Sai lầm khi xử lý chảy máu cam cho trẻ
ThS.BS Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam. Trong đó, có thể do rối loạn đông máu hoặc do những viêm nhiễm bên trong mũi gây ra.
Bên cạnh đó, sự va đập bởi một lực mạnh trực tiếp lên phần mũi hay thói quen ngoáy mũi, cạy gỉ mũi quá mạnh gây ra các tổn thương bên trong mũi cũng khiến mũi trẻ dễ bị chảy máu. Ngoài ra, khi cơ thể trẻ nhỏ bị thiếu vitamin C cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ bị chảy máu cam.
Theo BS Mai, khi trẻ bị chảy máu cam, rất nhiều phụ huynh thường cho trẻ ngửa cổ lên để ngăn dòng chảy từ mũi xuống. Tuy nhiên, đây là một phương pháp sai lầm, bởi lẽ, khi đó thay vì chảy ra phía lỗ mũi, máu lại bị “ép” chảy ngược vào trong cổ họng và xuống dạ dày. Trong trường hợp lượng máu nhiều chảy ngược đột ngột xuống cổ họng có thể gây khó thở và cảm giác buồn nôn ở trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên cho trẻ ngửa cổ lên hoặc cúi gằm xuống khi đang bị chảy máu cam. Ảnh minh họa
Mặt khác, cũng có một số phụ huynh cho trẻ cúi hẳn mặt xuống để “dốc” hết lượng máu chảy ra ngoài. Đây cũng là phương pháp không được khuyến cáo vì khi đó, áp lực dồn lên phần mặt của trẻ rất lớn, dễ khiến trẻ bị hoa mắt, chóng mặt, thậm chí cảm giác nhức đầu.
Do đó, BS Mai tư vấn, phương pháp đơn giản để “cầm máu” tại chỗ cho trẻ trong trường hợp bị chảy máu cam là giữ người trẻ ở tư thế cân bằng, có thể cho trẻ nằm cố định một chỗ, dùng 2 tay ép chặt phần cánh mũi trong vài phút cho đến khi thấy máu ngừng chảy.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể chườm lạnh lên mũi cho trẻ để hạn chế lượng máu chảy ồ ạt. Tuy nhiên, BS Mai khuyến cáo, không nên dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên mũi của trẻ nhỏ vì đây là bộ phận cũng khá nhạy cảm, nước đá sẽ gây nguy cơ bỏng lạnh cho trẻ. Tốt nhất, phụ huynh nên chườm lạnh cho trẻ qua một lớp khăn mỏng sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Chăm sóc trẻ bị chảy máu cam
Theo BS Nguyễn Thị Mai, khi trẻ bị chảy máu cam, phụ huynh nên tăng cường các đồ ăn giàu vitamin C trong chế độ ăn của trẻ như: các loại rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin C nhất là các loại củ, quả có vị chua hoặc có thể cho trẻ uống bổ sung các loại viên sủi chứa vitamin C hàng ngày.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần lưu ý, không nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn có tính cay, nóng hoặc các loại thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ vì những loại này có thể gây nóng trong người trẻ dẫn đến vỡ cấu trúc mạch máu và khiến tình trạng chảy máu cam của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Hơn nữa, mặc dù các loại trái cây rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhất là các loại trái cây bổ sung nhiều vitamin C nhưng phụ huynh cũng nên lưu ý, không cho trẻ ăn nhiều các loại trái cây có tính nóng như nhãn, vải, chôm chôm, mít, sầu riêng, xoài,… để ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam tái phát.
Ngoài ra, các loại nước ngọt có gas, đồ uống có chứa nhiều chất kích thích cũng là những thứ nên kiêng cho trẻ khi đang bị chảy máu cam.
Để đề phòng trường hợp bị chảy máu cam, BS Mai khuyến cáo, phụ huynh nên vệ sinh mũi, họng sạch sẽ cho trẻ. Có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng để rửa mũi cho trẻ.
Tuy nhiên, không nên rửa nước muối nhiều lần vì cũng làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhầy bảo vệ và dễ bị tổn thương. Đồng thời, hạn chế tối đa việc va đập mạnh lên vùng mũi của trẻ. Bên cạnh đó, trong thời tiết nóng bức, nên có các biện pháp bổ sung độ ẩm để hạn chế gây tổn thương đến niêm mạc mũi gây chảy máu.
Chẳng hạn, dùng máy phun sương làm ẩm không khí hoặc có thể bôi một chút kem dưỡng ẩm dành cho trẻ nhỏ vào phần trước của vách ngăn mũi. Số lần bôi tùy vào tình trạng khô mũi của từng trẻ. Nếu trẻ bị chảy máu cam dai dẳng, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị kịp thời.
Let's block ads! (Why?)