Thời gian gần đây, trên địa bàn nước ta đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn trẻ em do rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong hoặc bị thương nặng.
Cụ thể, vào khoảng 20 giờ ngày 30/10 vừa qua, tại tòa nhà K6 (KĐT Việt Hưng – Long Biên) 1 cháu bé 7 tuổi đã rơi xuống khu vực giếng trời từ tầng 11 xuống tầng 2. Tại chung cư này mặt trước và mặt sau đều có khu vực giếng trời để thoáng khí và lấy ánh sáng cho cả tòa nhà, tuy nhiên giếng trời này xuyên suốt các tầng và ở mỗi tầng đều không có lan can.
Hình ảnh tòa nhà K6 KĐT Việt Hưng nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm.
Theo chị Tâm (bác nạn nhân), vào thời điểm trên, cháu N.A đang chơi với 4 người bạn cùng tầng 11 cười đùa vui vẻ, sau đó, cháu N.A cùng 2 người bạn trèo lên đoạn lan can thì không may bị rơi xuống phần mái tầng 2 tử vong tại chỗ. Thấy bạn bị rơi, một người bạn của cháu N. A đã chạy vào phòng của gia đình thông báo cho bố mẹ cháu N.A biết. Vậy là chỉ một phút trẻ con đùa nghịch không để ý, người lớn không giám sát, một đứa trẻ đã phải mất mạng oan uổng.
Mới đây, vào giữa tháng 7/2016, tại tòa nhà Rainbow Linh Đàm (Hoàng Liệt – Hoàng Mai) một cháu bé 6 tuổi cũng đã rơi từ tầng 11 xuống tầng 2 tại khu vực giếng trời tử vong. Theo tìm hiểu thì gia đình nạn nhân sống trên tầng 11, tại khu vực tiếp giáp với giếng trời không được lắp lưới an toàn nên khi cháu bé leo lên cửa sổ chơi thì bị té ngã.
Hình ảnh tòa nhà nơi xảy ra vụ việc
Trước đó, vào ngày 16/3/2015, người dân sống tại tòa nhà CT19, KĐT Việt Hưng (Long Biên - Hà Nội) hốt hoảng khi phát hiện một bé trai 5 tuổi rơi từ tầng 6 xuống. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã nhanh chóng đưa cháu bé đi cấp cứu tại BV Đa khoa Đức Giang, sau đó được chuyển lên BV Việt Đức cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Sau đó, bé đã tử vong vì bị thương quá nặng.
Tòa nhà CT19, KĐT Việt Hưng (Long Biên - Hà Nội), nơi xảy ra vụ việc
Vào ngày 18/8/2014 khi vợ vừa đi làm, anh Phương ở căn hộ tầng 15 chung cư Bình Khánh, quận 2, TP HCM vội khóa cửa nhà và để con trai Phạm Quang Thanh (5 tuổi) ở một mình trong nhà rồi đi đón cậu con lớn đang học ở trường.
Bé trai rơi từ tầng 15 của chung cư Bình Khánh cao 17 tầng.
Một lúc sau, khi trở về, người bố chạy khắp căn hộ vẫn không thấy Thanh đâu. Đứng ở lan can nhìn xuống đất, anh Phương chết lặng khi phát hiện con mình nằm bất động trên thảm cỏ. Được đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong sau đó.
Những cái chết thương tâm, oan uổng của trẻ con ở chung cư đã khiến không ít bậc cha mẹ cả nước thấy lo sợ, giật mình.
Bài học "cảnh tỉnh" cho các gia đình
Những tai nạn trên đây như một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả mọi người đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ về sự an toàn ở các chung cư cao tầng, khi lan can, giếng trời, cửa sổ không song sắt đều trở thành những cái "bẫy" cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em đang ở lứa tuổi hiếu động, mải chơi, không để ý nguy cơ tiềm ẩn xung quanh mình...
Trên thực tế, trẻ ở độ tuổi từ 5 -10 tuổi, hiếm có đứa trẻ nào ý thức được những mối nguy hiểm xung quanh mình. Vì đó vẫn là độ tuổi ham ăn, ham ngủ, ham chơi đặc biệt là các bé trai thường rất hiếu động, thích chạy nhảy, leo trèo, khám phá mọi thứ xung quanh. Thế nhưng trong căn nhà của chúng ta lại có vô vàn những mối hiểm nguy đang chực chờ trẻ, có những thứ vô hại đối với người lớn nhưng lại là mối đe dọa đến sự an toàn của trẻ nhỏ. Cho dù có người lớn ở nhà mà không để ý đến trẻ thì cũng không chắc chắc có thể kiểm soát được tất cả các tình huống bất ngờ xảy ra.
Trong khi hiện nay, nhiều người vẫn còn thờ ơ, chưa nhận thức hết được những nguy cơ tai nạn đối với con nhỏ từ những ban công, cửa sổ không có thiết bị bảo vệ ở các căn hộ. Chính vì thế đã để xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho trẻ.
Để hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ thì các cha mẹ nên lưu ý những điều dưới đây:
Những nhà ở chung cư khi xây dựng cần được thiết kế rào lan can cao để đề phòng trường hợp trẻ em leo ra ngoài chơi và xảy ra điều đáng tiếc. Đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ thì các cha mẹ, phụ huynh nên chủ động lắp lưới an toàn cho các lan can ban công hoặc các loại cửa của căn hộ.
Mặt khác, các bậc cha mẹ cũng nên nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa bằng cách rà soát lại hết những đồ đạc, vật dụng, thiết bị trong nhà của mình, thẳng tay loại bỏ những thứ có thể gây nguy hiểm cho con trẻ, hoặc phải cất chúng ở những chỗ ngoài tầm với của trẻ. Nếu ở tầng cao, các cha mẹ nên chú ý không được để bàn, ghế, tủ... hay những thứ gì có thể để trẻ leo lên, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Điều quan trọng nhất là cha mẹ không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình hoặc không có người lớn để mắt tới dù với bất kì lý do gì. Các cha mẹ, phụ huynh - những người lớn trong gia đình cần phải chủ động quan sát, tìm hiểu và để mắt đến trẻ để không xảy ra bất cứ trường hợp nguy hiểm, đáng tiếc nào xảy ra với con em mình.
Let's block ads! (Why?)