Sau vài ngày xảy ra sự việc 18 người bị sốc, trong đó có 7 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, chúng tôi đã tìm đến xóm chạy thận tại ngõ 121, phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội).
Ngay đầu con hẻm dẫn vào xóm chạy thận, từ quán nước cho đến hiệu cắt tóc, ở đâu cũng râm ran những lời bàn tán sau khi sự việc xảy ra ở Hòa Bình.
Từ quán nước, đến quán cắt tóc ở xóm chạy thận, đâu đâu cũng chung một lo lắng khi sự việc xảy ra ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Đi vào từng phòng trọ, nghe tâm sự của những người hàng ngày phải sống chung với máy chạy thận chúng tôi mới thấy được, từ lâu trong lòng họ đã chất chứa những nỗi lo chứ không phải đợi đến lúc xảy ra sự việc.
Tính mạng treo trên từng chiếc máy
Bạn Lê Thị Oanh (sinh năm 1990, ở Ba Vì, Hà Nội), người đã 10 năm chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Nghe thấy tin đó, em cảm thấy hãi hùng, không chỉ riêng em mà ở đây ai cũng đều lo lắng cả”.
Theo Oanh, dù mắc bệnh suy thận nặng, nhưng Oanh còn nhiều dự định trong cuộc sống vẫn chưa hoàn thành, vì thế khi biết tin những người đồng bệnh (cùng chạy thận) như mình tử vong khi chạy thận, Oanh luôn có những liên tưởng mà cứ nghĩ đến là lại rùng mình.
“Những người suy thận như chúng em, cả cuộc đời phải sống dựa vào chiếc máy chạy thận, dù có muốn hay không muốn, dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, vì chỉ có chiếc máy đó mới duy trì được cuộc sống của mình”, Oanh nói.
Oanh đã từ chứng kiến những người tử vong trên giường bệnh khi chạy thận.
Khi chúng tôi hỏi về việc 10 năm chạy thận, bản thân Oanh đã gặp phải phản ứng nào chưa? Oanh suy nghĩ rồi nói, chưa hề bị lần nào. Nhưng ít nhất, trong 10 năm đi chạy thận Oanh đã chứng kiến ít nhất 2 người tử vong ngay trên giường bệnh, khi máy còn đang chạy.
“Lần thứ nhất đó là một bác hơn 50 tuổi, kim tiêm bị chệch khỏi cầu tay (một bộ phận dùng chạy thận) ngay lập tức bác ấy bị co giật và tử vong tại chỗ. Còn một lần nữa là một bác gái, không biết tử vong từ khi nào. Khi thấy máy dừng chạy, bác sĩ vào mở chăn ra thì bác đã đi rồi”, Oanh kể lại.
Cuối cùng, chia sẻ về chặng đường phía trước, Oanh nhìn ra xa xăm và nói: “Phải chấp nhận thôi, cuộc đời chúng em treo lơ lưởng trên những chiếc máy rồi, chỉ khi nào rút kim tiêm, huyết áp ổn định thì mới biết mình còn sống”.
Có những bạn trẻ đi chạy thận với đầy những lo lắng.
Chỉ khi nào về nhà, ổn định huyết áp mới biết mình đã tạm an toàn.
Chạy cũng chết, không chạy cũng chết
Rời phòng trọ của Oanh, chúng tôi tìm đến một xóm trọ khác, tại đây chúng tôi gặp bác Hoài (64 tuổi, ở Nam Định), khi hỏi bác về sự việc rúng động vừa xảy ra, bác Hoài chia sẻ với nét mặt buồn rười rượi: “Giờ chạy cũng chết, mà không chạy cũng chết, thôi thì mình cứ chạy để khỏi bị chết trong đau đớn”.
Bác Hoài cho biết, ở tuổi của bác cái chết chẳng có gì đáng sợ, vì 10 năm chạy thận, vừa xa nhà, vừa là gánh nặng cho con cháu, nên bác Hoài luôn sẵn sàng đón nhận dù trong hoàn cảnh nào.
Bác Hòai chỉ vào "chiếc máy" nhỏ cài trong cổ tay để chạy thận.
Còn bác Hoàng Thị Tư (57 tuổi) thì lạc quan chia sẻ: “Tôi đã nghe thông tin đó, nhưng không sợ vì tôi đang được điều trị ở một bệnh viện lớn, với máy móc hiện đại và luôn được kiểm tra, vì thế tôi rất yên tâm”.
Đồng thời bác Hoài cũng động viên người khác, không nên hoang mang, tập trung vào điều trị, có như vậy với mang lại kết quả như mong muốn.
Nhìn chung, sau khi xảy ra sự việc, những người hàng ngày đang phải sống nhờ vào chiếc máy lọc đều có những tâm tư của riêng mình, nhưng điểm chung của họ là nghèo và không hẹn ngày về. Nếu có ngày về thì đó là chuyến về quê định mệnh mà chẳng ai muốn chào đón.
Quy trình chạy thận an toàn
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam), quy trình chạy thận an toàn trải qua rất nhiều khâu. Theo đó, trước khi được chạy thận, bệnh nhân phải được tiếp cận mạch máu (a vascular access). Bác sĩ sẽ dùng kim dẫn một lượng nhỏ máu ra ngoài cơ thể, chạy tới máy chạy thận và từ máy chạy thận chạy lại vào trong cơ thể thông qua một cây kim khác. Vùng được đưa kim vào cần được hồi phục hoàn toàn trước khi việc chạy thận bắt đầu.
Hiện nay, có 3 cách tiếp cận mạch máu, qua lỗ thông động tĩnh mạch (Arteriovenous (AV) fistula), qua ống thông nối động - tĩnh mạch nhân tạo (AV graft), đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm.
Trong khi chạy thận, bệnh nhân được đưa vào vùng tiếp cận mạch máu 2 cây kim. Mỗi cây kim sẽ được nối với một ống đàn hồi và nối với máy chạy thận. Thông qua một ống, máy chạy thận sẽ lọc một vài ml máu một lần, cho phép chất thải và chất lỏng từ máu đi vào một chất lỏng làm sạch được gọi là chất thẩm tách (dialysate). Máu được lọc sẽ trở lại cơ thể thông qua ống thứ hai.
Với những người chạy thận dưới 3 lần/tuần, khi máu chạy ra khỏi cơ thể có thể sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau bụng, việc này có thể được điều chỉnh bằng cách yêu cầu bác sĩ điều chỉnh tốc độ lọc máu, loại thuốc hoặc loại chất thẩm tách sử dụng. Trong quá trình chạy thận, huyết áp và nhịp tim thay đổi rất nhiều, yêu cầu bác sĩ phải theo dõi sát sao.
Sau khi chạy thận xong, bệnh nhân được rút hai kim ra khỏi tiếp cận mạch máu và băng lại. Người bệnh sẽ được cân lại một lần nữa sau đó có thể trở về nhà sinh hoạt bình thường, đợi đến lần chạy thận tiếp theo.
|
Theo Lê Phương (Khám phá)
Let's block ads! (Why?)