Cuộc ly hôn chóng vánh
Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC, cô Farah kể rằng cô và chồng gặp nhau nhờ được một người bạn của gia đình giới thiệu. Họ cưới nhau và có con nhưng sau đó, những cuộc bạo hành bắt đầu xuất hiện. "Lần đầu tiên tôi bị đánh là vì vấn đề tiền bạc. Anh ấy nắm tóc tôi lôi qua 2 căn phòng và cố gắng ném tôi ra khỏi nhà. Có nhiều lúc chồng tôi còn bất chợt nổi điên không vì lý do gì" - cô Farah nói.
Bất chấp việc bị chồng đánh đập, người phụ nữ này vẫn hi vọng cuộc hôn nhân của họ sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, hành vi của người chồng lại càng ngày càng thất thường, đỉnh điểm là khi anh này quyết định "ly hôn" vợ qua tin nhắn điện thoại. "Khi đó, tôi đang ở nhà với các con còn anh ấy thì đi làm. Trong lúc nóng giận, anh ấy gửi cho tôi tin nhắn với nội dung 'talaq, talaq, talaq'" - cô Farah kể lại.
Một số người theo đạo Hồi tin rằng một khi người đàn ông thốt ra từ "talaq", có nghĩa là ly hôn, 3 lần liên tiếp với vợ, quan hệ hôn nhân của họ sẽ lập tức chấm dứt. Mặc dù phong tục này đã bị cấm ở hầu hết các nước Hồi giáo nhưng nó vẫn tồn tại và gần như không thể điều tra được còn bao nhiêu phụ nữ đang bị "ly hôn" theo cách này trong cộng đồng Hồi giáo tại Anh.
Nhiều phụ nữ Hồi giáo chấp nhận ngủ với người lạ để hàn gắn hôn nhân. Ảnh: India Today
"Tôi thẫn thờ cầm điện thoại rồi đưa sang cho bố. Ông ấy chỉ nói: 'Cuộc hôn nhân của con đã kết thúc, con không thể quay lại với nó'" - cô Farah kể tiếp. Người phụ nữ cho biết dù cô "hoàn toàn tuyệt vọng" nhưng vẫn sẵn lòng quay lại với chồng cũ bởi vì anh ta là "tình yêu của cuộc đời tôi". Theo lời kể của Farah, chồng cũ cũng hối hận vì đã ly hôn với cô.
Điều này khiến cô Farah tìm đến phong tục gây tranh cãi tên "halala", vốn chỉ được chấp nhận trong một bộ phận nhỏ người Hồi giáo ủng hộ luật ly hôn "talaq" chóng vánh. Họ tin rằng halala là cách duy nhất để một cặp vợ chồng ly hôn nhưng muốn quay lại với nhau có thể "gương vỡ lại lành".
Theo phong tục này, người phụ nữ sẽ phải cưới một người khác, quan hệ với người đó rồi ly dị. Sau khi hoàn thành, cô ấy mới có thể tái hôn với người chồng đầu tiên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những người phụ nữ tìm đến cách halala có nguy cơ bị lợi dụng tiền bạc, bị tống tiền hay thậm chí bị lạm dụng tình dục.
Halala bị đa số cộng đồng người Hồi giáo phản đối dữ dội và cũng là một phần lý do khiến cho nhiều người hiểu lầm về luật của đạo Hồi xoay quanh vấn đề ly hôn. Tuy nhiên, theo điều tra của đài BBC, một số tài khoản trực tuyến tại Anh đang cung cấp dịch vụ halala với chi phí lên tới hàng ngàn bảng Anh cho một cuộc hôn nhân tạm thời.
Họ tuyệt vọng đến mức tìm đủ mọi cách để quay lại với chồng cũ. Ảnh: REUTERS
Bước đường cùng
Một nữ phóng viên đài BBC đã chủ động liên lạc với một người đàn ông quảng cáo dịch vụ halala trên Facebook để giả vờ hỏi mua. Người này cho biết cô phải trả 2.500 bảng Anh và quan hệ tình dục với anh ta để "hoàn thành" cuộc hôn nhân, sau đó anh ta sẽ ly hôn. Theo lời người đàn ông này, có rất nhiều người khác đang làm việc này cùng anh ta.
Theo BBC, không có gì để chứng minh dịch vụ của nhóm người này là vi phạm pháp luật. Phóng viên của đài đã liên lạc với người đàn ông sau cuộc gặp mặt và anh ta phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào chống lại mình. Người này khẳng định chưa bao giờ thực hiện hay có liên quan đến cuộc hôn nhân halala nào và tài khoản Facebook anh ta tạo ra chỉ có mục đích giải trí.
Trong nỗ lực tuyệt vọng để hàn gắn với chồng cũ, cô Farah bắt đầu tìm đến những người đàn ông sẵn lòng giúp cô thực hiện phong tục halala. "Tôi biết có những phụ nữ lén làm việc này trong nhiều tháng trời. Họ tới nhà thờ có những căn phòng được dành riêng cho phong tục này rồi ngủ với thầy tế hoặc bất cứ ai cung cấp dịch vụ" - cô Farah kể.
Cô Khola Hasan, thành viên của Hội đồng Hồi giáo Sharia. Ảnh: BBC
Tuy nhiên, Hội đồng Hồi giáo Sharia ở miền Đông London, nơi tư vấn cho phụ nữ về các vấn đề xoay quanh chuyện ly hôn, luôn cực lực lên án những cuộc hôn nhân halala. "Đó là cuộc hôn nhân giả dùng để kiếm tiền và lợi dụng những người nhẹ dạ" - cô Khola Hasan, một thành viên của tổ chức, nói.
"Halala là phong tục trái luật và bị cấm. Những người phụ nữ có rất nhiều sự lựa chọn khác, ví dụ như tìm người giúp đỡ hoặc tư vấn. Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai tiến hành phong tục này. Các bạn không cần tới halala, cho dù có chuyện gì đi chăng nữa" - cô Hasan nói thêm.
Cuối cùng, cô Farah đã quyết định không quay lại với chồng nhưng cũng không quên cảnh báo còn nhiều phụ nữ khác như cô đang tuyệt vọng đi tìm một giải pháp. "Nếu không ở trong hoàn cảnh đó và cảm nhận nỗi đau mà tôi phải chịu, bạn sẽ không thể nào hiểu được tâm trạng đau khổ của một phụ nữ đã ly hôn. Hiện tại, trong khi tinh thần đang tỉnh táo, tôi sẽ không bao giờ quyết định ngủ với người lạ để quay lại với một người đàn ông. Nhưng trước đây, có những lúc tôi đã tuyệt vọng đến mức muốn tìm mọi cách để có thể hàn gắn với chồng cũ" - cô Farah chia sẻ.
Theo Bảo Hạnh (Người lao động)
Let's block ads! (Why?)