Tìm về thị trấn Tứ Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, hỏi về hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1955) ai cũng biết. Bà Xuân nổi tiếng là bởi vì cuộc sống của bà quá cơ cực. Dù đã hơn 60 tuổi mà vẫn phải sống trong túp lều lụp xụp, ẩm ướt, dột nát, không điện, không nước sinh hoạt.
Túp lều là nơi mà cả 3 thế hệ gồm bà Xuân, người con gái tên là Nguyễn Thị Hoa (SN 1995) và đứa cháu gái nhỏ mới được 10 tháng tuổi bị cha nó ruồng bỏ đang cùng sinh sống.
Túp lều nhà bà Xuân mới được một tổ chức từ thiện đến tu sửa giúp cách đây 3 tháng.
Kiếp đời người vợ lẽ
Trong túp lều bạt rộng chừng 20m2, được dựng tạm ngay trên mảnh ruộng mà chồng bà được cấp, bà Xuân trầm ngâm kể về sự cơ cực đời làm vợ lẽ của mình.
Bà quê ở xã Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), năm 1992 bà bắt đầu theo ông Nguyễn Văn Hành về sinh sống ở thị trấn Tứ Trưng.
Bà Xuân kể cho chúng tôi nghe về kiếp làm vợ lẽ cơ cực
Tuy nhiên, sự có mặt của bà Xuân không được gia đình chồng công nhận. Năm 1993, vợ chồng bà phải ra mảnh ruộng được cấp dựng lều và sinh sống từ đó cho đến nay.
Vật dụng trong nhà đến 90% là đồ cũ do người khác mang đến cho.
“Tôi xác định chết làm ma xã hội, nhờ xã hội. Chứ chắc chắn rằng nhà chồng tôi sẽ không bao giờ thờ phụng tôi”- bà Xuân bộc bạch.
Năm 1995, bà Xuân sinh được một người con gái đó chính là chị Hoa. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi đến năm 2004 chồng bà đột ngột qua đời, gánh nặng nuôi con dồn hết lên vai của bà.
Nhưng cũng thật trớ trêu, vừa mới tốt nghiệp xong, Hoa chưa thể xin được một công việc ổn định thì lại mang thai, cha của đứa trẻ không thừa nhận cái thai nên hai mẹ con bà Xuân lại cố gắng nuôi nhau.
Tài sản giá trị nhất là chú chó nhỏ
Bà Xuân tuổi đã cao nên thu nhập chỉ trông chờ vào tiền bán rau muống và sả mà bà trồng được. Còn chị Hoa thì cứ nửa buổi lại đi nhặt sắt vụn, thu nhập cũng chẳng được là bao.
Mỗi tháng, để lo mọi chi phí sinh hoạt và chăm sóc đứa con nhỏ, chị Hoa đều trông chờ vào khoản tiền hơn 390 nghìn đồng được hưởng theo chế độ trợ cấp mẹ đơn thân nuôi con nhỏ.
Túp lều lụp xụp, dột nát nhưng lại là nơi sinh sống của 3 thế hệ nhà bà Xuân.
Đồ đạc trong nhà không có gì là đáng giá.
Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt của họ chẳng có gì thực sự đáng giá, giường ngủ được làm bằng những thanh tre ọp ẹp ghép lại, chiếu rách nát và vài chiếc chăn, gối đã sờn rách, xoong nồi dùng để nấu ăn thì móp méo, bát đũa sứt mẻ…
Hàng ngày để có nước sinh hoạt bà Xuân lại mang thùng sang bên chùa ngay cạnh nhà để xin nước về dùng. Điện thì không có nên nhà bà vẫn phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng.
Chú chó nhỏ là tài sản giá trị nhất trong nhà bà Xuân.
Bà Xuân cho biết: “Giá trị nhất trong nhà tôi là chú chó nhỏ, bán đi may chăng thì được vài ba trăm nghìn".
Bà Xuân đang cầu mong về một lứa vịt khoẻ mạnh để có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.
Mưa dột khắp nhà, nước từ ao chùa tràn lên ngập cả vào nhà. Những hôm nắng nóng thì không thể ở được, bà Xuân phải bế cháu ra ngồi gốc cây xoài cạnh chùa. Những đêm mưa giông là những lần bà Xuân sợ nhất, bà phải ôm chặt cháu gái vào lòng và cầu mong cơn mưa nhanh qua để cháu bà có thể có được giấc ngủ yên.
Hàng ngày bà phải sang chùa để xin nước về để dùng.
Tôi thèm có căn nhà cấp 4 để cho con cháu tránh mưa, tránh nắng
“Tôi giờ đã già, cả đời khổ cực nên tôi cũng quen rồi, ngay cả thịt tôi cũng chẳng thích ăn. Tôi chỉ thương cháu tôi, bị cha nó hắt hủi từ khi còn trong bụng mẹ, giờ lại phải sống ở nơi thiếu thốn như vậy.
Nghĩ về tương lai của đứa cháu nhỏ, bà Xuân bật khóc, khi ngay cả ngôi nhà tử tế để lấy chỗ chui ra, chui vào còn không có.
Nhiều người thấy thương cũng đã đến nhà ngỏ lời xin cháu về nuôi, nhưng tôi nghĩ dẫu sao cháu còn bà, còn mẹ, nếu cho cháu đi thì tội nghiệp. Nên hai mẹ con tôi lại động viên nhau cố gắng nuôi cháu.
Mỗi lần đi qua nhà người ta tôi lại ngắm nhìn, tôi thèm có một căn nhà cấp 4 để cho con cháu tránh mưa, tránh nắng. Nhưng đất không có, tiền cũng không, e rằng đến lúc tôi mất đi thì con cháu tôi cũng vẫn phải ở đây”, bà Xuân giọng buồn rầu.
Gốc cây xoài cạnh chùa là nơi mà gia đình bà Xuân thường xuyên lui tới để tránh đi sự nóng nực trong túp lều.
Liên quan đến trường hợp nhà bà Xuân, trao đổi với phóng viên, anh Đỗ Văn Thức – Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết: Trường hợp của gia đình bà Xuân rất khó khăn, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm. Nhìn cảnh bà, mẹ và đứa cháu cùng sống trong túp lều lụp xụp ai cũng thương, phần vì môi trường không đảm bảo cho sức khỏe cho người già và trẻ nhỏ, phần vì cũng ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, theo quy định, phần đất của gia đình bà đang sinh sống là đất công, UBND thị trấn chỉ có thể tạo điều kiện cho mượn để gia đình bà ở tạm. Hiện nay, chính quyền địa phương đang chờ UBND huyện Vĩnh Tường phê duyệt quy hoạch chuyển đổi phần diện tích đất nông nghiệp của địa phương để xây dựng khu giãn dân và dành một phần diện tích nhỏ, cấp cho gia đình bà Xuân. |