Bên ngoài cổng Bệnh viện K Trung ương (cơ sở Quán Sứ, Hà Nội), “cò mồi” hoạt động rất náo nhiệt, với những từ ngữ “chuyên ngành” chỉ dân 'cò' mới có. Tất cả bệnh nhân tới khám sẽ được "cò" lập tức tiếp cận, lôi kéo với hứa hẹn "sẽ dẫn lối được gặp bác sĩ giỏi, khám nhanh không cần xếp hàng". Và với mỗi bệnh nhân số tiền họ phải bỏ ra khi khám tại viện thông qua cò đều có mức giá chênh lệch, từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Bài 1: Bệnh nhân qua "cò" sẽ được dẫn thẳng vào phòng bác sĩ, khỏi cần xếp số
Khám bệnh viện nhưng đăng ký tại phòng khám tư
Trong vai một người đi khám bệnh vừa ở quê lên, đứng đối diện bệnh viện, ngơ ngác giả bộ sang đường, chúng tôi phát hiện có 3 đối tượng “cò” đang tiến đến và áp sát hỏi chuyện: “Đi khám gì đấy em? Trong kia xếp hàng đông lắm, để chị dẫn đi, không phải xếp hàng lại được khám trưởng khoa”.
Giả bộ đau bụng dữ dội, chúng tôi mở lời nhờ vả: “Chị giúp em với, chứ xếp hàng như mấy lần trước em sợ quá”. Nghe được câu nói đó, người phụ nữ hơn 40 tuổi nhanh nhảu: “Em yên tâm, chị là nhanh nhất ở đây rồi”. Vừa nói người phụ nữ vừa kéo sềnh sệch chúng tôi qua đường. Nhưng thay vì vào bệnh viện,“cò” đưa chúng tôi đến 1 nơi khác.
Khi thấy người bệnh "cò" (đội mũ, áo hoa) nhanh chóng tiếp cận chèo kéo ra phòng khám tư.
Video hành trình 'cò dẫn người bệnh từ phòng khám đến bệnh viện
“Chị ơi, em khám ở viện K mà, sao lại không vào viện?”, chúng tôi hỏi và người phụ nữ đáp lời: “Em yên tâm, sẽ được khám viện K, xét nghiệm, nội soi ở viện K hết. Nhưng giờ chưa đến 6 giờ, họ đã làm việc đâu. Ra đây lấy số đã”.
Đi theo người phụ nữ này, chúng tôi đến 1 phòng khám tư cách đó gần 1 cây số. Tại đây các nhân viên y tế niềm nở đón tiếp và khẳng định sẽ trực tiếp đưa vào bệnh viện để nội soi dạ dày.
Sau khi làm thủ tục, một nữ nhân viên phòng khám dặn dò chúng tôi chờ đến 9 giờ sáng bác sĩ mới họp giao ban đầu tuần xong và chúng tôi sẽ là người khám đầu tiên. Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi luôn có một đối tượng đội mũ lưỡi trai áp sát. Nghi bị lộ và có bảo kê theo dõi, chúng tôi lấy lý do đi rút tiền rồi quyết định “rút êm”.
Cò tư vấn như bác sĩ
Ngày hôm sau (11/4), chúng tôi quyết định quay lại khu vực Bệnh viện K để tiếp tục điều tra làm rõ thủ đoạn của giới “cò” bệnh viện, cũng như những phòng khám nhận bệnh nhân từ 'cò'. Tuy nhiên, hướng đi của chúng tôi lần này là từ khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Đang ngơ ngác giữa dòng người qua lại, bất chợt một người phụ nữ sồ sề, với giọng nói oang oang tiến tới và nói: “Em đi khám gì đấy?”. Trong vai người chồng đưa vợ từ quê ra đi khám phụ khoa, người phụ nữ này lập tức tư vấn: “Tưởng khám bầu bí thì sang phụ sản, chứ phụ khoa thì theo chị. Em phải sang K (bệnh viện K) khám vì ngoài vấn đề viêm nhiễm, em còn được phát hiện sớm ung thư. Thôi cứ theo chị, đảm bảo khám nhanh, gọn, bác sĩ giỏi”.
Đối tượng cò mồi cho biết ra phòng khám tư chỉ để đăng ký còn vẫn được khám trong Bệnh viện K.
Cũng như ngày hôm trước, người phụ nữ này lại dẫn chúng tôi đến một phòng khám gần bệnh viện, khi thắc mắc thì vẫn những câu trả lời cũ: “Ra đây đăng ký em ơi, lát nữa họ dẫn em vào bệnh viện khám, đảm bảo không phải xếp hàng”. Sau khi tới phòng khám, chúng tôi được giao cho nhân viên y tế, còn người phụ nữ với vai trò dắt khách tiếp tục ra ngoài làm nhiệm vụ.
Có hay không phòng khám bắt tay với bệnh viện?
Tại phòng khám, nhân viên y tế khẳng định sẽ được khám ở Bệnh viện K, đồng thời không phải làm bất kể thủ tục gì, cũng như sẽ được đi “tàu nhanh” chứ không phải xếp hàng. Với sự khẳng định chắc nịch đó, chúng tôi đồng ý đóng tiền để khám sàng lọc ung thư cổ tử cung với mức giá 1.130.000 nghìn đồng (sau thu thêm 200.000 làm xét nghiệm). Sau khi đã thu tiền xong, nhân viên y tế hẹn 9 giờ sáng quay lại phòng khám để dẫn vào bệnh viện khám bệnh.
Sau khi nộp tiền người bệnh sẽ được làm thủ tục nhanh gọn và hứa hẹn được khám ngay.
Đúng 9 giờ, chúng tôi có mặt tại phòng khám như lời hẹn, cùng giờ đó có 4 bệnh nhân khác cũng được hẹn để đưa sang viện khám phụ khoa. Quả đúng như lời giới thiệu, chúng tôi cùng những bệnh nhân khác được một nhân viên phòng khám (đang mang bầu) dẫn sang thẳng khu vực tầng 2, nhà E (khu khám bệnh dành cho người chuyển tuyến, có bảo hiểm y tế) để khám.
Số tiền phải nộp cho các xét nghiệm và thủ thuật tại phòng khám tư.
Tại đây, người phụ nữ mang bầu nhắc nhở chúng tôi chờ vài phút, rồi sẽ quay lại ngay. Khoảng 10 phút sau, bà bầu này quay dẫn cả 5 người đi vào phòng khám trước sự ngỡ ngàng của nhiều bệnh nhân khác đang phải ngồi đợi từ sáng mà chưa đến lượt.
Không chỉ có vậy, tất cả 5 bệnh nhân được phòng khám dẫn sang không hề phải trình số thứ tự cho bác sĩ như những bệnh nhân khác, cũng như không phải làm bất kể thủ tục gì mà vẫn có số đóng dấu của phòng Kế hoạch tổng hợp.
Nộp tiền ở phòng khám tư, nhưng người bệnh được đưa vào viện làm và kết quả đúng là của BV K Trung ương.
Sau gần 1 giờ đồng hồ, cả 5 người bệnh ra khỏi phòng khám, trên tay ai cũng cầm một tờ kết quả và lại được dẫn sang phòng khám đối diện làm nốt những thủ tục còn lại để ra về. Như vậy, chỉ trong vòng 1 buổi sáng, không phải xếp hàng lấy số, không cần chờ đến lượt… nếu qua tay “cò” những người bệnh vẫn sẽ được khám tại bệnh viện trung ương hàng đầu về ung bướu.
Đó là chưa kể, người bệnh được đưa lên trực tiếp phòng khám, không nhìn thấy bất kể hóa đơn chứng từ nào của bệnh viện. Nếu như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu những đối tượng “cò” này có nộp tiền vào viện hay không? Hay họ dẫn thẳng lên phòng khám có bác sĩ “quen” rồi thì không ai dám chắc?
Chỉ tính theo đơn giá mà phóng viên trực tiếp thâm nhập thực tế, với nguyện vọng khám phát hiện sớm ung thư cổ tử cung phòng khám đã “ăn” chênh lệch 400.000 đồng/1 người bệnh.
Đó là chưa kể, người bệnh được đưa lên trực tiếp phòng khám, không nhìn thấy bất kể hóa đơn chứng từ nào của bệnh viện. Nếu như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu những đối tượng “cò” này có nộp tiền vào viện hay không? Hay họ dẫn thẳng lên phòng khám có bác sĩ “quen” rồi thì không ai dám chắc?
Có lẽ, với những người bệnh ở quê lên, họ thấy thế là hạnh phúc vì đơn giản, nhanh gọn, thuận tiện mà lại được lãnh đạo khoa trực tiếp khám. Nhưng với chúng tôi, hàng loạt câu hỏi khiến chúng tôi suy nghĩ như: Liệu phòng khám có “bắt tay” với nhân viên y tế để khám nhanh hay không? Liệu kết quả khám có đủ tin cậy hay không? ....
Theo tìm hiểu của phóng viên số tiền bệnh nhân chi cho phòng khám ngoài do "cò" dẫn đến có mức chênh rất nhiều so với mức giá niêm yết của bệnh viện. Ví dụ, tiền khám bệnh nhân phải đóng trước cho "cò" là 100.000 đồng (không ghi vào hóa đơn), trong khi đó mức phí khám ở viện là 39.000 đồng.
Xét nghiệm tế bào tử cung, giá thực hiện tại Bệnh viện K theo quy định của Bộ Y tế là 322.000 đồng, nhưng ngoài phòng khám thu đến 600.000 đồng.
Xét nghiệm SCC mức giá theo quy định là 201.000 đồng, nhưng phòng khám thu đến 300.000. Còn đối với CA 125 (tìm tế bào ung thư buồng trứng) theo quy định của nhà nước người bệnh phải nộp 137.000, nhưng trong phiếu thu của bệnh nhân là 200.000 đồng…
Như vậy, tổng toàn bộ số tiền chênh lệch trên 1 người bệnh khi thực hiện khám phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là 400.000 đồng.
Nội soi dạ dày, thực quản không gây mê tại phòng khám thu 750.000 đồng, trong khi tại bệnh viện K theo quy định chỉ 200-250.000 đồng/lần.....
|
Tất cả sẽ có lời giải tại kỳ 2: Có hay không sự móc nối giữa cò và nhân viên y tế bệnh viện?
Theo Lê Phương (Khám phá)
Let's block ads! (Why?)