... Sợ hãi, tôi bèn lấy kéo cắt đi một phần thì hôm sau đổ bệnh, đầu đau như búa bổ. Từ đó, tôi không dám cắt tóc nữa”, bà Năm (ở thôn Viên Đình, xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội) nhớ lại.
Hơn 20 năm qua, mái tóc bà Đỗ Thị Năm đã tự kết tạo hình nhiều con vật. Ảnh: T.G
Cứ cắt tóc là đổ bệnh
Trong cái lạnh những ngày mưa đầu đông, chúng tôi tìm đến căn nhà của bà Năm ở con ngõ nhỏ nằm lọt thỏm một góc làng. Nghe có khách, bà Năm tất tưởi chạy về từ cánh đồng trũng phía sau nhà.
Thả vội chiếc chậu nhựa còn dính vài con tôm, tép xuống đất, bà niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi ấn tượng về bà là mái tóc lù xù, bạc quá nửa và bết thành hai mảng lớn phía sau đầu. Trên khuôn mặt khắc khổ ấy vẫn còn dính mấy vệt bùn đen nhem nhuốc. Trông bà gầy nhom, trên người mặc chiếc áo len mỏng và chiếc khăn vấn chặt phía bụng để đi làm đồng. Thỉnh thoảng chân bà lại rung lên bần bật vì giá lạnh…
Bên trong nhà, một chiếc giường cũ kĩ, ọp ẹp được kê gạch cho chắc chắn. Manh chiếu đơn rách lỗ chỗ không phủ kín được dát giường. Chiếc chăn mỏng, sờn rách cùng bộ cánh màn đã đổi sang đùng đục được bà quấn gọn phía trên. Ngoài những đồ đạc tuềnh toàng, căn nhà bà không có vật dụng gì giá trị.
Đáp lại sự hiếu kì của chúng tôi, người phụ nữ 65 tuổi cởi mở giới thiệu về “bộ sưu tập” những hình thù kì dị được kết lại từ mái tóc của mình. Bà bảo: “Tóc của tôi kết thành nhiều hình con vật lắm, lúc hình đầu rồng, khi thì ra con ngựa, cánh én… Tính đến giờ, tóc tôi đã kết hình hơn ba mươi con vật rồi”. Điều đặc biệt, cứ một thời gian kết hình, tóc bà lại tự rụng xuống.
“Hơn 20 năm trước, sau một trận ốm nặng thì mái tóc dài của tôi bỗng dưng tự kết dính lại thành búi lớn không sao gỡ ra nổi. Khoảng độ nửa tháng thì thành rõ hình đầu rồng. Sợ hãi, tôi bèn lấy kéo cắt đi một phần thì hôm sau đổ bệnh, đầu đau như búa bổ. Từ đó, tôi không dám cắt tóc nữa”, bà Năm nhớ lại.
Cứ vậy, sau một khoảng thời gian, mái tóc của bà lại kết thành hình một con vật khác nhau rồi ít tháng lại rụng xuống. Mỗi lần như vậy, bà lại cẩn thận nhặt rồi cất vào hòm làm kỷ niệm. Nói rồi bà lấy chìa khóa mở hòm lấy ra chiếc hộp đựng các búi tóc kết cho chúng tôi xem.
Hơn 20 năm mang mái tóc kỳ dị trên đầu, có lẽ bà Năm đã quen. Thậm chí cứ khi nào tóc của bà sắp rụng là bà có cảm giác bồn chồn, bứt rứt. Trở ngại lớn nhất là mái tóc kết dính làm mỗi lần bà gội đầu tóc rất lâu khô. Theo lời bà, mỗi lần gội đầu phải mất hơn 2 ngày mái tóc mới khô được.
Thân già nuôi hai con tâm thần
Kể về cuộc sống của mình, bà Năm thở dài: “Năm 27 tuổi, sau khi chia tay với người chồng vũ phu, tôi dắt díu bốn đứa con từ Nam ra Bắc, về nương nhờ bố mẹ đẻ. Từ đấy, mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau. Những tưởng tuổi già được nhờ cậy con, ai ngờ, hai đứa con trai tôi ốm nặng rồi mất trí nhớ. Chúng nó lúc tỉnh lúc mê, nói năng linh tinh, suốt ngày đòi đốt nhà cửa. Sau đó không lâu, người con thứ ba cũng mắc bạo bệnh rồi qua đời. Đứa con gái út của tôi hiện nay lấy chồng ở làng bên nhưng cuộc sống rất vất vả nên không thể giúp đỡ được mẹ nhiều”.
Hiện tại, bà Năm đang chăm sóc hai người con tâm thần là Nguyễn Văn Minh (SN 1971) và Nguyễn Văn Nhật (SN 1973). “Thương nhất là thằng Nhật, nhà cửa có nhưng nó nhất định không chịu lên giường nằm mà bỏ xuống dưới góc bếp. Có một bận tôi đi lội đồng về, thấy con nằm sõng soài bất tỉnh ngay dưới nền chuồng vịt. Người thì ướt sũng, lạnh toát. Hoảng quá, tôi vội xốc con vào bếp, lấy dầu gió xoa khắp người, nắn bóp rồi hô hấp mãi nó mới tỉnh dậy. Rồi có hôm mưa gió, hai đứa nó bỏ đi lang thang khiến tôi phải đi tìm cả đêm. Xót xa lắm…”, bà Năm nghẹn lời.
Theo chân người phụ nữ bất hạnh này, chúng tôi xuống căn bếp rộng khoảng 5m2 và cũng là chỗ ngủ của con trai bà. Thấy chúng tôi, họ cười khềnh khệch rồi lại co ro một góc. Vừa gấp manh chiếu đã cũ rích, mốc mủn, bà Năm vừa kể: “Mấy năm nay tôi yếu đi nên không cấy lúa nên nhà không sẵn gạo để ăn. Con gái thương tình mua cho cái bếp gas mini nhưng tôi chẳng dám dùng vì hết gas không có tiền đổi. Mùa vụ trước, nhà nào bỏ trấu thì tôi đi xin về để đến đông đốt cho các con sưởi ấm. Đến khi hết củi, hết trấu, tôi đi nhặt những túi nilon người ta bỏ đi để mang về làm đồ đun. Biết là độc hại, nhưng nhiều lúc nghĩ mình khổ quá cũng chẳng sống được lâu nữa nên tặc lưỡi. Có người thương tình cho những bộ quần áo cũ hoặc cái chăn cái chiếu, tôi cẩn thận cất gọn vào trong buồng để cho các con dùng vào mùa đông. Ấy vậy mà có hôm tôi đi vắng, hai đứa con dại mang ra nghịch rồi đốt hết. Rõ khổ”.
Ở tuổi già nhưng hàng ngày bà Năm vẫn ra đồng mò cua, bắt ốc bán lấy tiền mua gạo. “Nấu được nồi cơm ngon, xới vào bát cho chúng nó thì hai đứa đổ xuống đất rồi bốc lên ăn...”, nói đến đây, người phụ nữ khắc khổ bật khóc.
Những năm trước, được chính quyền địa phương quan tâm kêu gọi mọi người giúp đỡ, bà Năm đã xây dựng được căn nhà nhỏ để tiện chăm sóc các con. Riêng bà vẫn ở trong căn nhà cũ lụp xụp bên cạnh. “Chỉ cần các con có nơi tránh nắng, tránh mưa là mình an tâm, tôi già cả rồi cần gì nữa”, bà tâm sự.
Có lẽ cái cơ cực nghèo đói đeo đuổi quá lâu khiến người mẹ đơn thân chỉ dám ước mong các con ngày hai bữa no đủ. Cầm gói mì tôm đã ăn quá nửa, bà nghẹn ngào: “Được bữa sáng lắm khi lại mất bữa tối. Nhiều khi trái gió trở trời là người tôi như phải cảm. Đến lúc tỉnh lại xắn quần lên mà đi mò con cua, con ốc làm thức ăn. Tôi mà ngã bệnh thì ba mẹ con đều nhịn đói”.
Lo lắng lớn nhất luôn canh cánh trong bà là sức khoẻ của những đứa con. Nhìn con mình gầy gò, đen nhẻm, lê lết hết mọi ngóc ngách trong làng khiến người mẹ thắt lòng. “Nhìn thằng lớn ngày càng gầy, da vàng vọt, môi thâm đen lại, người thì lở loét đóng vảy cá, thương lắm. Tôi nhiều lần muốn làm đơn xin cho con đi khám xem có phải nó nhiễm chất độc da cam như bố nó không, nhưng kinh tế hạn hẹp nên đành chịu”, bà Năm xót xa.
Khi được hỏi về ước mơ trong cuộc đời mình, người đàn bà bạc phận cười cay đắng: “Mong ước lớn nhất của tôi là có cháu nội bồng bế. Nhưng đấy chỉ là mơ thôi. Nhiều khi thấy người ta dắt cháu đi chơi mà mình thèm. Nhà khác bằng tuổi tôi là có cháu đàn cháu đống rồi. Thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh…”.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Quang Linh, Trưởng thôn Viên Đình, xã Đông Lỗ tâm sự: “Ở cái làng này ai cũng biết trường hợp của bà Đỗ Thị Năm. Về mái tóc kết hình con vật của bà là có thật, nhưng chúng tôi cũng không biết lý do tại sao mà lạ như vậy. Còn về hoàn cảnh của bà thì một mình nuôi hai con tâm thần. Xã cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực như xây nhà tình nghĩa, trợ cấp hàng tháng cho các con của bà. Do hoàn cảnh nghèo khó, bà Năm không có điều kiện đưa các con đi bệnh viện chữa bệnh. Mỗi lần có đoàn y tế về xã khám bệnh là chúng tôi tạo điều kiện ưu tiên cho gia đình bà được thăm khám, lấy thuốc”.
|
Let's block ads! (Why?)