Bà N.T.N (ở Vĩnh Phúc) đã gọi điện trực tiếp vào số điện thoại của Ths.BS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, với mong muốn được hiến tạng của con trai để cứu sống người khác.
Ths. Phúc cho biết: “Hôm đó là buổi chiều ngày 6/2, tôi nhấc máy thì nhận được lời đề nghị về việc làm thủ tục đăng ký hiến tạng, kèm với đó là những tiếng khóc nức nở. Bình tĩnh trở lại tôi hỏi ngọn ngành câu chuyện thì được biết, con trai bà N. do không còn khả năng cứu chữa, nên người mẹ này quyết định sẽ hiến tạng của con mình để cứu nhiều người khác”.
Ths.BS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Khi hỏi rõ câu chuyện thì được biết con trai người phụ nữ này đã 40 tuổi. Cách đây 4 tháng, trong lúc đi làm, anh bị tai nạn giao thông. Ngay sau đó, anh được người dân đưa vào các cơ sở y tế cấp cứu. Dù các bác sĩ đã rất nỗ lực nhưng con trai bà không hồi tỉnh. Từ đó, anh nằm liệt giường và đến ngày 5/1, anh được xác định đã chết lâm sàng.
Dù rất xúc động với tâm lòng và tâm nguyện của người mẹ này, nhưng bác sĩ Phúc một mặt chia sẻ với gia đình, một mặt lý giải về việc không thể thực hiện lấy tạng của con trai bà N. được.
“Theo quy định của pháp luật, những người được lấy tạng phải chết não nhưng trường hợp con trai bà N. chết lâm sàng nhưng vẫn thở được nhờ hỗ trợ của máy móc. Hơn nữa, việc xác định có chết não hay không cần phải làm nhiều xét nghiệm, trong khi bệnh nhân đang điều trị tại nhà nên việc này là rất khó. Nếu đưa bệnh nhân đến bệnh viện lại là một câu chuyện khác. Khi ấy, chi phí điều trị bệnh nhân cũng rất cao. Bởi vậy, dù tâm nguyện gia đình muốn hiến tạng cho con nhưng chúng tôi không thể lấy tạng”, BS Phúc chia sẻ.
BS Phúc cho biết, trong những ngày đầu năm mới Đinh Dậu 2017 trung tâm cũng đã nhận được điện thoại từ một gia đình ở đường Láng Hạ, Hà Nội. Người gọi đến là nam giới, cho biết mẹ anh hơn 60 tuổi vừa mất.
Ca hiến tạng cứu sống 4 người ở Bệnh viện Quân Y 103.
Tâm nguyện của bà trước khi chết là muốn cứu được nhiều người đang mắc bệnh hiểm nghèo bằng cách hiến tạng. Vì vậy, bà đã đăng ký hiến tạng và được cấp thẻ hiến tạng. Khi bà qua đời, gia đình đã gọi đến trung tâm. Sau đó, trung tâm phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương đến gia đình người mất lấy đôi giác mạc để ghép cho hai người mù. Nhờ đó, hai người bị mù đã được nhìn thấy ánh sáng.
Từ những trường hợp trên, BS Phúc cho rằng đây là tín hiệu tốt đối với phong trào hiến tạng ở nước ta hiện nay. Điều đó cho thấy, người dân ngày càng nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người sau khi chết và chết nào.
“Nếu như cách đây 3 năm, số người hiến tạng sau khi chết hoặc chết não chỉ là con số 0, thì đến thời điểm hiện này con số đó đã tăng lên gần 10.000 người. Đó là tín hiệu vô cùng đáng mừng, tôi tin rằng con số này sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới”, BS Phúc chia sẻ.
Theo thống kê, hiện nay ở nước ta ngày nào cũng có người chết não do tai biến, tai nạn giao thông và các bệnh khác. Riêng về tai nạn giao thông, mỗi năm, trung bình nước ta có khoảng 11.000 người tử vong, trong đó ít nhất 1/3 trường hợp được xác định là chết não.
Let's block ads! (Why?)