ngủ bị mấy đứa trẻ buộc sợi chỉ vào dương vật. Nhưng khi dương vật cương lên thì sợi chỉ càng bị buộc chặt không có gì cách gì tháo ra được.

Các bác sĩ cho rằng, trường hợp này, người đàn ông có thể tự thủ dâm nên mới xảy ra sự việc trên.

Chỉ nên coi thủ dâm là giải pháp tình thế

Bác sĩ Đinh Hữu Việt - Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho hay khi đề cập đến việc thủ dâm, người ta thường nghĩ nhiều đến nam nhưng trên thực tế, biểu hiện này ở nữ cũng phổ biến và đa dạng.

Thủ dâm bản chất là hoạt động tình dục tiết ra hormone giúp cơ thể thư thái hơn, giảm stress. Nếu tần suất thủ dâm nhiều hơn cả số lần quan hệ bình thường thì bị coi là bất thường.

Thủ dâm được xem là hành vi cứu cánh cho những khi ham muốn tình dục không được đáp ứng và tránh lây các bệnh xã hội trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, thủ dâm cũng cần biết cách và khoa học.

Đối với những người trưởng thành, nam giới thủ dâm đạt được khoái cảm là xuất tinh, còn nữ giới được lên đỉnh. Nhưng đừng nên lạm dụng quá nhiều, lâu dần sẽ mất cảm giác quan hệ thực thụ.

Theo bác sĩ Việt, nữ giới chỉ nên "tự sướng" trong một số trường hợp bất khả kháng. Việc lạm dụng hoặc nghiện thủ dâm có thể khiến nữ giới bị chai lì, thậm chí không còn khoái cảm.

Để "tự sướng" an toàn, giới chuyên môn cũng khuyến cáo chỉ nên coi thủ dâm là giải pháp tình thế. Nếu là phụ nữ phải lựa chọn dụng cụ phù hợp. Đồng thời, vệ sinh dụng cụ, bộ phận sinh dục, sử dụng thêm dầu bôi trơn với động tác nhẹ nhàng, tránh những tác động thô bạo để  không gây tổn thương bộ phận sinh dục.

 
Chồng đi công tác, vợ ở nhà ”tự sướng” đến nhập viện

Một phụ nữ ở Hà Nội đã phải nhập viện với vết thương vùng kín chảy khá nhiều máu. Trong thời gian chồng đi công...


 

Let's block ads! (Why?)

Cả huyện ‘đau đầu’ vì vụ ly hôn của một cô giáo

Sau bản án ly hôn giữa cô giáo với anh cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH), UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã phải mời các ngành VKS, tòa án, cơ quan thi hành án (THA)… họp bàn. Nội dung là về việc cô giáo bị tố không cho cha thăm con, bản án ly hôn khó thi hành.

“Cặp đôi hoàn cảnh”

Anh là một cán bộ BHXH cần mẫn, từng có một gia đình hạnh phúc. Sau Tết năm 2000, trong vụ tai nạn thương tâm ở Rú Nguộc (huyện Thanh Chương), vợ anh ra đi, để lại cho anh đứa con gái mới ba tuổi. Anh ở vậy nuôi con, đến năm 2004 thì tình cờ gặp chị. Chị là giáo viên, đã ly hôn chồng và có một con gái ba tuổi.

Được bạn bè vun đắp, anh chị đã quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Đám cưới được tổ chức vào đầu năm 2005 và chẳng mấy chốc gia đình nhỏ đã thành gia đình to. Ba đứa con chung (hai gái và một trai út) lần lượt ra đời vào tháng 9-2005, tháng 9-2011 và tháng 12-2014.

Tuy nhiên, đến năm 2016 sóng gió đã xảy ra. Vợ chồng bất đồng, mâu thuẫn liên tiếp xảy ra, chị ôm con về ngoại rồi nộp đơn xin ly hôn dù nhiều lần anh năn nỉ được đoàn tụ.

Hòa giải, anh nói tình cảm với chị vẫn còn và thiết tha mong vợ chồng gắn kết để nuôi dạy con cái nên người. Tuy nhiên, chị vẫn cương quyết ly hôn.

Chị trình bày: Sau khi kết hôn, vợ chồng làm ăn, chung sống hạnh phúc với nhau đến đầu tháng 6-2016 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do hai người tính tình không hợp, sống với nhau hay cãi vã, không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được. Hai người đã sống ly thân với nhau và cắt đứt mọi quan hệ từ đầu tháng 6-2016. Nay chị xét thấy tình cảm vợ chồng không còn nữa nên chị yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn.

ca huyen ‘dau dau’ vi vu ly hon cua mot co giao - 1

Sau ly hôn, người cha làm mọi cách mong được gặp con nhưng “cha, con và chị, em vẫn chưa được gặp nhau”.  Ảnh:  ĐẮC LAM

Chín lần đến thăm con đều không gặp

Ngày 17-3-2017, TAND huyện Thanh Chương xử sơ thẩm và ngày 19-7-2017, TAND tỉnh Nghệ An xử phúc thẩm đều tuyên cho anh chị  được ly hôn. Về ba con chung, tòa phân chia chị nuôi con đầu và con út, anh nuôi con gái giữa. Anh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho chị nuôi con đầu mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến khi con 18 tuổi.

Về phân chia tài sản, chị được hưởng trị giá 352 triệu đồng trên tổng tài sản chung, anh được hưởng hơn 685 triệu đồng. Anh phải trích chia trị giá chênh lệch tài sản cho chị là 282 triệu đồng.

Bản án hai cấp tòa cùng nêu: “Anh, chị có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở anh, chị thực hiện quyền này”.

Sau phiên tòa phúc thẩm, anh có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng “việc phân chia tài sản chưa đúng” và chia con út (sinh tháng 12-2014) cho mẹ là chưa đảm bảo phát triển của trẻ bởi người mẹ chưa có nơi ở ổn định, chưa đủ điều kiện chăm sóc con.

Do bản án phúc thẩm đã có hiệu lực nên đã được thi hành ngay. Các tài sản nhanh chóng được phân chia dễ dàng. Tuy nhiên, phần thăm nuôi con lại là phần thi hành khó khăn nhất. Anh tố cáo chị gây cản trở quyền thăm con, không cho con đến trường trong độ tuổi quy định, không tiêm phòng cho con trai út. Nhiều lần (anh nêu cụ thể là chín lần) anh muốn gặp, thăm con đều không được.

Cả huyện “đau đầu” vì bản án

Chiều 29-11, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết: “Việc này nhỏ nhưng lại khó giải quyết. Trong biên bản bàn giao con và hai bên ký cam kết có ghi là trong một tuần, thứ Bảy và Chủ nhật chị phải để anh đến thăm, chăm con.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của anh chồng, tôi đã gặp gỡ từng người nhưng mỗi người nói mỗi ý. Anh chồng phản ánh đã chín lần đến thăm con nhưng đều bị cản trở không được thăm. Còn chị nói hai lần anh có liên hệ thăm con nhưng chị bận đi TP Vinh không về kịp, từ đó đến nay không thấy anh đến thăm con. Anh nói có chụp ảnh, quay phim việc đến thăm có người ở nhà nhưng không ai ra mở cổng để cha, con, chị, em gặp nhau”.

Ông Hiền nói: “Chúng tôi đã tổ chức buổi đối thoại do tôi chủ trì, mời hai anh chị, thư ký và trưởng THA huyện, phó chánh án TAND huyện, viện phó VKSND huyện, hiệu trưởng nơi chị công tác, giám đốc BHXH nơi anh công tác đến họp, lập biên bản đối thoại. Tại buổi đối thoại, chị cho rằng đã tiêm phòng cho con và không bắt buộc trẻ dưới ba tuổi phải đến trường. Anh cho rằng xác minh qua trạm y tế chưa thấy con có danh sách tiêm phòng.

Chúng tôi muốn giải quyết hài hòa được cả hai bên nhưng rất khó. Trong luật nêu không ai có quyền ngăn cản quyền thăm con nhưng không có văn bản quy định một tháng hay một tuần được thăm bao nhiêu lần”.

THA huyện Thanh Chương cũng cho rằng: “Sự việc cản trở quyền thăm con chung rất khó giải quyết bởi bản án không tuyên cụ thể thăm ngày nào, tháng nào được thăm và chăm sóc bao nhiêu lần, bao nhiêu ngày…”.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương cho biết đã nhận được đơn của anh, do phòng chỉ quản lý chuyên môn và không còn công đoàn ngành nên cũng rất khó để phòng giải quyết việc ngoài chuyên môn của ngành giáo dục.

Ngày 30-11, anh lại đến UBND xã nơi chị cư trú để nhờ chứng kiến và chứng nhận cho việc anh bị ngăn cản thăm con. Thế nhưng cán bộ xã trả lời: “Chúng tôi phải làm việc với công dân trước xem sao rồi mới làm việc tiếp với anh”.

Theo Đắc Lam (Pháp luật TP.HCM)

Let's block ads! (Why?)

Sức mạnh của ngôn từ

Tôi xem một đoạn phim trong một phim tình cảm gia đình của Mỹ, tôi chẳng nhớ tên phim hay tên diễn viên, chỉ nhớ vài cảnh mà tôi lấy làm ví dụ cho bài viết này. Và đó là những cảnh mà ta rất thường gặp trong đời thực ở bất kỳ xã hội nào. 

Hai chị em gái cùng bên cạnh giường bố ở bệnh viện lúc ông bị đột quỵ nhẹ. Hai cô cãi nhau. Cô em cho rằng mình là một kẻ hèn nhát và chị mình là người dũng cảm. Cô chị thì nhận ngược lại. Cô em cãi, "Bố luôn nói em là đứa hèn nhát và chị là người dũng cảm." Cô chị lại nói, "Không. Bố nói chị là đứa hèn nhát và em mới là người dũng cảm.." Cô em chính vì lời nói của bố mà sinh lòng đố kỵ. 

Sự đố kỵ thời thơ ấu đó không được giải tỏa, nó kéo dài trong suốt nhiều năm làm cho cô em chỉ có thể cảm thấy yêu chị khi ở xa, lại gần là cãi nhau và không coi gia đình chị là gia đình mình.

suc manh cua ngon tu - 1

Trong các gia đình Việt, ta thường thấy ba mẹ ông bà so sánh đứa lớn đứa nhỏ và con mình với con hàng xóm. Cái đứa "con hàng xóm," "con nhà người ta" là nỗi ám ảnh không nguôi của hầu hết những đứa trẻ Việt. Nếu bạn may mắn không dính việc bị so sánh với "con nhà người ta" thì bạn cũng sẽ dính những trường hợp sau:

Bạn làm gì cũng không thể làm cho cha mẹ hài lòng và tự hào, lời khen rất hiếm khi được trao cho bạn. Bạn vẽ một bức tranh bằng sự tưởng tượng của tuổi thơ, người lớn sẽ bảo nó nguệch ngoạc và cố gắng bắt bạn phải vẽ thế này thế này, phải tô đúng trong đường kẻ, phải thế này thế nọ thế kia hằng ti tỉ thứ. Bạn cố bắt chước mẹ, cố giúp mẹ rửa cái chén thì bị chê bẩn và bị đuổi đi chỗ khác, họ sẽ bảo bạn chỉ lợi dụng việc rửa bát để có cơ hội nghịch nước mà thôi. Vâng, dĩ nhiên, họ nói đúng, nhưng nó thật ác với một đứa trẻ.

Thật khó để lấy được lời khen ngợi từ người lớn. Muốn lấy được nó bạn phải là "thần đồng," phải làm tính chính xác và nhanh như gió, phải nói một ngoại ngữ nào đó thông thuộc như tiếng mẹ đẻ, phải đàn hay, hát giỏi và phải biết trình diễn cho bạn bè của người lớn xem mỗi khi họ yêu cầu và yêu cầu lần nữa lần nữa... bắt bạn biểu diễn như con khỉ trong đoàn xiếc với mục đích để khoe, mặc kệ bạn có muốn hay không.

Vâng, khi và chỉ khi bạn làm được những điều mà họ không thể làm được thì họ mới khen tặng bạn. Và thậm chí ngay cả khi bạn làm được thì họ cũng tiết kiệm lời khen lắm vì họ quan niệm rằng khen nhiều quá sẽ làm bạn "kiêu hãnh."

Khó khăn lắm mới lấy được lời khen của người lớn nhưng những lời chê trách quát tháo hoặc bảo bạn tránh ra chỗ khác vì người lớn đang bận việc gì đó... thì bạn lại phải nghe thường xuyên. Họ luôn bận một cái gì đó. Thế giới của họ thật kỳ lạ, chả lúc nào ngưng bận lại một chút, họ có thể quát bạn xê ra và họ bảo họ bận ngay cả lúc mắt họ đang dán vào màn hình xem một bộ phim hay trận bóng đá.

Và một điều đáng ghét nữa là họ luôn đổ thừa mọi thứ vất vả, cực khổ mà họ phải chịu trong ngày "là vì con". Bạn nghe câu này lặp đi lặp lại không biết chán từ miệng của họ và tự hỏi mình sinh ra để làm gì? Tại sao mình lại được sinh ra để làm khổ người khác? Và khi bạn không thể nói chuyện với họ, bạn giải quyết vấn đề mà bạn gặp phải theo cách mà bạn biết. Cái cách đó có thể ngốc nghếch, dở òm, nhưng đó là cách duy nhất mà bạn biết.

Điều tệ hại xảy ra tiếp theo là gì? Là họ sẽ gào vào mặt bạn tại sao bạn không nói với họ mà lại tự giải quyết vấn đề của mình?! Nghĩa là, tất tật mọi tội nợ phiền toái và khốn khổ đều dễ dàng thông qua lời nói đổ lên đầu bạn một cách vô tư, hồn nhiên, không hề băn khoăn, không hề có chút mảy may suy nghĩ. Và kể cả khi bạn đúng, họ sai, họ cũng không bao giờ xin lỗi bạn, không bao giờ thừa nhận sai lầm vì họ là ba mẹ, họ nghĩ họ sinh bạn ra thì bạn phải mang ơn điều đó, họ sở hữu bạn và bạn phải ngoan ngoãn làm mọi thứ họ bảo. Họ không hề nghĩ rằng bạn không có lựa chọn khi sinh ra và họ phải mang ơn bạn vì bạn đem đến cho họ niềm vui, hạnh phúc.

Và điều đáng buồn, đáng trách, đáng thương là họ không biết họ đã gây ra sự tổn thương nào cho tâm hồn của trẻ. Họ sinh đẻ, nuôi dạy con theo cách hoàn toàn bản năng. Một thứ bản năng sai lệch bởi nhân danh các thứ giáo điều, truyền thống, văn hóa và xã hội. Và nó là một cái vòng tròn được lặp đi lặp lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

suc manh cua ngon tu - 2

Bạn thường xuyên bị ba mẹ đánh thì rất khó có khả năng bạn sẽ không đánh con cái mình. Bạn khó nhận được lời khen ngợi của ba mẹ thì bạn cũng sẽ không hào phóng lời khen với bạn bè, người xung quanh và bạn luôn ép con bạn bằng cách, "Ngày xưa bố (mẹ) phải blah blah blah...mà còn chưa được khen đây này!" Bạn có thấy sự ẩn ức tuổi thơ của chính bạn trong câu nói đó không?

suc manh cua ngon tu - 3

Dĩ nhiên, phần đông ba mẹ luôn thương yêu con và con cái yêu thương ba mẹ nhưng họ luôn làm tổn thương nhau vì không biết cách. Họ không hiểu sức mạnh của ngôn ngữ. Một lời chê trách hoặc vô tâm có thể khiến một người trở nên thất bại, thất vọng và có những quyết định sai lầm, bi quan, buồn bã, cuộc đời rẽ sang hướng tiêu cực. Một lời khen ngợi, động viên, trao đổi đúng lúc, đúng cách có thể khiến một người vui vẻ, hạnh phúc và thành công.

suc manh cua ngon tu - 4

Tục ngữ Việt Nam có câu, "Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" rất hay nhưng chính nó cũng bị hiểu méo mó theo hai cách hoàn toàn dị biệt. Cách một, người ta ăn nói vòng vo dài dòng rào trước đón sau, nói mé nói tránh... để tránh mích lòng nên thành không còn sự thẳng thắn và chân thật, mất nhiều thời gian mà lại cũng dễ gây hiểu lầm hoặc làm người tiếp nhận bị rối rắm trong mớ chữ nghĩa cuối cùng không hiểu gì. Cách hai, người ta chê đó là giả tạo và không cần thiết phải lựa lời nhất là đối với "người trong nhà." Thế là người ta có thể suồng sã nói toẹt những chỉ trích, phán xét không cần kiềm chế, không cần suy xét vào nhau.

suc manh cua ngon tu - 5

Một lời nói có thể đem lại hòa bình và cũng có thể đem lại chiến tranh. Một lời nói có thể làm cho hiểu nhau cũng có thể làm cho xa cách. Bởi vậy, hiểu sức mạnh ngôn từ và vận dụng vào ứng xử sao cho phù hợp là điều chúng ta cần tâm niệm trong từng phát ngôn của chính mình... 

Theo Bích Ngà (Khám phá)

Let's block ads! (Why?)

25% người trưởng thành có nguy cơ đột tử mà không biết

25% người trưởng thành có nguy cơ đột tử mà không biết - 1

Ảnh minh hoạ 

Thủ phạm gây đột quỵ

Ths. Hoàng Thị Phú Bằng, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch: cứ 10 người có đột quỵ lần đầu thì 8 người trong số đó có tăng huyết áp. Đột quỵ và tăng huyết áp xảy ra hầu hết ở người lớn tuổi. Để giảm thiểu nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, cần kiểm soát tốt huyết áp ở người lớn tuổi. Bên cạnh yếu tố do tăng huyết áp, việc hút thuốc lá và một số bệnh lý khác như: tiểu đường, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên, rung nhĩ, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, rối loạn mỡ máu, dinh dưỡng kém, ít vận động và béo phì cũng là căn nguyên dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ là một rối loạn cục bộ lên não. Có thể phân loại thành nhồi máu não chiếm đa số (80%) và xuất huyết não (20%). Trong vùng nhồi máu có thể phát triển ổ xuất huyết gọi là chuyển xuất huyết, đặc biệt khi vùng nhồi máu rộng. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 70.000 trường hợp đột quỵ. Yếu tố nguy cơ chung cho cả đột quỵ và bệnh tim do xơ vữa là tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu trên 754 bệnh nhân đột quỵ ở Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy: 95% bệnh nhân bị đột quỵ có kèm tăng huyết áp. Trong số đó 48,5% bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết và 51% bệnh nhân trong số này đã tử vong sau 28 ngày điều trị; 43,5% bệnh nhân thì đột quỵ do thiếu máu và 20% đã tử vong sau 28 ngày điều trị. Tỷ lệ người bị đột quỵ trên 53 tuổi chiếm 76%. Có thể nói phần lớn bệnh nhân đột quỵ là người cao tuổi và hầu hết có tăng huyết áp. Chỉ có 8% trong số họ là không xác định được nguyên nhân.

Theo báo cáo tại Hội nghị Tăng huyết áp toàn quốc hồi tháng 5/2016 tại Hà Nội của GS.TS. Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia về kết quả điều tra dịch tễ tại Việt Nam qua 5454 người trưởng thành trên quần thể 44 triệu dân cho thấy: 47,6 % người dân có tăng huyết áp.

Không coi thường tăng huyết áp

Người bệnh được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg hoặc đang được điều trị thuốc tăng huyết áp.

Ths. Phú Bằng khẳng định: Điều trị tốt tăng huyết áp làm giảm đáng kể các biến cố tim mạch. Trong đó giảm đáng kể tỷ lệ tử vong liên quan đột quỵ não. Việc giảm huyết áp với bất kể phương cách nào cũng giúp giảm rõ rệt nguy cơ đột quỵ. Cứ giảm mỗi 2mmHg HATh sẽ giúp giảm thêm 7% tử vong do bệnh mạch vành và quan trọng hơn, nó giúp giảm thêm 10% tử vong do đột quỵ. Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là đưa về huyết áp tối ưu 120/80 mmHg, với con số huyết áp này thì hầu hết là phòng ngừa được biến chứng đột quỵ ở hầu như tất cả các trường hợp.Song một thực tế đáng buồn ở Việt Nam là tỷ lệ khống chế tăng huyết áp đạt mục tiêu vẫn còn rất thấp. Năm 2009, tỷ lệ đó khoảng 36.3%. Đến năm 2015, giảm còn 31.3 %Chính vì vậy Ths. Phú Bằng nhấn mạnh Giải pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất là kiểm soát tăng huyết áp đúng, đủ và lâu dài. Điều trị tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ theo y lệnh của bác sỹ chuyên khoa, có chỉ định uống thuốc theo đơn cụ thể.

Song song với việc tuân thủ điều trị để ngăn ngừa đột quỵ do tăng huyết áp phải lưu ý đến tầm quan trọng của thay đổi lối sống như: giảm cân, giảm muối và mỡ bão hòa, giảm lượng calorie trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và uống rượu ở mức cho phép, bổ sung đủ calci, kali, magne, chất xơ, ngừng hút thuốc lá. Thay đổi lối sống đã được chứng minh có hiệu quả giảm mức huyết áp từ 10 – 20 mmHg, những thay đổi này đôi lúc tương đương với một thuốc điều trị hạ áp.

Bố mẹ hút thuốc, con có nguy cơ đột tử

Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với...

Let's block ads! (Why?)

Cháy nhà khiến 3 mẹ con tử vong ở TP.HCM: Nạn nhân may mắn thoát chết bị bỏng toàn thân

Liên quan đến vụ cháy ở TP.HCM khiến 3 mẹ con tử vong và 2 người bỏng nặng, chiều 4/11, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng – phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết đang điều trị cho một nạn nhân trong vụ cháy.

Nạn nhân là anh Nguyễn Xuân Lâm (32 tuổi) – em vợ của anh Đinh Văn Mười (41 tuổi, chủ ngôi nhà bị hỏa hoạn). Anh Lâm vào cấp cứu tại Bệnh viện vào lúc hơn 6h sáng trong tình trạng vẫn tỉnh táo, có thể nói chuyện nhưng giọng rất khàn. Đặc biệt, anh bị bỏng toàn thân với tỉ lệ 76%, trong đó có phỏng hô hấp.

chay nha khien 3 me con tu vong o tp.hcm: nan nhan may man thoat chet bi bong toan than - 1

Hiện trường vụ cháy lúc rạng sáng nay

“Bệnh nhân bị bỏng rất nặng nhưng vẫn có thể cứu sống được. Vì vậy, sau khi nhập viện, chúng tôi đã áp dụng hướng điều trị tích cực cho bệnh nhân như hồi sức chống sốc, giảm đau, dùng kháng sinh, thay băng,...”, bác sĩ Hiệp nói.

Bác sĩ Hiệp cho biết thêm, bệnh viện đang thực hiện kỹ thuật rửa phổi cho anh Lâm: Bơm nước vào làm sạch đường hô hấp của nạn nhân. Đồng thời, theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Hiệp, phía bệnh viện chỉ tiếp nhận, cứu chữa cho một nhạn nhân của vụ cháy. Còn anh Mười không có thông tin cấp cứu tại bệnh viện.

chay nha khien 3 me con tu vong o tp.hcm: nan nhan may man thoat chet bi bong toan than - 2

Toàn bộ tài sản trong căn nhà đã bị thiêu cháy hoàn toàn

Như đã thông tin, rạng sáng 4/12, vụ cháy lớn đã xảy ra tại căn nhà trong hẻm 161 đường Lạc Long Quân, P.3, quận 11, TP.HCM khiến khiến 3 người chết, hai người nhập viện cấp cứu.

Nhận tin báo, Phòng cảnh sát PCCC Q.11 điều động nhiều xe chữa cháy tới hiện trường ứng cứu. Khi ngọn lửa được dập tắt, Cảnh sát đã tìm thấy thi thể 3 người gồm chị Nguyễn Thị Bích Liễu (vợ anh Mười) và 2 con gái: Đinh Ngọc Trà My (15 tuổi ) và Đinh Thị Bích Quyên (6 tuổi, con của bà Liễu). Riêng anh Mười và người em vợ (anh Lâm)  bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu.

Trước cái chết thương tâm của 3 mẹ con chị Liễu, người dân sống trong khu vực đường Lạc Long Quân vẫn chưa hết bàng hoàng, và bày tỏ sự thương xót.

Hiện nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra làm rõ.

>> Xem thêm: 3 mẹ con chết cháy ở TP.HCM: “Nó chạy ra ngoài kêu cứu rồi vào cứu vợ con nhưng...không kịp”

Theo Quỳnh Chi (Khám phá)

Let's block ads! (Why?)

Nguyên thứ trưởng GD&ĐT: Cải tiến chữ "tiếq Việt" là nghiên cứu có ích

PGS TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đề xuất giản tiện bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31 của PGS.TS Bùi Hiền là một công trình có ý nghĩa. “PGS. Bùi Hiền là một nhà ngôn ngữ học tâm huyết. Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu cho người Việt có một bảng chữ cái ngắn gọn, tiết kiệm giấy mực và tốc độ ghi chép”, ông Nhĩ cho hay.

nguyen thu truong gd&dt: cai tien chu "tieq viet" la nghien cuu co ich - 1

Đề xuất cải cách bảng chữ cái tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền gây tranh cãi.

Cũng theo ông Nhĩ, công trình của PGS. Bùi Hiền giải phóng được sức lao động và có lợi cho con người. Bất cứ một công trình nào vì mục đích đó đều được đánh giá cao.

“Tôi không hiểu vì sao, cư dân mạng lại có những phản ứng dữ dội tới vậy”, ông Nhĩ nói.

Dù rất ủng hộ và trân trọng đề xuất của PGS. Bùi Hiền nhưng PGS. Trần Xuân Nhĩ cũng công tâm nhìn nhận, nếu thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt thì sẽ gây ra những hậu quả và thiệt hại vô cùng lớn.

PGS. TS. Bùi Hiền mới đưa ra những cái lợi, còn cái “hại” của việc thay đổi hệ thống ký tự như thế nào thì chưa lường tới.

Bởi lâu nay, hệ thống đồ sộ sách báo tư liệu, con dấu, văn bản… đều được truyền tải bằng chữ Quốc ngữ.

PGS. Trần Xuân Nhĩ cho hay: “Về căn bản tôi nhận định chữ Quốc ngữ đã khá hoàn thiện. Chỉ còn một số điểm khuyết giữa chữ c-k; q-qu; nhưng sau đó người ta quen dần với điều này. Ví dụ, có người viết Đắc Lắc nhưng cũng có người viết Đắk Lắk. Người đọc đều hiểu và được chấp nhận.

Chỉ vì một vài điểm khuyết như thế này cũng chưa nên thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết”.

Ông Nhĩ cũng cho rằng, đề xuất của PGS. TS. Bùi Hiền không giải quyết được cái khó của người nước ngoài học tiếng Việt như vấn đề về phát âm mà chỉ thay thế về chữ viết.

Ông Nhĩ cũng chia sẻ thêm, cách đây mấy chục năm bộ GD&ĐT đã tiến hành cải cách nét chữ, tức là chữ viết phải có nét thanh, nét đậm rất đẹp. Rất nhiều em học sinh phải dày công luyện tập, nuốn nắn, chỉnh sửa. Tuy nhiên, thời đại vi tính hóa khiến chữ viết không còn phân biệt được nét thanh, nét đậm nữa.

Ở môi trường phổ thông các em viết nét thanh nét đậm nhưng khi dùng máy tính thì điều này lại trở nên vô nghĩa. Vì thế, tính đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn không thấy việc viết nét thanh nét đậm quan trọng như đề xuất đưa ra trước đó.

Theo T.Huế (Người đưa tin)

Let's block ads! (Why?)

Những bà thầy bói chuyên lừa đảo nơi vùng sâu

Điển hình là pà dâu (thầy cúng) Đinh Thị Miết, ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Linh, huyện miền núi Sơn Hà đã câu kết với các thầy bói, thầy cúng Đinh Văn Mắt, Đinh Văn Rách, Đinh Thăm, Đinh Văn Chiếc, Đinh Vì (cùng trú tại thôn Làng Rí, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo, lấy tiền của người dân. Với thủ đoạn, giao cho Đinh Thị Miết bí mật chôn trong vườn nhà mình 1 túi nilon có chứa đất, mảnh chén bát mẻ, lông gia súc, gia cầm, rễ cây, phân gia súc...

Theo đồng bào Hrê, đó là những túi “có đồ độc”, rất nguy hiểm và linh thiêng, có thể gây chết người, gia súc, làm hại mùa màng. Sau đó, Miết cùng đồng bọn phao tin trong làng có túi ni lon chứa “đồ độc”. Người dân đã góp tiền đến pà dâu Đinh Văn Mắt để nhờ xem bói và được phán, đúng là trong làng có “đồ độc”. Và thế là người dân lại góp tiền nhờ pà dâu Đinh Thị Miết truy tìm túi nilon có “đồ độc” để giải hạn.

Trước sự chứng kiến của dân làng, Miết ra vườn, đào bới rồi lấy túi nilon mà trước đó chúng đã lén chôn sẵn để đem đi giải hạn. Với thủ đoạn trên các thầy bói đã liên kết, lừa đảo lấy hàng chục triệu đồng của người dân.

nhung ba thay boi chuyen lua dao noi vung sau - 1

Đối tượng Võ Thị Hảo kiểm điểm, xin lỗi trước dân

Hay như “bà thầy” Võ Thị Hảo, (ở thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hạ) cũng đã bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính về hành vi xem bói. Nhiều người dân có gia súc chết, người thân bị đau ốm tìm đến thì Hảo “phán” do bị người khác hại "cầm đồ thuốc độc". Người dân mất tiền phải trả xem bói còn nảy sinh mâu thuẫn, nghi kỵ "đồ độc" lẫn nhau, gây mất ANTT địa phương.

Tại thôn Ky, xã Ba Vì, huyện miền núi Ba Tơ còn có pà dâu Phạm Thị Lan lừa đảo rất nhiều người. Ông Phạm Văn Bin, Già làng uy tín xã Ba Thành, huyện Ba Tơ than vãn: “Trước đây đâu có thầy bói là nữ đâu, bây giờ nhiều quá. Phần lớn họ đều không có việc làm, bịa chuyện bói để lấy tiền của người ta”.

Lãnh đạo Công an huyện Ba Tơ cho biết, thường xuyên tổ chức mời các thầy cúng, thầy bói làm việc. Trên địa bàn huyện Ba Tơ hiện có trên 200 người đang hành nghề thầy bói, thầy cúng. Các đối tượng này đều được ký cam kết chống tư tưởng mê tín, dị đoan; không cúng bái, xem bói, bịa chuyện nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”...

Còn tại huyện miền núi Sơn Hà, Công an huyện và chính quyền xã đã xử phạt hành chính 6 nữ thầy bói và đưa ra kiểm điểm trước dân để giáo dục. Trước đó các nữ thầy bói này đã bịa chuyện nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" để lấy tiền người dân và gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Điển hình là nữ thầy bói Đinh Thị Pên, (ở xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà) lừa lấy tiền gần 20 người dân. Hỏi ra mới biết, do con bò của gia đình anh Đinh Văn Hùng (ở xã Sơn Kỳ, Sơn Hà) bị bệnh chết.

Người dân bàn tán nhà anh Hùng bị người khác “cầm đồ thuốc độc” gây hại nên anh Hùng mời thầy bói Pên đến giải. Pà dâu Đinh Thị Pên "phán" rằng gia đình anh Hùng bị người người hại bỏ "đồ độc" nên gia súc chết rồi người nhà sẽ bị đau.

Sợ quá, sau khi trả tiền bói, anh Hùng tiếp tục nhờ "thầy" Pên cứu giải lấy "độc". “Thầy” Pên ra ruộng tìm ra một túi “đồ độc” là bịch ni lông bọc một số tạp vật được giấu dưới ruộng. Gia đình anh Hùng vừa mừng vì tìm thấy “đồ độc”, vừa lo lắng vì có người ám hại gia đình mình chết. Anh Hùng đưa cho “thầy” Pên 600 nghìn đồng; sau đó gia đình tiếp tục vay mượn tiền để rước “thầy cúng” về trừ khử “độc”.

Tương tự, hàng chục người ở xã Sơn Ba, Sơn Kỳ, một số xã ở huyện Ba Tơ và huyện Cam Pơ Long (tỉnh Kon Tum) khi có người thân bị bệnh, chết hoặc gia súc chết thì tìm đến thầy bói, thầy cúng nhờ giải độc. Chính từ những túi “đồ độc” được nữ thầy bói Pên “phát hiện”, bà con các thôn, bản bùng phát hoang mang, nghi kỵ lẫn nhau; lo sợ bị hãm hại nhau “cầm đồ thuốc độc”…

Trước tình hình trên, Công an huyện Sơn Hà đã tổ chức xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ để bóc trần trò lừa bịp của Đinh Thị Pên. Trong lúc đối tượng Pên đang thực hiện trò “bịp”, lực lượng Công an đã bắt quả tang và vạch trần “chiêu lừa” trước bà con thôn bản.

Tại Công an huyện Sơn Hà, Pên khai nhận, lợi dụng sự mê tín của người dân, mỗi khi họ mời về nhà tìm “đồ độc”, Pên chuẩn bị sẵn một bịch nilon bọc một số tạp vật. Trong lúc giả vờ tìm trong vườn, Pên lén bỏ bịch nilon ra và bảo mọi người đã tìm được “đồ độc”.

Theo Trà Câu (Công an nhân dân)

Let's block ads! (Why?)