Trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc gan nhiễm mỡ. Ảnh minh họa
11 tuổi đã bị gan nhiễm mỡ
Con trai chị Nguyễn Mai Anh (ở Hà Nội) mới 11 tuổi nhưng mới đây đi kiểm tra sức khỏe đã tình cờ phát hiện mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Bé cân nặng đến 56kg, kết quả ghi nhận qua siêu âm, bác sỹ phát hiện bé bị gan nhiễm mỡ ở mức độ 3 – mức độ gan nhiễm mỡ cao nhất và ở giai đoạn nguy hiểm nhất trong ba giai đoạn nhiễm mỡ của gan. Ngoài ra, các chỉ số xét nghiệm men gan của bé tăng gấp bốn lần so với bình thường, kèm theo đó là tăng cholesterol và triglyceride.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Bệnh viện Đa khoa Medlatec Hà Nội cho biết, nhiều người vẫn nghĩ, gan nhiễm mỡ chỉ mắc ở người lớn song thực tế không ít trẻ nhỏ cũng mắc bệnh này. Gan nhiễm mỡ hiện nay đang tăng do chế độ ăn uống, béo phì. Ngoài ra, một số trẻ bị bệnh wilson (bệnh rối loạn chuyển hóa đồng) hoặc thừa đồng, đái đường do sử dụng một số thuốc tetracylline, thuốc điều trị ung thư.
Gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, khi bị nặng, mỡ có thể chiếm tới 40% – 50% trọng lượng gan ướt, làm cho công năng gan bị tổn hại nghiêm trọng. Đây không phải bệnh ác tính nhưng để lâu có nguy cơ tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là người dân thường không mấy quan tâm đến bệnh này, nhất là đối với trẻ nhỏ.
TS Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ ứ đọng trong gan, chiếm 3 – 5% trọng lượng của gan. Khi lượng mỡ chiếm 5 – 10% là mức độ nhẹ, 10 – 25% là mức độ vừa, trên 30% là bệnh ở mức độ nặng. Khoảng 15-20% dân số Việt Nam mắc các bệnh về gan, trong đó có tới 10-25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan và tử vong. Nhiều trẻ em mới 15-16 tuổi đã mắc bệnh gan nhiễm mỡ do béo phì, thừa cân. Người gầy nhưng năng lượng dư thừa thì vẫn có thể bị gan nhiễm mỡ.
Trẻ nhỏ bị gan nhiễm mỡ thường không rõ rệt, đa phần được phát hiện tình cờ qua siêu âm khi kiểm tra sức khỏe. Ở mức độ nhẹ, trẻ dường như không cảm nhận được sự thay đổi gì đang diễn ra trong cơ thể mình. Ở mức độ nặng hơn chút, trẻ thường xuyên bị đau sườn phải nhưng dấu hiệu này hay bị bỏ qua do trẻ mải chơi và còn ít hiểu biết về bệnh.
Thường khi gan nhiễm mỡ đã mức độ nặng mới phát hiện được, trẻ sẽ gặp những cơn đau bụng quằn quại, gan có dấu hiệu bị phù, chức năng gan có thể vẫn bình thường nhưng một thời gian dài sau gan sẽ bị cứng lại gây đau đớn. Người bệnh có một số triệu chứng: Mệt mỏi, ăn không ngon, đau bụng hoặc sưng bụng, buồn nôn hoặc ói mửa, giảm hoặc khó tăng cân…
Đừng để trẻ béo phì
Theo TS Vũ Trường Khanh, 70% bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ là do bệnh béo phì. Nếu bị béo phì thì nên nghĩ tới nguy cơ gan nhiễm mỡ. Trẻ béo phì cha mẹ cần quan tâm cho trẻ đi kiểm tra, xét nghiệm gan nhằm phát hiện tình trạng gan nhiễm mỡ để theo dõi điều trị sớm. Những trẻ trong tình trạng béo phì thường có chế độ ăn nhiều chất béo, đồ ngọt trong khi lười vận động khiến gan hoạt động quá công suất, không kịp chuyển hóa hết chất béo. Tình trạng này tích tụ mỗi ngày khiến mô mỡ không được đốt cháy nên mỡ càng tích tụ trong gan, gây ra gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi nếu không điều trị nguyên nhân gây ra như béo phì, tăng mỡ máu... Một số người quan niệm sai lầm rằng mắc bệnh gan nhiễm mỡ cần ăn chay để giảm mỡ. Việc ăn chay không thể làm giảm bệnh gan nhiễm mỡ. Bởi thực phẩm chay sẽ làm cho cơ thể dung nạp quá ít chất béo, chất béo trong cơ thể phân giải quá nhiều không những không thể chữa trị gan nhiễm mỡ mà còn làm bệnh nặng thêm.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cho biết, để biết có mắc bệnh hay không và mức độ tổn thương gan thế nào, các xét nghiệm có thể được thực hiện như xét nghiệm máu, men gan AST, ALT cùng một số xét nghiệm khác như siêu âm gan để xác định các bất thường khác ở gan.
Hiện nay, phương pháp Fibroscan được coi là tiên tiến nhất để chẩn đoán gan nhiễm mỡ, xơ gan. Trước kia chẩn đoán xơ gan phải dựa vào triệu chứng của bệnh nhân, xét nghiệm công thức máu: Tiểu cầu, bạch cầu giảm, amumin giảm, siêu âm gan, sinh thiết gan. Sinh thiết gan là một phương pháp xâm lấn và tiềm ẩn các nguy cơ như đau, chảy máu, nhiễm trùng ổ bụng… mặc dù tỷ lệ biến chứng là hiếm khi xảy ra. Có những bệnh nhân sợ quá có thể ngừng tim, ngừng thở và không được áp dụng cho bệnh nhân cao tuổi. Chi phí sinh thiết gan mất khoảng 1 tới 2 triệu và thời gian cho kết quả lâu. Phương pháp Fibroscan được thực hiện nhanh chỉ sau 10 phút không gây đau hay khó chịu cho người bệnh, chi phí rẻ một nửa.
Trẻ bị bệnh gan nhiễm mỡ rất nguy hiểm do tuổi còn nhỏ chưa ý thức được chế độ sinh hoạt của mình. Chính vì thế cha mẹ nên thường xuyên quan tâm đến sức khỏe, cho trẻ đi khám định kì để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Bên cạnh đó việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là một cách giúp trẻ khống chế được sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ. Đừng nên để trẻ bị béo phì.
Nếu bị thừa cân, béo phì nên áp dụng chế độ ăn hợp lý, không chỉ giảm ăn nhiều chất béo, mà cần giảm ăn các loại thực phẩm có nhiều chất bột đường, nước ngọt vì chất bột đường nếu dư thừa cũng sẽ chuyển hoá thành mỡ dự trữ ở bụng và trong nội tạng như gan, tim...
Nên giảm các loại thực phẩm giàu cholesterol và triglycerid (phủ tạng, lòng đỏ trứng, thịt đỏ), da (gà, vịt, ngỗng, ngan). Tăng cường ăn cá, các loại thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như tỏi ta, giá đỗ, cà chua chín và ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính… Cùng với đó cần tăng cường hoạt độngg thể lực với mọi hình thức khác nhau tùy theo điều kiện của trẻ như đi bộ, bơi, cầu lông…
Để hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, nhiều người dùng một số loại thực vật như: Diệp hạ châu, quả cây ngũ vị tử, cây kế sữa, atisô... Tuy nhiên, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nên có sự tư vấn của bác sỹ để tránh việc lạm dụng làm tăng gánh nặng cho gan.
|
Let's block ads! (Why?)