Sau hơn một tháng xảy ra sự việc 2 học sinh tử vong do nghi bị viêm cầu thận ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, ngày 2/3, cơ quan chức năng đã có kết luận nguyên gây bệnh là do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Kết luận này dựa theo kết quả xét nghiệm 6/8 mẫu máu của 5 bệnh nhân và 3 học sinh nghi ngờ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Trước kết luận trên, nhiều người đặt ra câu hỏi về sự nguy hiểm của căn bệnh này, để giải đáp thắc mắc trên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo – Trưởng khoa Khoa Nội Thận - Thận Nhân Tạo (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM).
ThS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo – Trưởng khoa Khoa Nội Thận - Thận Nhân Tạo (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) đang khám cho bệnh nhân.
ThS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo cho biết, bệnh viêm cầu thận do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, khởi đầu bằng những triệu chứng viêm họng hoặc viêm da, sau đó vi trùng không tấn công trực tiếp lên thận mà thông qua cơ chế miễn dịch.
“Trong điều kiện bình thường, người nhiễm sẽ được hệ miễn dịch loại bỏ vi trùng này và người bệnh sẽ khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, ở một số người bệnh có hệ miễn dịch bị rối loạn, các phức hợp kháng nguyên kháng thể sẽ không bị loại bỏ đi mà trôi theo dòng máu, đến cầu thận bị mắc lại và gây ra tổn thương và biểu hiện bệnh lý”, BS Phương Thảo cho hay.
BS Thảo cũng cho biết, bệnh thường hay gặp ở trẻ từ 4 đến 14 tuổi. Tuy nhiên, viêm cầu thận cấp ở người lớn thường nặng hơn ở trẻ em. Bệnh hay gặp ở những nơi kinh tế kém phát triển, đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém, hoặc có thể phát tán trong trường học.
Người mắc căn bệnh này thường có triệu chứng như bị viêm họng 1-2 tuần, viêm da mủ, bị sưng phù hai mi mắt, phù mặt, có thể lan toàn thân, tiểu ít, nước tiểu sậm màu như nước trà đậm, tăng huyết áp thường gặp, khó thở do suy tim, có thể ở mức độ nặng, ho trào bọt hồng, suy hô hấp, tử vong.
Nước tiểu của một bệnh nhân bị viêm cầu thận.
BS Thảo cho rằng, khi đã xảy ra suy thận, người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, ăn lgiảm muối, kiểm soát huyết áp, dung thuốc lợi tiểu, điều trị suy tim sung huyết, điều trị các biến chứng suy thận cấp. Một số trường hợp nặng cần phải chạy thận nhân tạo cấp cứu.
Để phòng căn bệnh ngày, BS Thảo cho rằng, biện pháp đầu tiên là phải cải thiện điều kiện vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nếu trẻ bị viêm họng hoặc viêm mủ da, không nên xem thường, không tự dùng thuốc mà phải đến khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi để tích cực điều trị nhiễm khuẩn sớm ngay từ đầu, và có thể điều trị những người thân bị mắc bệnh.
Trẻ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan trong cộng đồng. Nếu trẻ có biểu hiện bệnh thận như phù, tiểu ít, tiểu sậm màu, tăng huyết áp thì phải đưa trẻ đến khám với bác sĩ chuyên khoa thận để có điều trị chuyên khoa kịp thời tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước đó, từ ngày 1/1/2017, Trạm Y tế xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) bắt đầu tiếp nhận hai trường hợp đến khám tại trạm y tế với triệu chứng phù, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
Hai trường hợp này đều học tại Trường Tiểu học -Trung học cơ sở xã Hạnh Dịch. Đến ngày 20/1, số ca mắc bệnh ở trường lên đến 20 người với các triệu chứng tương tự. Trong số những người bị bệnh có 2 học sinh là hai anh em ruột đã tử vong.
Let's block ads! (Why?)