Có một thời mà chat chit, internet, game online chưa phổ biến như bây giờ, mọi người chủ yếu giải trí qua chiếc vô tuyến, xem chủ yếu 3 kênh của VTV hay một vài kênh truyền hình địa phương và băng đĩa cổ điển. Lúc ấy, gameshow không hề tràn lan và bão hòa như hiện nay, thậm chí nhiều gia đình còn ít có tivi hay các phương tiện nghe nhìn thì việc xem các chương trình truyền hình đã đem tới niềm vui cho cả nhà.
Có rất nhiều show truyền hình hay, từng khiến các bạn trẻ mong ngóng, chầu chực trước màn ảnh nhỏ nhưng nay đã đi vào dĩ vãng. Nếu bạn là 8x và 9x đầu đời hẳn bạn sẽ bồi hồi nhớ lại "ngày xưa ơi" với những gameshow một thời này, giờ chỉ còn trong "một vé đi tuổi thơ".
Có một lớp khán giả được gọi là Thế hệ "Những bông hoa nhỏ" bắt nguồn từ tên một chương trình truyền hình "huyền thoại" mà các em nhỏ luôn chờ đợi vào mỗi buổi chập tối. Hồi đó, hầu như mọi đứa trẻ đều háo hức được xem chương trình này vào mỗi bữa cơm tối hay trước giờ ngồi vào bàn học, có chạy đi đâu chơi cũng cuống cuồng về nhà bật TV.
Đây là một trong những chương trình truyền hình đầu tiên của Việt Nam dành cho các khán giả nhỏ tuổi. Show ra đời năm 1970 và ngừng phát sóng vào năm 1995 nhưng năm 2012 lại được VTV6 khôi phục lại. Chương trình vừa mang đến cho thiếu nhi những kiến thức bổ ích trong cuộc sống, học những bài học về tình yêu thương, bên cạnh đó còn gồm nhiều trò chơi thú vị và tạo nên không gian âm nhạc vui nhộn.
Nhiều khán giả vẫn bồi hồi nhớ lại hình ảnh và nhạc hiệu quen thuộc của "Những bông hoa nhỏ" một thời
Chương trình do nhạc sĩ Trần Đức sáng lập, dẫn chương trình ở các phiên bản khác nhau gồm có MC Thảo Vân, Lê Sơn, Vân Chi. Sau gần 3 thập kỷ phát sóng, nhiều khán giả không khỏi nuối tiếc khi chương trình không còn được chiếu trên truyền hình. Đến bây giờ, các khán giả nhỏ tuổi đã có hàng loạt những TV Show vô cùng đa dạng nhưng Những bông hoa nhỏ vẫn có một sức ảnh hưởng khá lớn đến các chương trình tạp kỹ trẻ em.
Vườn cổ tích từng được coi là gameshow dành cho lứa khán giả gần như nhỏ nhất nhưng lại có tuổi đời "già nhất" với 8 năm. Sân chơi có cái tên rất mộng mơ ấy ra đời vào cuối năm 1997 và cứ đều đặn mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, khán giả nhí lại mong ngóng ngồi trước màn hình vô tuyến để được thưởng thức một Vườn cổ tích do chính các bạn nhỏ 8, 9 tuổi là nhân vật chính.
Đây là một trong những gameshow tuổi đời "già nhất" VTV3
Những câu nói quen thuộc trong chương trình của BTV Bảo Vân: "Có đúng không các em?", "Có hay không các em?" rồi các bạn nhỏ nhất loạt "Vâng ạ" đã trở thành ký ức khó phai mờ. Chương trình đã trở thành người bạn thân quen của các khán giả nhí với những câu chuyện cổ tích dễ thương, những trò chơi vận động giúp các bé thể hiện sự thông minh, khéo léo.
Bảo Vân là người gắn bó với show từ những ngày đầu tiên, sau đó là Quỳnh Trang rồi đến Lại Bắc Hải Đăng. Đây cũng là show mà những người làm chương trình rất chịu khó đổi "món" khi thay đổi trò chơi liên tục để các em nhỏ khỏi chán. Show ngừng phát sóng vào năm 2002 chương trình ngưng lên sóng nhưng đến năm 2013 VTV lại cho sản xuất một chương trình Vườn cổ tích phiên bản mới để phục vụ đối tượng thiếu nhi.
Khác với Vườn cổ tích và Những bông hoa nhỏ thì Tuổi đời mênh mông lại dành cho những khán giả có độ tuổi lớn hơn một chút là các bạn học sinh, sinh viên. Đây là show truyền hình mà học sinh, sinh viên có cơ hội thể hiện khả năng ca hát của mình. Các khán giả còn có thể bình chọn giọng hát, nhóm nhạc và bài hát mình yêu thích ở mỗi vòng thi hàng tháng. Show được phát sóng trên VTV3 lúc 14h thứ bảy tuần thứ hai mỗi tháng và phát lại lúc 22h thứ sáu tuần kế tiếp.
Bạn có nhận ra các ca sĩ nổi tiếng bây giờ từng tham gia "Tuổi đời mênh mông" khi còn trẻ? Trong hình là Đông Nhi (áo hồng, buông tóc), Phương Vy (áo xanh) và Đại Nhân (áo kẻ).
Chương trình ngay từ khi ra đời đã được đông đảo khán giả đón nhận. Đặc biệt, cũng là cái nôi từ thuở thiếu thời của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Tóc Tiên, Đông Nhi, Thùy Chi, Phương Vy... MC Minh Trang là gương mặt dẫn chương trình quen thuộc. Dù đã khép lại sứ mệnh của mình nhưng Tuổi đời mênh mông đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng rất nhiều khán giả trẻ.
Lên sóng lần đầu tiên vào năm 1996, SV 96 là trò chơi trên truyền hình đầu tiên của VTV. Gameshow thử nghiệm này nhanh chóng trở thành sân chơi thú vị thu hút hàng ngàn sinh viên từ mọi miền Tổ quốc. Nhà báo - MC Lại Văn Sâm, người "khai sinh" ra show chia sẻ rằng chương trình hướng tới đối tượng thanh niên và nhằm "khơi dậy tinh thần tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết ở các bạn".
Trong chương trình, đội chơi là các bạn sinh viên đã có cơ hội giao lưu, đoàn kết với nhau thể hiện khả năng trí tuệ, sự thông thái và óc hài hước. Cũng tại đây đã xuất hiện nhiều gương mặt thành danh sau này như Diva Mỹ Linh, Bằng Kiều, nhạc sĩ Lê Minh Sơn (thành viên đội Nhạc viện Hà Nội), Ban nhạc Bức Tường (thành viên đội Đại học Xây dựng) và "Giáo sư Cù Trọng Xoay" Đinh Tiến Dũng (đội tuyển Đại học Nông nghiệp Hà Nội).
"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng từng tham gia chương trình
Chương trình trải qua các phiên bản SV 96, SV 2000, SV 2012 và đến SV 2016. Người sáng lập đồng thời là MC "nhẵn mặt" của chương trình đã tâm sự: "Qua mỗi thời SV tôi luôn có cảm xúc tự hào xen lẫn ngậm ngùi. SV96, các bạn gọi tôi là anh, SV 2000 các bạn sinh viên vẫn gọi tôi là anh nhưng đến SV 2012, các bạn gọi tôi bằng chú. Và đén năm 2016, chương trình SV bắt đầu khởi động lại, toàn bộ các bạn gọi tôi bằng bác".
Rung chuông vàng cũng là cuộc thi kiến thức dành cho các bạn sinh viên với lượng người tham gia đông đảo. Mỗi show có đến 100 sinh viên tham dự. Ban đầu show dành cho các sinh viên trong cùng một trường đại học thi đấu loại với nhau. Sau này, ban tổ chức đã tổ chức thi đấu giữa 2 trường đại học, vẫn với hình thức trả lời câu hỏi đấu loại để tìm ra người trụ lại cuối cùng. Trận Chung kết của chương trình thường được diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gồm 100 sinh viên đến từ các trường đại học tham dự.
"Rung chuông vàng" là sân chơi kiến thức dành cho sinh viên các trường đại học được khán giả rất yêu mến
Lần phát sóng cuối cùng của Rung chuông vàng trên VTV3 vào ngày 6/11/2011 sau 6 năm gắn bó với khán giả. Sau đó, chương trình đã được chuyển đối tượng xuống học sinh Trung học phổ thông và được phát trên VTV9. Diệp Chi, Lại Bắc Hải Đăng, Hồng Phúc… là những MC quen thuộc của chương trình.
Nhắc đến chương trình này, hẳn nhiều khán giả sẽ nhớ ngay đến hình ảnh MC Bạch Dương và Hoa Thanh Tùng. Bên cạnh đó còn có sự dẫn dắt của MC Hồng Phúc, Lam Kiều. Đây là show truyền hình lý thú, đưa khán giả "đi du lịch" mọi miền Việt Nam và thế giới để tìm hiểu văn hóa. Người chiến thắng sẽ giành được một chuyến du lịch thực sự.
Bạch Dương và những người chơi trong chương trình
Show được phát sóng trên kênh VTV3 vào 19h50 thứ năm hàng tuần. Chương trình bắt đầu lên sóng vào năm 2001, số cuối cùng của Hành trình văn hóa trên VTV3 là vào ngày 31/5/2007 trong đêm Gala 6 năm. Sau này, chương trình được thay thế bằng một gameshow tương tự có tên là Hành khách cuối cùng.
Từ ánh mắt đến trái tim cũng là một gameshow mang đầy kỷ niệm của các khán giả trẻ một thời. Đây là show truyền hình hẹn hò đầu tiên tại Việt Nam trên VTV. Nó được coi là một trong những gameshow lãng mạn nhất từ trước đến nay. Đã có khá nhiều cặp đôi nên duyên từ show.
Tùng Chi của Từ ánh mắt đến trái tim" nay là người đàn bà quyền lực bậc nhất VTV
Dẫn chương trình là hai cái tên MC Tùng Chi và Hoa Thanh Tùng. Sau này, VTV có chương trình Tình yêu của tôi được coi là phiên bản mới của Từ ánh mắt đến trái tim nhưng kể lại những câu chuyện tình có thật trong đời sống bằng hình ảnh, có sự tham gia của các nguyên mẫu.
Chiếc nón kỳ diệu là chương trình "lâu đời" bậc nhất VTV3 với chặng đường phát sóng 16 năm. Đây là "món ăn" quen thuộc của người xem truyền hình vào mỗi trưa thứ bảy. Chương trình lên sóng kể từ năm 2001 và khép lại số cuối cùng đúng vào dịp Noel năm ngoái, ngày 24/12/2016, trải qua 811 số.
Chiếc nón kỳ diệu trở thành một thói quen mỗi cuối tuần của không ít khán giả suốt hơn 1 thập kỷ
Gameshow được mua bản quyền và dựa trên trò chơi Wheel of Fortune - Vòng quay may mắn của Mỹ phát sóng từ năm 1975. Những gương mặt MC thân thuộc của chương trình gồm có: Lại Văn Sâm, Long Vũ, Tuấn Tú, Danh Tùng, Đức Bảo, Lưu Minh Vũ. Bên cạnh đó là các người đẹp phụ trách ô chữ: Phạm Thu Hằng, Hương Giang, Cô người máy Maika, Nguyễn Hồng Nhung, Trang Nhung, Phương Thảo.
Ở nhà chủ nhật - một gameshow gắn bó khá lâu với khán giả trong suốt 9 năm từ năm 1999 và dừng lên sóng vào ngày 30/12/2009. Đây là chương trình thú vị nhằm tăng sự đoàn kết của các thành viên trong gia đình.
MC "Ở nhà chủ nhật" Thanh Hường
Dẫn chương trình trong nhiều năm là nhà báo Bùi Thu Thủy, trước đó có nhà báo Tạ Bích Loan, nhà báo Bảo Vân và nhà báo Minh Vũ, sau này được thay thế bằng nhà báo Thanh Hường. Qua gần 1 thập kỷ gắn bó, Ở nhà chủ nhật đã từng là show truyền hình nhà nhà đều theo dõi mỗi trưa chủ nhật hàng tuần.
Một trong những show dừng phát sóng để lại nhiều tiếc nuối nhất cho khán giả phải nói đến chương trình Gặp nhau cuối tuần. Hiện nay, nhan nhản các show truyền hình hài nhưng đã có một thời khán giả chỉ biết đến chương trình hài kịch thực tế Gặp nhau cuối tuần.
Chương trình được phát sóng từ năm 2000 đến 2006. Nó trở thành show được chờ đợi nhất trong tuần để khán giả đón xem vào 10h sáng thứ 7 hàng tuần. Chương trình mang đến nhiều câu chuyện hài hước đề cập đến các vấn đề xã hội thông qua diễn xuất của các nghệ sĩ Minh Vượng, Văn Hiệp, Phạm Bằng, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Vân Dung, Giang Còi, Quang Tèo, Thu Hương… Dẫn chương trình là MC Thảo Vân.
Hình hiệu quen thuộc của "Gặp nhau cuối tuần" in sâu trong đầu nhiều khán giả
Ekip sản xuất chương trình còn thực hiện Gala cười lên sóng 6 tháng 1 lần và chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm phát sóng vào đêm Giao thừa Tết âm lịch. Quyết định dừng sản xuất chương trình đã làm không ít khán giả hụt hẫng. Tuy nhiên mỗi năm, chương trình Táo quân vẫn được lên sóng dịp Tết nguyên đán và được nhiều người xem ngóng đợi.
Ngoài ra, còn có nhiều gameshow truyền hình một thời được nhiều khán giả yêu thích nay đã dừng phát sóng như Bảy sắc cầu vồng, Trò chơi âm nhạc... Hiện nay, không thiếu các chương trình giải trí nhưng những show hồi ấy vẫn tạo một cảm xúc khó quên cho khán giả khi nhớ lại và ngậm ngùi nhớ về một thời đã qua.
Theo Anne (Khám phá)
Let's block ads! (Why?)